|
GS sử học Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN trao tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến tham dự Đại hội và phát biểu nhấn mạnh:
“Không phải ngẫu nhiên mà thời điểm thành lập Hội Khoa học lịch sử VN lại là năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thời kỳ cam go, ác liệt nhất. Hình ảnh người chiến sĩ ra trận với hành trang không chỉ là súng đạn mà còn là một quyển sách sử đã trở thành biểu tượng của một đất nước đã huy động cả mấy nghìn năm vào sự nghiệp chống ngoại xâm. Những chiến công oai hùng của dân tộc ta trong thế kỷ 20 có những cống hiến xứng đáng của các nhà sử học…
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi biển Đông dậy sóng, chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc bị xâm phạm, các nhà sử học đã tích cực nghiên cứu, tìm tòi để đưa ra những bằng chứng lịch sử góp phần khẳng định chủ quyền VN trên biển Đông và với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Chủ tịch nước cũng đề nghị, trong thời gian tới, Hội Khoa học lịch sử VN cần động viên đến mức cao nhất lực lượng và công sức của giới sử học vào việc triển khai và hoàn thành với chất lượng tốt nhất bộ Lịch sử VN theo tinh thần chỉ thị của Ban Bí thư. Hội sử học cũng cần động viên các nhà sử học tham gia với tư cách là một tổ chức tư vấn, phản biện vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trước hết là vai trò, chức năng của môn lịch sử trong giáo dục phổ thông. Đồng thời, Hội cần có kế hoạch để giới sử học VN từng bước hội nhập quốc tế, để tranh thủ sự ủng hộ của giới sử học quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội Khoa học lịch sử VN khoá 6, ông Dương Trung Quốc - phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội chỉ ra khó khăn lớn nhất của Hội là Trung ương Hội cũng như các tổ chức thành viên hoạt động trong tình trạng không được coi là tổ chức xã hội đặc thù, không có trụ sở, biên chế và trợ cấp.
Về việc dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông, GS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN cho rằng: “Giáo dục lịch sử là giáo dục nhận thức khoa học về lịch sử dân tộc VN và lịch sử nhân loại, chứ không phải là nhồi nhét kiến thức lịch sử.
Chương trình dạy và học môn lịch sử trước đây và cả chương trình xây dựng SGK mới, có nói đến tích hợp, nhưng chỉ là tích hợp kiến thức thôi, tức là làm thế nào đó để có nhiều kiến thức hơn, hoặc dùng lịch sử nói về lòng yêu nước, tự hào dân tộc…như thế là môn lịch sử đã được biến một cách méo mó, không còn là khoa học nữa. Nếu phục vụ cho việc tuyên truyền trước mắt thì có thể có hiệu quả, nhưng nhìn tổng thể lâu dài trong một chiến lược giáo dục, thì việc môn sử được huy động như một môn minh hoạ cho chính trị, đã làm mất đi thế mạnh của môn lịch sử, làm cho nó yếu kém, không phục vụ được mục tiêu của nó nữa. Môn lịch sử cần phải là một môn khoa học thực sự”.
Tại Đại hội, GS. NGND Phan Huy Lê tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN. Ông Dương Trung Quốc tiếp tục làm phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký của Hội.
Tuy nhiên, GS Phan Huy Lê cho biết ông sẽ nhận và giữ chức Chủ tịch Hội trong vòng một năm tới, sau đó, Ban chấp hành của Hội sẽ bầu người khác thay thế.
Theo Tuổi trẻ