Dùng vốn dư dự án phát triển cơ sở hạ tầng xây Cảng Sóc Trăng

VietTimes -- Gói WB5 là gói tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), trị giá 363,7 triệu USD để xây dựng "dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long".
Cơ sở hạ tầng DBSCL hiện còn nhiều khó khăn - (Ảnh minh họa)
Cơ sở hạ tầng DBSCL hiện còn nhiều khó khăn - (Ảnh minh họa)

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 7692/VPCP-QHQT về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc sử dụng vốn dư Hợp phần C của dự án "Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long – WB5" do WB tài trợ.

Công văn cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan và các tỉnh thực hiện các bước tiếp theo theo đúng quy định hiện hành.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc sử dụng vốn dư của Hợp phần C của Dự án "Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long" để đầu tư bổ sung hạng mục thuộc các tiểu dự án đầu tư xây dựng Cảng Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng; dự án đầu tư xây dựng công trình đường Lình Huỳnh - Thể Sơn - Gàu Dừa, huyện hòn đất, tỉnh Kiên Giang và dự án đường Giồng Riềng - Thạnh Phước, huyện Giồng Riềng.

Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là vùng đất có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tiềm năng phát triển nông nghiệp to lớn, là vựa lúa của cả nước, là khu vực nuôi trồng, xuất khẩu nông, thủy hải sản lớn nhất nước ta.

Tuy nhiên "điểm nghẽn" của quá trình phát triển khu vực ÐBSCL chính là cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu để các địa phương khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Những năm qua, chính quyền các địa phương của vùng đã có nhiều công trình nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, ngân sách Nhà nước rất khó khăn nên rất khó để hoàn thành hoàn thiện các hạng mục được đề ra. Nguồn vốn ngân sách hàng năm phân bổ cho giao thông hầu như chỉ đủ để bố trí nguồn vốn đối ứng phục vụ các dự án ODA, không còn vốn để triển khai các dự án khác.

Mặt khác, các công trình hạ tầng giao thông hầu hết đều không mang lại lợi nhuận nên việc kêu gọi đầu tư tư nhân khó khăn, còn nhà đầu tư nước ngoài thì chưa sẵn sàng tham gia.

Nhưng với gói WB5, sẽ có thể giải quyết vấn đề vốn cho các địa phương, qua đó tạo cú hích lớn cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đột phá. Được biết, bên cạnh những dự án đường bộ, WB luôn dành sự ủng hộ rất lớn cho các dự án phát triển đường thủy tại Việt Nam.