EU "trải thảm đỏ" cho TSMC và các gã khổng lồ chất bán dẫn khác

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Mới đây Liên minh châu Âu đã "mở cửa kinh doanh" cho các gã khổng lồ bán dẫn từ Đài Loan và các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp khác, với mong muốn tạo ra 20% số vi mạch trên thế giới trong tương lai. 
Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Mới đây Liên minh châu Âu đã công bố một kế hoạch chi tiết để tạo ra 20% số vi mạch trên thế giới trong tương lai. Họ đã "mở cửa kinh doanh" cho các gã khổng lồ bán dẫn từ Đài Loan và các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp khác.

Đạo luật về chip tại châu Âu đã cung cấp ít nhất 42 tỉ euro (48 tỉ USD) vốn cho khu vực công và tư nhân vào năm 2030. Đây là một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tăng gấp đôi hiệu quả sản xuất chip của Châu Âu, tăng lên 20% nguồn cung chất bán dẫn toàn cầu. Hiện tại, Liên minh châu Âu chỉ sản xuất khoảng 10% nguồn cung của thế giới.

Đươc biết, đây là kế hoạch giúp EU bớt phụ thuộc vào các quốc gia khác. Các quan chức cho rằng sự thiếu hụt chip hiện nay là vấn đề quan trọng và cần phải tăng cường chuỗi cung ứng của châu Âu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: "Đại dịch vô tình bộc lộ được sự yếu kém và những lỗ hổng của chuỗi cung ứng. Vấn đề thiếu hụt chip trên toàn cầu đã thực sự làm chậm quá trình phục hồi của chúng tôi".

"Chúng tôi đã phải chứng kiến toàn bộ dây chuyền sản xuất đi vào bế tắc. Trong khi nhu cầu ngày càng tăng, chúng tôi không thể cung cấp theo nhu cầu vì thiếu chip".

Theo SCMP, chìa khóa của kế hoạch này là thu hút các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới đầu tư vào việc xây dựng các nhà máy sản xuất tại EU - nhiệm vụ không hề dễ dàng khi giá sản xuất chip ở phương Tây ước tính đắt hơn gấp hai hoặc ba lần so với ở Trung Quốc và các ngành sản xuất công nghệ cao khác của châu Á.

Để thu hút các công ty chip hàng đầu, Brussels đã nới lỏng quy định của EU về hỗ trợ chính phủ - có nghĩa là các quốc gia thành viên EU có thể bơm vốn đầu tư công vào việc xây mới hoặc cải tạo các cơ sở sản xuất chip cũ, với một số điều kiện nhất định.

Margrethe Vestager - Ủy viên về Cạnh tranh của Ủy ban Châu Âu, cho biết EU đang đàm phán với TSMC - một trong những tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới. Bà Vestager nói: “Tôi biết rằng một số cuộc thảo luận có bao gồm TSMC từ Đài Loan; hãy chờ xem các dự án như vậy có trở thành hiện thực hay không. Châu Âu mở cửa đón chào các doanh nghiệp, trong đó có TSMC”.

Vestager cho biết thêm rằng các công ty ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore là những "đối tác cùng chí hướng" mà EU sẽ hợp tác trong tương lai.

Kế hoạch tăng cường ngành công nghiệp chip của EU đã nhận được sự hưởng ứng và hoan nghênh từ các doanh nghiệp. Hiệp hội Các ngành công nghiệp Đức (BDI) tuyên bố rằng tự chủ về chip là “một phần thiết yếu của chính sách công nghiệp hướng đến tăng cường sức chống chịu cho châu Âu”.

Ông Iris Plöger, một lãnh đạo cấp cao của BDI cho biết: “Cạnh tranh công nghệ đang gia tăng cùng với căng thẳng địa chính trị và mức hỗ trợ cao từ chính phủ cho ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn tại các quốc gia như Trung Quốc và Mỹ. Chiến lược chip của châu Âu và tính đến những diễn biến này và nhu cầu của các ngành công nghiệp tại châu lục”.

Các quan chức EU cảnh báo rằng chỉ riêng kế hoạch này sẽ không đủ để khiến châu Âu hoàn toàn có thể tự chủ về chất bán dẫn. Theo Vestager, để đạt được mục tiêu đó EU cần chi khoảng 240 tỉ Euro đến 320 tỉ Euro.

Được biết, các khoản hỗ trợ trong chính sách của châu Âu vẫn còn tương đối khiêm tốn so với các quốc gia khác. Mỹ đã phân bổ 52 tỉ USD vào năm 2026 cho chương trình phát triển chất bán dẫn của riêng mình. Theo ước tính của EU, Trung Quốc đã đầu tư 150 tỷ USD vào lĩnh vực này thông qua các sáng kiến như Made In China 2025. Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của mình lên tới 450 tỉ USD, thông qua các ưu đãi về thuế, đầu tư tư nhân và công vào năm 2030.

Theo SCMP