“Né” liên ngân hàng, tổng tài sản vơi 1/4
Trong năm 2015, tổng tài sản hợp nhất của Eximbank đã vơi thêm 22%, về chỉ còn 125.829 tỷ đồng, chốt đến ngày 31/12/2015. Trước đó, tổng tài sản EIB cũng liên tục sụt sâu trong giai đoạn 2011 – 2014.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc sụt giảm tài sản này ở Eximbank, căn cứ vào các số liệu trên bảng cân đối kế toán, chủ yếu là do hiện tượng teo nhỏ các hoạt động tín dụng liên ngân hàng, khi Eximbank giảm mạnh vay tiền và đồng thời cũng giảm mạnh “bơm” tiền sang các tổ chức tín dụng khác.
Ở vế Tài sản Có, nếu như cuối năm 2014, Eximbank vẫn còn tới 39.463 tỷ đồng Tiền, vàng gửi và cho vay các TCTD khác, thì đến cuối năm 2015, con số tương ứng chỉ là 7.833 tỷ đồng.
Đáng nói, hoạt động Cho vay các TCTD khác ở Eximbank đã gần như bị triệt tiêu, từ mức 6.244 tỷ đồng đầu năm về chỉ còn vỏn vẹn 95 tỷ đồng, và tất cả 95 tỷ đồng này đều đã được ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro 100%.
Theo tìm hiểu của VietTimes, đây là khoản cho vay với một ngân hàng thương mại, dù đã đáo hạn từ ngày 7/4/2014 nhưng vẫn chưa được tất toán.
Tương tự, ở vế Tài sản Nợ, Eximbank cũng giảm mạnh Tiền gửi và vay các TCTD khác từ mức 41.043 tỷ đồng đầu năm về chỉ còn 7.933 tỷ đồng. Trong đó, Vay các TCTD khác chỉ chiếm không đáng kể, 829 tỷ đồng (đầu năm là 11.489 tỷ đồng).
Hiện tượng suy thoái sâu các khoản mục tài sản liên ngân hàng tuy có “sốc” và ảnh hưởng nhất định tới cân đối tổng tài sản ở Eximbank, nhưng ở giác độ khác, sự thay đổi này cũng mang lại nhiều nét tích cực.
Nó phản ánh việc lành mạnh hóa dòng vốn ở Eximbank, cho thấy ngân hàng đã bớt phụ thuộc hơn vào thị trường 2 (liên ngân hàng), giảm nguy cơ một số cá nhân có thể lợi dụng việc đẩy vốn, ủy thác qua các tổ chức tín dụng thân hữu để “bơm” tiền cho các doanh nghiệp sân sau.
Được biết, trong năm 2015, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động của EIB. Và không loại trừ khả năng, chính điều này đã đem đến những tác động căn bản, khiến các khoản mục liên ngân hàng của Eximbank “xẹp” đi nhanh chóng.
Theo kết luận Thanh tra, Eximbank đã có sai phạm về tín dụng như giải ngân bằng tiền mặt, chứng từ sử dụng vốn chưa bổ sung đầy đủ, tài sản đảm bảo chưa được kiểm tra liên tục theo quy định. Trong đó, riêng việc thanh tra 5/6 hồ sơ đầu tư tài chính, Thanh tra đã phát hiện sai phạm gần 6.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận đạt chưa đầy 9% kế hoạch
Như kịch bản quen thuộc suốt những năm qua, báo lãi rất tốt trong các báo cáo tài chính giữa niên độ, nhưng đến quý cuối cùng của năm, khi phải thực hiện công tác trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận của Eximbank lại... biến mất.
Theo đó, mặc dù thu nhập lãi trong quý đã đạt khá tốt với 2.176 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2014, nhưng quý IV/2015, Eximbank vẫn lỗ 463 tỷ đồng, kéo lợi nhuận ròng lũy kế cả năm về chỉ còn 62 tỷ đồng (89 tỷ đồng trước thuế), đạt chưa đầy 9% kế hoạch lợi nhuận nghìn tỷ đã đặt ra trước đó.
Chi phí dự phòng rủi ro tăng đột biến là nguyên nhân khiến ngân hàng này lâm vào cảnh thua lỗ. Cụ thể, Eximbank đã tăng trích lập lên mức 935 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ. Ngoài ra, ngân hàng này cũng lỗ do đầu tư ngoại hối, đầu tư chứng khoán, hoạt động góp vốn, mua cổ phần…
Về kết quả xử lý nợ xấu, tính đến 31/12/2015, tổng nợ xấu của Eximbank đã giảm 26%, về chỉ còn 1.575 tỷ đồng (1,86%). Trong đó nợ có khả năng mất vốn đạt 802 tỷ đồng, giảm 40%.
Tuy nhiên, để đánh giá tình hình nợ xấu ở Eximbank, không thể chỉ nhìn riêng con số lạc quan trên.
Tính đến hết năm 2015, tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt, mà thực chất là nợ xấu đã được Eximbank “chuyển khẩu” qua VMAC, là 6.230 tỷ đồng. Sau khi trừ đi dự phòng đã trích, vẫn còn giá trị 5.251 tỷ đồng.
Tính ra, với mức trích lập 20%, mỗi năm Eximbank vẫn phải ngắt tới cả nghìn tỷ đồng lợi nhuận để xử lý khối nợ xấu “tráo danh” này.
Và như vậy, sẽ không có gì bất nhờ nếu như năm 2016 này, lợi nhuận cuối cùng của Eximbank sẽ vẫn chỉ lẹt đẹt vài chục tỷ đồng, thậm chí là báo lỗ.
Eximbank, bao giờ cho đến ngày xưa (!?)./.
Ninh Giang