Duyên nợ của Apple và Tesla

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trong những ngày khó khăn nhất của Tesla, Elon Musk đã tìm đến Steve Jobs nhờ giúp đỡ, nhưng bị từ chối.

Ngày 24/12, Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết Apple sẽ giới thiệu ôtô điện tự lái vào năm 2024. Thông tin lập tức gây chú ý trong giới công nghệ và xe hơi. Nhiều người tò mò muốn biết Elon Musk - tỷ phú có nhiều duyên nợ với Apple bình luận gì.

Ngay lập tức, Musk viết trên Twitter cá nhân: "Trong những ngày khó khăn nhất khi phát triển Model 3, tôi đã tìm đến Tim Cook để tìm cách bán Tesla cho Apple bằng 1/10 giá trị hiện tại. Ông ấy đã từ chối thảo luận".

Hào quang của Jobs và bi kịch của Musk

Câu chuyện bắt đầu vào một ngày mùa thu 12 năm trước. Steve Jobs bán được 6 triệu chiếc iPhone đầu tiên trong vòng một năm. Chiến dịch giá cả phải chăng khiến doanh số của iPhone 3G thay đổi hoàn toàn quỹ đạo phát triển của Apple.

Năm 2008 cũng là thời điểm Steve Jobs bắt đầu nói về ý tưởng sản xuất một chiếc ôtô mang thương hiệu Apple. Những bản thiết kế của bảng điều khiển, ghế ngồi, cấu trúc vật lý của pin, màn hình và cả cách thức khởi động xe... cũng được thảo luận sôi nổi. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Tony Fadell, "cha đẻ" của iPod nhớ lại: "Lúc đó chi tiết của chiếc xe mà Jobs nói rất giống với iPhone. Nó cho cảm giác gần gũi cả về phần cứng lẫn phần mềm".

Steve Jobs từng cân nhắc về ý tưởng làm Apple Car chỉ một năm sau khi ra mắt iPhone.

Steve Jobs từng cân nhắc về ý tưởng làm Apple Car chỉ một năm sau khi ra mắt iPhone.

Steve Jobs năm đó 53 tuổi. Elon Musk 37 tuổi và đang ngụp lặn trong "thời khắc đen tối nhất" của mình khi khởi nghiệp với xe điện tự lái. Trang web nổi tiếng về ôtô thời đó - Thetruthaboutcar - còn mở một chuyên mục riêng, tên "Tesla Countdown to Death". Cộng đồng chơi xe theo dõi mục này như một thú vui, nhiều ngày có 50 bài viết nói về "cái chết" của Tesla.

Musk không hiểu vì sao các phương tiện truyền thông lại không có thiện cảm với Tesla như thế. Một số người đùa rằng: "Tesla có vẻ đã hết pin trước khi được ra mắt".

Cũng trong năm này, bom tấn Iron Man lấy hình tượng Elon Musk ra mắt đã đã gây được tiếng vang, mang về doanh thu khủng, nhưng tỷ phú gốc Nam Phi không nhận thêm nhiều tín hiệu tích cực từ truyền thông. Tài chính của Musk lúc này cũng bắt đầu kiệt quệ. SpaceX và Tesla đứng bên bờ vực phá sản, nhưng may mắn "thoát chết". Musk chưa bao giờ tiết lộ chi tiết khoảng thời gian này, nhưng người đứng ra cứu Tesla lúc ấy không phải Steve Jobs, dù Elon Musk đã tìm đến Apple để bán Tesla.

Thời khắc của Tesla

Năm 2010, khi Apple tiếp tục thành công với iPhone, Tesla đã vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng vẫn chưa có thành tựu nào nổi bật. Khi iPad, iPhone 4, Macbook Air đưa giá trị vốn hóa thị trường của Apple lên gần 300 tỷ USD, ngành công nghiệp ôtô đang vật lộn với những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính. Nhiều hãng xe bị đẩy đến bờ phá sản, Tesla cũng không ngoại lệ.

Bấy giờ, người ta không còn nghe Steve Jobs nói về ý tưởng sản xuất xe hơi cho Apple nữa. Tesla sau đó cũng lên sàn chứng khoán. Cổ phiếu năm 2010 của hãng là 17 USD. Elon Musk huy động được khoảng 226 triệu USD cho công ty. Nhiều người nghi ngờ về giá cổ phiếu của công ty khi nó đạt đỉnh 35 USD. Bất chấp những lời dị nghị, Tesla đã lặng lẽ mua một nhà máy sản xuất ôtô ở phía bắc California do GM và Toyota cùng điều hành để chuẩn bị cho một cuộc chơi lớn.

