|
Đó là phải có ít nhất một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng, mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp mới được đánh giá xuất sắc.
Tiêu chuẩn này sẽ được xem xét, đánh giá, xếp loại với bốn mức: xuất sắc, tốt, hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1-8-2015, trong khi nhiều cơ quan chưa chuẩn bị các điều kiện để triển khai, CBNV cũng chưa biết mình phải làm gì để có đề tài hay cải tiến như thế nào... Từ đây, nhiều người thừa nhận đã phải tô vẽ, báo cáo cho có thành tích. Một nghị định được ban hành nhằm thúc đẩy người lao động tích cực sáng tạo, nghiên cứu, cải tiến trong công việc hằng ngày của mình, nhưng những ràng buộc để xếp loại tiêu chuẩn thi đua chưa phù hợp với thực tế đã khiến người ta đối phó hoặc phải giả dối. Do tình thế buộc phải giả dối để có được xếp loại tốt, xuất sắc, để có được tiền thưởng cuối năm mà sáng kiến cải tiến không trung thực, không áp dụng được, sẽ gây tác hại vô cùng.
Bàn về vấn đề này, ThS.BS Hồ Mạnh Tường - giám đốc Trung tâm nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản, Khoa y Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng: cần có lộ trình và quy định phải có đề tài nghiên cứu, cải tiến chỉ nên áp dụng cho hai mức xếp hạng thi đua xuất sắc và tốt. Còn hiện nay nghị định đưa vào cho cả mức bình thường mới được coi là “hoàn thành” sẽ làm cho vấn đề đánh giá, xếp loại rất khó.
Muốn người lao động có đề tài, sáng kiến, các cơ quan phải tạo điều kiện và khuyến khích viên chức tham gia, đăng ký ngay từ đầu năm. Nó phải đi kèm một hệ thống, quy trình để làm việc này. Ví dụ cơ quan có 1.000 người, mà theo văn bản này thì 1.000 người có nhu cầu làm sáng kiến hoặc đề tài khoa học, liệu cơ quan đó có đủ bộ phận để xử lý 1.000 đề tài nghiên cứu hay 1.000 sáng kiến hay không? Ai phê duyệt, ai theo dõi thực hiện? Ai đánh giá là có hiệu quả hay không? Ở đây nêu phải được cấp có thẩm quyền công nhận, vậy cấp có thẩm quyền là ai? Chắc chắn nhiều cơ quan đơn vị không kịp xây dựng một hệ thống đánh giá hoạt động đăng ký, giám sát cũng như đánh giá hiệu quả của các công trình nghiên cứu, sáng kiến. Nếu không có thì người ta dựa vô đâu để báo cáo?
Do vậy, liệu có khả thi hay không? Nếu xét vào tiêu chuẩn thi đua ngay trong năm nay thì chưa đủ điều kiện vào thời điểm này, mà phải có lộ trình để các cơ quan tổ chức lại và có thời hạn để chuẩn bị chu đáo, để áp dụng một cách thường quy và toàn bộ. Và tôi muốn nhấn mạnh rằng tiêu chí nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến chỉ nên đưa vào nhóm tốt và xuất sắc. Còn với người bình thường mà đưa cả tiêu chí này để xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ” là không phù hợp, ngay cả về lâu dài.
Cuộc sống của CBNV nhiều ngành nghề đang gặp biết bao khó khăn. Vì vậy, các văn bản mới ban hành nên có sự chuẩn bị chu đáo, tạo điều kiện để họ được giảm bớt áp lực trong công việc và được kích thích sáng tạo từ đam mê, yêu thích công việc, chứ không nên đẩy họ vào tình thế phải giả dối để thích nghi hay tồn tại!
Theo Tuổi trẻ