Trong sự kiện giới thiệu loạt sản phẩm mới tại Việt Nam hôm qua 2/3, ông Masashi Kubo – Tổng giám đốc Sharp Việt Nam – tuyên bố, dưới sự đầu tư từ Honhai (công ty mẹ của Foxconn), Sharp sẽ đầu tư phát triển sản phẩm mạnh mẽ tại Việt Nam. Trong đó, năm nay đặt mục tiêu bán được 240.000 TV, tăng 3 lần so với năm 2016, chiếm 15% thị phần tại Việt Nam.
Giám đốc tiếp thị Sharp Việt Nam cho biết sau khi bàn bạc và được Honhai hỗ trợ ngân sách, Sharp sẽ tăng chi phí tiếp thị tại Việt Nam lên 4-5 lần so với năm ngoái nhằm mục tiêu gia tăng thị phần.
"Honhai và Sharp đánh giá Việt Nam là thị trường quan trọng tại khu vực Đông Nam Á, do đó chúng tôi sẽ đầu tư mạnh mẽ việc nghiên cứu phát triển sản phẩm tại đây", ông Masashi Kubo khẳng định.
Tổng giám đốc Sharp Việt Nam cho biết Honhai có chuyên môn sản xuất và nguồn tài chính mạnh, cộng với thế mạnh công nghệ của Sharp, sẽ cho ra các sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Năm nay, sự hợp tác đôi bên đã cho ra đời 15 mẫu TV thông minh dòng Aquos, tăng rất nhiều so với chỉ 6 mẫu vào năm ngoái.
Như đã biết, tập đoàn Honhai (Đài Loan) hồi tháng 8 năm ngoái đã bỏ ra 3,8 tỷ USD để mua 66% cổ phần từ Sharp, chính thức chiếm quyền điều hành công ty này. Sau khi được rót vốn từ công ty mẹ của Foxconn, nhà sản xuất iPhone và công ty sản xuất điện thoại Nokia hiện nay, giá trị cổ phiếu của Sharp đã tăng lên đáng kể.
Nói lại về nguyên nhân gặp khó khăn tài chính và buộc phải "bán mình" cho Honhai, ông Masahi Kubo cho biết nguyên nhân chính là việc đầu tư của Sharp vào nhà máy sản xuất TV LED, cộng với sự mất giá của đồng yên Nhật.
"Sharp là tập đoàn tiên phong sản xuất TV LED trên toàn thế giới, chúng tôi đầu tư khoản tiền khổng lồ vào nhà máy sản xuất TV LED để giữ vị trí số 1 tại Nhật Bản và chiếm thị phần lớn trên thế giới. Tuy nhiên năm 2011 chúng tôi đối diện với sự tăng giá mạnh của đồng yên Nhật so với USD, 80 yên đổi được một USD. Điều này ảnh hưởng cực kỳ lớn đến xuất khẩu và lợi nhuận. Chúng tôi bắt đầu mất dần lợi thế cạnh tranh trong giá xuất khẩu panel TV, vì panel này sản xuất tại Nhật Bản", ông Kubo phát biểu.
"Cùng lúc đó, giá đồng tiền won (Hàn Quốc) lại giảm so với đồng USD. Tôi nhớ rõ rằng panel TV Samsung giảm hơn 30% so với panel TV của Sharp", ông Kubo tiếp tục giải thích về lý do TV của đối thủ Hàn Quốc bán rẻ hơn.
Vì sự đầu tư vào nhà máy sản xuất panel tại Nhật kết hợp với sự sụt giảm mạnh của đồng yên, Sharp đối diện với tình hình thâm hụt tài chính nghiêm trọng vào năm 2012. Các khoản báo cáo tài chính cho biết công ty lỗ lên đến 380 tỷ yên (khoảng 3,32 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại). Sau một số đàm phán chiến lược giữa Sharp và Honhai, Sharp quyết định nhận vốn từ Honhai vào tháng 8/2016.
Sharp kỳ vọng giành lại thị phần với loạt sản phẩm mới năm 2017 - Ảnh: H.Đ
Ông Kubo cho biết, từ 2014 đến 2016 tình hình tài chính Sharp khó khăn, việc đầu tư vào công nghệ mới và sản phẩm mới bị thu hẹp lại, dẫn đến việc thị phần Sharp giảm đi đáng kể, trong đó mảng TV LED, tủ lạnh, máy điều hòa giảm nhiều.
Tuy nhiên với "chiếc ô" tài chính từ Honhai và chuyên môn sản xuất của công ty này, ông Kubo cho biết Sharp có thể phát triển thêm nhiều sản phẩm mới và công nghệ mới. Điển hình là các mẫu smart TV Aquos được ra mắt năm 2017.
Sharp giới thiệu tại Việt Nam 15 mẫu TV so với 7 mẫu năm ngoái, đồng thời mở rộng kích cỡ từ 40 inch đến 80 inch, nhắm vào phân khúc TV màn hình lớn.
Tại Việt Nam, Sharp đặt mục tiêu chiếm 15% thị phần TV, 20% thị phần tủ lạnh, 30% thị phần nồi điện trong năm 2017.
Theo Báo Diễn Đàn Đầu Tư