Trong khi giấc mơ "Apple car" dần rơi vào quên lãng thì Elon Musk đưa Tesla thành ngôi sao sáng của ngành công nghiệp ôtô.

Trong khi giấc mơ "Apple car" dần rơi vào quên lãng thì Elon Musk đưa Tesla thành ngôi sao sáng của ngành công nghiệp ôtô.

Đến năm 2012, mọi người gần như đã quên giấc mơ chế tạo ôtô do Jobs đề xuất. Khi này, Tesla bất ngờ giới thiệu Model S và mở ra một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn về năng lượng tái tạo. Theo một nghĩa nào đó, Model S chính là giấc mơ về chiếc ôtô thế hệ mới mà Jobs từng nói đến.

Truyền thông đổi chiều, ca tụng hết lời Tesla. Một số còn ví von Model S tương đương với cuộc cách mạng iPhone 4S của Apple. Năm 2013, tạp chí Motor Trend bình chọn Model S là "Xe của năm". Khi này, nhiều người nhận định: Musk có thể sẽ là lãnh đạo tương lai của Thung lũng Silicon thay thế Jobs.

Khi Tesla thành công, Apple cũng đang bận bịu với doanh số, lợi nhuận lớn mà iPhone mang lại. Jobs quyết định không mạo hiểm lao vào cuộc chơi chế tạo xe hơi. Tuy nhiên, Apple chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ ôtô của mình. Bằng chứng là dự án "iOS in the Car" cho phép kết nối iPhone với ôtô được hãng giới thiệu tại MWC 2013. Tuy nhiên, tính năng không được mấy người quan tâm khi đó.

Nỗi lo của Apple

Đến năm 2014, "iOS in the Car" được đổi thành Carplay. Apple làm việc nhiều hơn với các hãng xe lớn để tích hợp Siri cho BMW, Merceses-Benz, Ferrari nhằm cho phép người dùng iPhone tương tác tốt hơn với ôtô và bắt đầu tối ưu hóa kho giải trí đa phương tiện trên xe hơi.

Người kế ngôi Steve Jobs là Tim Cook mặc dù theo chủ nghĩa lợi nhuận nhưng suy cho cùng, ông đã cùng Jobs nhiều năm đắm chìm trong những giấc mơ về ôtô của Apple. Hơn ai hết, ông hiểu rẳng Carplay chỉ là một hệ thống giải trí đa phương tiện, chẳng hãng xe nào muốn giao quyền điều khiển ôtô cho một công ty công nghệ khác.

Ngay lập tức, "Project Titan" của Apple được khởi động. Thông tin lập tức gây sốc trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu khi ấy, vì người đứng đầu sự án là Steve Zadesky - Cựu Giám đốc điều hành Ford.

Apple vẫn luôn âm thầm thu hút nhân tài và chuẩn bị cho tham vọng làm xe ôtô của riêng mình.

Trong thời gian này, Apple tiếp tục "săn" nhiều nhân sự cao cấp từ các hãng xe lớn, như Johann Jungwirth, trưởng bộ phận R&D Bắc Mỹ của Mercedes - Benz, được Apple mời về làm giám đốc kỹ thuật hệ thống Mac. David Perner - kỹ sư sản phẩm phụ trách hệ thống điện hybrid tại Ford và John Ireland - kỹ sư kiểm tra năng lượng liên kết tại Tesla đều được Apple âm thầm tuyển dụng thành công. Sau này, Musk nhắc hai ký ức buồn về Apple: trong lúc khốn cùng, Jobs từ chối giúp đỡ Tesla và sau này Cook đã "săn trộm" hơn 300 nhân viên của ông.

Tuy nhiên, việc mất đi 300 đồng đội không cản được thành công của Tesla. Cổ phiếu của công ty đã lập đỉnh với 286 USD, gấp 7,5 lần giá trị của 4 năm trước. Trong quý IV/2014, doanh số bán ôtô của hãng cũng lập kỷ lục, vượt 2 tỷ USD.

Thành công của Tesla cũng là nỗi lo của Apple, Google. Những gã khổng lồ trong thế giới Internet bắt đầu thể hiện sự quan tâm rõ rệt đến ngành công nghiệp ôtô. Ngoài săn đón các nhân tài, Apple còn đăng ký trước các tên miền như Applecar, Appleauto và "Project Titian".

Nhưng trong "Project Titan" vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn. Steve Zadesky muốn phát triển một chiếc xe hoàn chỉnh với chức năng bán lái tự động. Còn Jonathan Ivey - Giám đốc thiết kế của Apple - chỉ muốn xây dựng một nền tảng lái xe hoàn toàn tự động.

