Theo dữ liệu từ Coindesk, đồng tiền điện tử được giao dịch nhiều nhất trên thế giới - Bitcoin đã giảm xuống mức thấp 30.202 USD từ mức cao gần 44.000 USD trong 24 giờ qua.
Bitcoin phục hồi nhẹ sau khi thị trường chứng khoán New York mở cửa và giảm 15% ở mức khoảng 37.280 USD.
Bitcoin bị thủng ngưỡng 43.000 USD trong bối cảnh Trung Quốc mạnh tay với tiền ảo. Ảnh: Coindesk |
Cùng với sự sụt giảm của Bitcoin, một số loại tiền điện tử lớn khác cũng giảm theo. Ethereum đã giảm mạnh xuống dưới 2.000 USD. Các loại tiền điện tử meme khác như Dogecoin mất gần 26%.
Các nền tảng giao dịch Coinbase và Coindesk đã phải tạm ngừng hoạt động do khối lượng lớn giao dịch bán tháo trên thị trường.
Bitcoin đã giảm trong tháng này sau khi tỷ phú Elon Musk thông báo trên Twitter rằng Tesla chính thức "đình chỉ việc mua xe bằng Bitcoin" vì lo ngại việc khai thác Bitcoin đang gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Nhưng thông báo mới từ bộ ba cơ quan giám sát tài chính và ngân hàng Trung Quốc dường như đã gây sốc hơn nữa cho thị trường tiền điện tử.
Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm các tổ chức tài chính và công ty thanh toán cung cấp các dịch vụ liên quan đến giao dịch tiền điện tử và cảnh báo các nhà đầu tư không nên đầu cơ, giao dịch tiền điện tử.
Theo tuyên bố từ các cơ quan quản lý Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Bảo hiểm Trung Quốc và Ủy ban Ngân hàng, "Giá tiền điện tử đã tăng vọt và giảm mạnh trong thời gian gần đây, giao dịch đầu cơ đã quay trở lại. Điều này gây tổn hại nghiêm trọng đến sự an toàn của tài sản của người dân và làm xáo trộn các trật tự kinh tế và tài chính bình thường".
Thái độ lạnh nhạt của Trung Quốc đối với tiền điện tử đã có từ nhiều năm trước. Mặc dù quốc gia này không cấm hoàn toàn tiền điện tử, nhưng các nhà quản lý vào năm 2013 đã tuyên bố rằng Bitcoin không phải là tiền tệ thực và cấm các tổ chức tài chính thực hiện giao dịch liên quan đến tiền điện tử.
Vào thời điểm đó, Trung Quốc viện dẫn rủi ro rằng Bitcoin có thể được sử dụng để rửa tiền và sự cần thiết để "duy trì sự ổn định tài chính" và "bảo vệ tình trạng của đồng nhân dân tệ".
Công chúng có thể nắm giữ hoặc giao dịch tiền điện tử, nhưng các sàn giao dịch lớn ở Trung Quốc đại lục đã bị đóng cửa. Năm 2017, Trung Quốc đã đóng cửa các sàn giao dịch tiền điện tử địa phương của mình, dập tắt một thị trường đầu cơ chiếm 90% giao dịch Bitcoin toàn cầu.
Cuộc kiểm soát ngày càng tăng cũng có thể nhằm thúc đẩy đồng nhân dân tệ kỹ thuật số được nhà nước hậu thuẫn. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi quốc gia này có thể chuyển sang loại bỏ các loại tiền điện tử công khai khác.
Trung Quốc sẽ không sớm thay đổi chiến lược về tiền điện tử - và điều đó đủ để khiến các nhà giao dịch lo lắng.
Theo nhà phân tích cấp cao tại Swissquote Ipek Ozkardeskaya, "Quan điểm của Trung Quốc về tiền điện tử rất rõ ràng: giao dịch và sử dụng tiền điện tử đơn giản là bị cấm. Do đó, tin tức không có gì là 'mới', nhưng do các nhà giao dịch tiền điện tử ngày nay quá nhạy cảm với các tin tức tiêu cực, điều đó làm tăng thêm áp lực giảm đối với tiền điện tử."
Nhiều người cho rằng Bitcoin là một "bong bóng tài chính" chỉ trực chờ nổ tung. |
Sự biến động gần đây về giá tiền điện tử đã làm dấy lên nghi ngờ của một số nhà đầu tư tổ chức về giá trị của chúng.
Cơ quan kiểm soát tài chính Anh FCA từng đưa ra cảnh báo với các nhà đầu tư tiền ảo: "Đầu tư tiền điện tử, hoặc các khoản đầu tư và cho vay liên quan đến chúng, thường đi liền với rủi ro cực cao. Nếu nhà đầu tư mua các sản phẩm này, họ nên chuẩn bị tâm lý có thể trắng tay".
Michael Hartnett, nhà chiến lược đầu tư trưởng tại Bank of America Securities nhận định "Bitcoin giống như mẹ đẻ của mọi bong bóng", còn Alvine Capital, Chủ tịch hội đồng đầu tư của Alvine Capital, tin rằng "Bitcoin là sản phẩm không có các yếu tố căn bản".
Theo CNN