Ethereum là blockchain lớn thứ hai chỉ sau Bitcoin và cũng là cơ sở hạ tầng cho rất nhiều ứng dụng quan trọng. Sự kiện hợp nhất Ethereum 2.0 từ phương thức POW sang POS sẽ tác động đến hàng loạt nhà đầu tư và nhà phát triển ứng dụng đang làm việc trên mạng lưới này.
The Merge là gì?
Hợp nhất (The Merge) là một sự kiện lớn đánh dấu sự chuyển đổi của cơ chế đồng thuận từ Proof of Work (PoW) sang Proof of Stake (PoS). Phương thức đồng thuận mới này được cho là sẽ tiêu tốn ít điện năng hơn trước.
Tại sao được gọi là The Merge (hợp nhất)?
Sở dĩ sự kiện được gọi là The Merge vì trước đây Ethereum đã có blockchain theo cơ chế PoS là Beacon Chain ra mắt từ năm 2020 nhưng chưa đưa vào vận hành chính thức. Blockchain Ethereum hiện giờ mọi người sử dụng được gọi là “mainnet” để phân biệt với những blockchain thử nghiệm “testnet” đang được các kỹ sư lập trình phát triển. Đợt nâng cấp Ethereum yêu cầu hợp nhất Beacon Chain với mainnet Ethereum để dữ liệu từ mainnet được chuyển sang Beacon Chain.
Vì tính chất phức tạp về mặt kỹ thuật, The Merge đã bị hoãn lại nhiều lần. Theo Cnet, Vitalik Buterin - “cha đẻ” mạng Ethereum từng cho biết đội ngũ của ông đã mất 7 năm để nghiên cứu cơ chế Proof of Stake và nỗ lực của họ đang bắt đầu có kết quả. Cho đến nay sự kiện The Merge đã chính thức hoàn thành và khiến nhiều thợ đào tiền số bị "thất nghiệp".
Proof-of-stake (PoS) khác với Proof-of-work (PoW) như thế nào?
Proof-of-stake (PoS) và proof-of-work (PoW) khác nhau ở cách mạng quyết định ai là người có thể tạo ra “khối” giao dịch tiếp theo.
Trong hệ thống PoW ngày nay, các thợ đào Ethereum cạnh tranh để tạo ra các khối bằng cách chạy đua để giải các câu đố mật mã, giống như trong Bitcoin. Người nào đưa ra đáp án đầu tiên sẽ tạo ra block (khối) tiếp theo và nhận phần thưởng là đồng mã hóa. Trong quá trình đó, lượng điện năng mà các máy móc tiêu thụ để giải bài toán được xem như “Proof-of-work” (bằng chứng công việc) để đảm bảo sự đồng thuận trên hệ thống.
Tuy nhiên, trong hệ thống PoS sắp tới, các thợ đào phải đặt cọc một số Ether nhất định, ít nhất là 32 Ether (khoảng 50.000 USD) để được hệ thống chọn ngẫu nhiên là người tạo khối tiếp theo. Càng đặt nhiều Ether, càng có nhiều cơ hội được hệ thống chọn. Cũng chính vì số tiền phải bỏ ra là quá lớn nên nhiều chuyên gia tin rằng sự kiện này cũng sẽ đặt dấu chấm hết cho các thợ đào ETH.
Trong cả hai hệ thống, người tạo ra block kế tiếp sẽ được thưởng một khoản phí giao dịch kèm đồng Ether hoặc Bitcoin mới. Trong cơ chế PoS, thợ đào cũng sẽ nhận phần thưởng nếu góp phần bảo mật mạng lưới.
Liệu Proof-of-stake có tốt hơn Proof-of-work?
Theo Ethereum Foundation, tổ chức phi lợi nhuận tài trợ cho sự phát triển hệ sinh thái Ethereum, PoS sẽ cắt giảm mức sử dụng năng lượng của Ethereum khoảng 99,95%. Nhưng theo Cointelegraph, ngoài việc giảm điện năng là lợi ích dễ thấy nhất, chi phí và tốc độ giao dịch của mạng Ethereum vẫn giữ nguyên như trước The Merge.
Nhiều người mong đợi sự kiện hợp nhất sẽ khiến giá đồng Ether tăng vọt, vì nếu blockchain Ethereum thành công trong việc giảm lượng khí thải CO2 như cam kết, các công ty lớn có thể yên tâm đầu tư vào Ethereum mà không cần phải lo ngại vấn đề môi trường.
Mức độ tác động tới các thợ đào ETH?
Do việc khai thác Bitcoin đắt đỏ và ngày càng khó, đa số thợ đào tiền mã hóa đã chuyển sang đang khai thác Ethereum. Do đó, The Merge được xem là có tác động lớn bậc nhất với cộng đồng thợ đào tiền mã hóa. Trong khi đó, sự kiện này không tác động nhiều đối với những người dùng Ethereum phổ thông.
Ngay từ khi thông tin hợp nhất xuất hiện đầu năm nay, các nội dung như: Thợ đào thất nghiệp; Các dàn trâu cày sắp bán sắt vụn; Làm gì khi không thể đào Ethereum... đã được bàn luận trên khắp các hội nhóm khai thác tiền số. Để tránh các dàn card đồ hoạ phải "đắp chiếu phủ bụi", nhiều thợ đào đã tìm cách chuyển qua khai thác những đồng mã hóa khác, nhưng cho biết phương án này không khả thi vì lợi nhuận không cao.
Các thợ đào đang đứng trước các lựa chọn không có lợi cho mình: chuyển sang đóng vai trò làm người xác thực mạng blockchain (không cần máy đào cỡ lớn); sử dụng hệ thống của mình để khai thác các blockchain khác hiện sử dụng PoW; hoặc chọn cách bán dàn máy của mình và đổi sang công việc khác.
The Verge dẫn lời Giám đốc điều hành của một công ty khai thác tiền điện tử: "Việc hợp nhất Ethereum sẽ buộc các thợ đào phải tìm đến các mạng blockchain nhỏ hơn, từ đó sinh ra tình trạng quá tải, tăng độ khó, giảm lợi nhuận khai thác và cuối cùng là phá sản".
Nhiều thợ đào cũng đang kiến nghị một đợt Hard Fork (phân nhánh) Ethereum thành hai mạng. Ngoài mạng Ethereum mới với cơ chế POS, những người này muốn tách ra một mạng Ethereum khác vẫn theo mô hình POW, gọi tắt là ETH POW - cho phép tiếp tục khai thác ETH sau khi The Merge diễn ra. Khi đó, thợ đào đang nắm giữ ETH sẽ nhận được token trên chuỗi mới. Tuy nhiên không có gì đảm bảo các token từ đợt Hard Fork sẽ có giá trị.
Theo Coin Desk