Đến giữa 2016, Cựu giám đốc điều hành cấp cao - Bob Mansfield - trở lại và dẫn dắt "Project Titan". Ông kiên quyết đứng về phía Ivey, giảm đáng kể nhóm dự án và tập trung vào phát triển phần mềm cùng các giải pháp hỗ trợ.

Cuối cùng, chính Apple cũng không ngờ rằng, các nhà sản xuất ôtô lớn bắt đầu xây dựng nền tảng riêng của mình và quay lưng với Carplay. Không những vậy, Apple còn chậm chân về tính năng xe tự lái. Mãi đến tháng 4/2019, hãng mới có được giấy phép lái xe số tự động của California và bắt đầu chạy thử trên đường với một chiếc xe cải tiến từ Lexus RX450H. Trong khi đó, hệ thống lái bán tự động của Tesla đã được lắp đặt trên xe hơi của hãng.

Điều Tim Cook luôn giữ kín

Trên thực tế, Apple vẫn giấu một số bằng sáng chế gây tranh cãi, chẳng hạn công nghệ bộ pin dùng chung, công nghệ kiến trúc bộ chuyển đổi. Song song đó, công ty luôn sẵn sàng trả mức lương cao hơn hay quyền chọn cổ phiếu cũng như nhiều "cám dỗ" khác để lôi kéo người từ Tesla với khẩu hiệu: Hãy đến khởi động và trở thành một phần "Project Titan". Kết quả là trong năm 2018, Elon Musk tiếp tục mất đi ít nhất 40 nhân tài từ kỹ sư hệ thống lái tự động đến nhân viên phụ trách truyền tải điện.

Đặc biệt, Doug Field, cựu nhân viên cao cấp của Apple, gia nhập Tesla vào năm 2013 - người đã toàn tâm toàn ý phát triển Model 3 - cũng quay về với vòng tay của Tim Cook sau 5 năm làm việc bên Musk.

Lần này, CEO của Tesla không còn nổi đóa lên nữa mà chỉ nói: "Apple có số tiền gấp 100 lần chúng tôi, tất nhiên, họ có thể đưa ra mức lương cao hơn. Chúng tôi thậm chí không có tiền để quảng cáo, giảm giá, nên chỉ có thể tồn tại nhờ chất lượng sản phẩm".

Tesla đã vượt qua nhiều thương hiệu truyền thống, trở thành hãng xe giá trị nhất thế giới.

Trong năm 2018, Musk và Tesla đã trải qua nhiều thời khắc đáng nhớ. Chiếc Tesla Roadster đời 2018 đã bay lên sao hoả cùng tên lửa SpaceX trước sự reo hò của hàng triệu người trên khắp thế giới. Chỉ trong hai năm, Tesla đã chế tạo xe tải điện Semi và Roadster mới, đồng thời chính thức ra mắt phiên bản thương mại của Model 3. Năm đó, giá cổ phiếu của Tesla đạt đỉnh 379 USD, gấp 10 lần mức đỉnh của một thập kỷ trước.

Nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang", cuối tháng 9/2018, Musk bị SEC (Uỷ ban chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ) kiện vì việc phát ngôn trên Twitter rằng ông sẽ đưa Tesla về làm doanh nghiệp tư nhân ở mức giá cổ phiếu 420 USD. Musk phải bồi thường 20 triệu USD, từ chức hội đồng quản trị trong vòng 3 năm. Thời khắc đen tối thứ hai ập đến với Musk. Lần này ông lại tìm đến Apple nhưng một lần nữa, Tim Cook từ chối giúp đỡ.

Điều này làm mọi người nghĩ rằng CEO Apple đang tập trung vào nghiên cứu phát triển công nghệ hơn là ôtô. Nhưng cuối 2020, tin đồn Apple sẽ sớm ra mắt xe hơi tự lái lại được xác nhận. Trong vòng 3 năm, từ 2017, Apple đã âm thầm đăng ký hơn 100 bằng sáng chế công nghệ ôtô, bao gồm nhiều khía cạnh, như lái xe tự động, sạc, hệ thống trên xe, tối ưu hoá cấu trúc thân xe... Trong đó, tỷ lệ bằng sáng chế liên quan đến lái xe thông minh tăng từ 22% năm 2016 lên 41% năm 2019. Đổi mới phần cứng cũng tăng từ 11% lên 37%.

Nhà phân tích Katy Huberty của Morgan Stanley tin rằng: "Trong tương lai, Apple và Tesla nhiều khả năng trở thành đối thủ của nhau hơn là đối tác".

Theo VnExpress