Dùng hình ảnh bác sĩ, cơ sở y tế quảng cáo có vi phạm luật?

Hình ảnh bác sĩ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng với những lời giới thiệu quá mức đang lan tràn trên mạng, nhằm tăng sự tin cậy của người dân, ảnh hưởng xấu đến ngành y tế.

Sử dụng hình ảnh y bác sĩ, cơ sở y tế để quảng cáo là trái luật

Thời gian qua, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều người mặc blouse trắng để quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, sữa, thậm chí, chữa bệnh dù không có chuyên môn chuyên ngành đó, để người tiêu dùng tin rằng thầy thuốc đã sử dụng/giới thiệu là đảm bảo an toàn.

Mặc dù có những người là bác sĩ thật, cũng có cả những người không phải bác sĩ cũng mặc blouse để cố tình gây hiểu nhầm.

Đáng nói là những hình ảnh quảng cáo đó đa phần phóng đại về tác dụng của sản phẩm được giới thiệu, quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh, khiến nhiều người tin tưởng.

Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh người mặc áo blouse để quảng cáo

Việc lợi dụng hình ảnh người khác để quảng cáo và quảng cáo quá sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín của người bị lợi dụng, vừa lừa dối người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành y, của những thầy thuốc chân chính.

Chính vì thế, việc các bác sĩ mặc áo blouse trắng hoặc các nhân viên y tế quảng cáo cho các thuốc hoặc thực phẩm chức năng, đã được các đại biểu quan tâm tại kỳ họp Quốc hội lần này.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, việc quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm đã có các quy định của pháp điều chỉnh. Trong Luật Quảng cáo sửa đổi cũng như các quy định hướng dẫn thực hiện đã quy định rất rõ "không được phép sử dụng hình ảnh của các bác sĩ, y sĩ, các cơ sở y tế để quảng cáo".

Điều 197, Bộ luật Hình sự đã quy định các mức độ liên quan tới xử lý hình sự nếu vi phạm các pháp luật về quảng cáo và hiện nay Luật Quảng cáo đang được Quốc hội thông qua đã có những quy định như thế.

Vì thế, đại diện Bộ Y tế khẳng định việc sử dụng hình ảnh của các bác sĩ, y sĩ, các cơ sở y tế để quảng cáo là sai quy định. Bộ Y tế đã có văn bản gửi tất cả các Sở Y tế cũng như các cơ sở y tế trên toàn quốc để nhắc nhở và đề nghị đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế không tham gia quảng cáo sai quy định.

Bị phạt 30-40 triệu đồng

Theo Điều 7, Luật quảng cáo 2012, các đối tượng bị cấm quảng cáo, các sản phẩm thuốc bao gồm “thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc”. Ngoài ra, khi quảng cáo thuốc phải tuân thủ theo quy định về nội dung và hình thức quảng cáo thuốc tại Điều 3, Nghị định 181/2013/NĐ-CP.

Theo đó, thông tin, hình ảnh cấm sử dụng trong quảng cáo thuốc bao gồm: Hình ảnh người bệnh; Sơ đồ tác dụng của thuốc mà chưa được nghiên cứu, đánh giá; Hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc”.

Quảng cáo mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Như vậy, việc sử dụng hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc là hành vi bị cấm khi quảng cáo, bao gồm cả trường hợp đã được sự cho phép của thầy thuốc để quảng cáo. Do đó, khi áp dụng hình thức quảng cáo thuốc trên mạng xã hội cũng phải tuân thủ theo các quy định như các hình thức quảng cáo khác.

Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 50 Nghị định 38/2021/NĐ-CP cũng quy định hình thức xử phạt đối với hành vi sử dụng hình ảnh thầy thuốc để quảng cáo thuốc bao gồm: Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi “Sử dụng chứng nhận chưa được Bộ Y tế công nhận, sử dụng lợi ích vật chất, lợi dụng danh nghĩa của tổ chức, cá nhân, các loại biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thuốc”. Ngoài ra, còn buộc tháo gỡ quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in quảng vi phạm để khắc phục hậu quả.

Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc;

Lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, bằng các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc.

Quảng cáo thuốc sử dụng một trong các thông tin, hình ảnh sau: hình ảnh người bệnh; sơ đồ tác dụng của thuốc mà chưa được nghiên cứu, đánh giá; hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc.