Các thiết bị sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) ngày càng được ứng dụng rộng rãi nhờ giá cả phải chăng. Chúng mang lại cho người dùng những trải nghiệm trực quan sâu sắc.
Tuy nhiên, loại kính đeo trên đầu khiến nửa khuôn mặt người dùng bị che khuất và ngăn cản việc nhận diện hoạt động của toàn bộ khuôn mặt. Để giải quyết vấn đề, GS Lijun Yin và các cộng sự thuộc Khoa Khoa học Máy tính của ĐH Binghamton đã tạo ra công nghệ mới có khả năng “phiên dịch” cử động của miệng để tương tác với thực tế ảo trong thời gian thực.
Công nghệ được thử nghiệm trên một nhóm sinh viên. Mỗi tình nguyện viên đeo một kính thực tế ảo để chơi một trò chơi đơn giản. Mục tiêu của trò chơi là hướng dẫn mô phỏng của người chơi đi quanh một khu rừng và ăn bánh nhiều nhất có thể. Hướng đi được chọn bằng cách quay đầu và di chuyển được thực hiện bằng cử động của miệng. Bánh chỉ được ăn khi người chơi cười.
Kết quả cho thấy, khả năng tương tác của hệ thống đối với kính thực tế ảo thông qua việc phân loại, mô tả chuyển động của miệng khá chính xác.
“Chúng tôi hy vọng tạo ra ứng dụng dùng cho nhiều hơn một người, có thể là hai. Hãy nghĩ đến những cuộc phỏng vấn và trò chuyện qua Skype. Cảm giác của bạn sẽ thế nào nếu các bạn ở trong cùng không gian, mặt đối mặt với biểu cảm trên khuôn mặt như thật”, GS Lijun Yin nói.
Theo ông, thực tế ảo không chỉ để giải trí. Trong y tế, VR có thể được dùng để giúp đỡ người khuyết tật. Các chuyên gia y tế, thậm chí quân nhân có thể trải nghiệm các bài huấn luyện mà thực tế không thể tạo ra. Công nghệ mới cho phép trải nghiệm thật hơn bao giờ hết.
Dù công nghệ vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, GS Yin tin rằng công nghệ mới có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực.
Theo Tiền Phong (nguồn Science Daily)