EVS: Định giá thị trường về mức P/E 16x là cơ hội tích luỹ cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lực cầu của nhà đầu tư cá nhân là ‘điểm sáng’ lớn nhất trong quý 1/2022. Điều này cho thấy việc đầu tư trên TTCK không còn là xu hướng mà đã trở thành kênh đầu tư dài hạn của nhà đầu tư cá nhân, theo EVS.
Định giá thị trường về mức P/E 16x là cơ hội tích luỹ cổ phiếu
Định giá thị trường về mức P/E 16x là cơ hội tích luỹ cổ phiếu

CTCP Chứng khoán Everest (Mã CK: EVS) vừa công bố báo cáo quan điểm đầu tư tháng 4/2022 với tựa đề ‘kiên nhẫn chờ cơ hội’.

Theo EVS, trong bối cảnh thị trường tiếp tục ‘sideways’ (đi ngang), những khi định giá thị trường về mức P/E 16.x là thời điểm rất hấp dẫn để tích luỹ các cổ phiếu có cơ bản tốt, tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tốt và được hưởng lợi từ vĩ mô trong thời gian tới.

Nhóm phân tích của EVS cho rằng, lực mua mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân trong nước là ‘điểm sáng’ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc nhóm này liên tục mua đối ứng lực bán ròng của khối ngoại cho thấy việc đầu tư trên thị trường chứng khoán không còn là xu hướng mà đã trở thành kênh đầu tư được đánh giá cao trong dài hạn với nhà đầu tư cá nhân.

EVS cho biết, tỉ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm tới 87 – 88% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, là động lực chính giúp thị trường không mất điểm sâu trong thời gian qua.

Trong tháng 4/2022, EVS dự báo VN-Index có thể sẽ đi tìm những điểm cân bằng và sideways trong vùng 1.460 – 1.500 điểm với kịch bản tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực. Trong kịch bản thuận lợi, EVS kỳ vọng VN-Index có thể quay lại kiểm định ngưỡng tâm lý 1.520 điểm.

Ở kỳ báo cáo này, EVS tập trung vào nhóm ngành thuỷ sản và dệt may.

Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản tháng 3 đạt 920 triệu USD, tăng 25% YoY; tính chung quý 1/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2.4 tỷ USD, tăng 40% YoY. Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường chính tăng trưởng mạnh mẽ: thị trường Mỹ tăng 42% YoY, Trung Quốc tăng 77%, EU tăng 37%.

Tích cực nhất vẫn là nhóm xuất khẩu cá tra khi thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam là Mỹ tăng 119.7% trong 2 tháng đầu năm cho thấy những tín hiệu vô cùng tích cực về nhu cầu của mặt hàng này.

Những cổ phiếu mà EVS quan tâm đối với nhóm ngành thuỷ sản trong tháng 4/2022 là VHC và ANV.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may có thể đạt 42 tỉ USD (tăng 7.29% YoY và 7.51% so với 2019). Việc các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản đều đã mở cửa nền kinh tế, nhu cầu may mặc tăng cao sẽ là động lực chính cho ngành dệt may chịu tổn thương nặng nề sau 2 năm đại dịch. Trong quý 1/2022, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 8,84 tỉ USD, tăng 22.5% so với cùng kỳ là minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của toàn ngành.

Những cổ phiếu mà EVS quan tâm đối với nhóm ngành dệt may trong tháng 4/2022 là TNG và MSH./.