Trong sự nghiệp cầu thủ của Gareth Southgate, dấu ấn lớn nhất người ta mãi nhắc về ông là quả đá hỏng penalty khiến Anh thua Đức tại bán kết Euro 1996. Nên trong trận chung kết với Italia ngày hôm qua, Gareth Southgate quyết định chuyển sang đá đội hình 3-4-3 nhằm quyết tâm giải quyết trận đấu trong 120 phút, thậm chí chỉ trong 90 phút.
Người Anh đã sớm nhận được niềm vui khi L.Shaws có bàn thắng vào lưới đội tuyển Ý ngay từ phút thứ 3. Đây là bàn thắngđầu tiên của Shaw trong sự nghiệp ở đội tuyển Anh và là bàn thắng nhanh nhất trong lịch sử vòng chung kết Euro.
Bóng đá đang trở về nhà
Trên sân Wembley cổ động viên Anh đã hát vang bài ca “Football’s coming home” – “Bóng đá đang trở về nhà”. Kể từ sau khi người Anh vô địch World Cup 1966, những ngày gần đây giai điệu bài hát này mới được cất lên ở khắp xứ sở sương mù. 45 phút đầu tiên cho thấy HLV Southgate đã có những sự chuẩn bị rất tốt về mặt chiến thuật. Việc chơi với sơ đồ ba trung vệ kết hợp hai cầu thủ chạy cánh là Trippier và Luke Shaw đang mang lại nhiều giá trị cả về tấn công lẫn phòng ngự.
Cổ động viên Anh đã hát vang bài ca “Football’s coming home” – “Bóng đá đang trở về nhà. Ảnh AP |
Khó khăn chất chồng khi tiền vệ người Ý, Jorginho, đã bị một chấn thương và phải khập khiễng thi đấu. Azzurri đã có 45 phút thi đấu trong một tình thế mà ông Macini biết, nếu để thua thêm 1 bàn nữa thì mọi thứ sẽ chấm dứt. Italia đã đứng vững trước sóng gió, chờ đến hiệp hai mới có được bàn gỡ hòa nhờ công của Leonardo Bonucci ở phút 67. Trước đó, HLV Macini đã tung Bryan Cristante và Domenico Berardi vào sân thay cho Nicolò Barella và Immobile để thiết lập thế trận mới.
Một trận đấu với vô số cơ hội mà hai đội tạo ra và thực sự là cuộc đấu trí của 2 ông thầy. HLV Macini trung thành với sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1, có 6 sự thay đổi với Jorginho là cái tên duy nhất được giữ lại. Nơi cánh trái, ông thay cả 3 vị trí hậu vệ, tiền vệ và tiền đạo để lấy lại thế trận cầm 66% bóng, tung được 19 cú sút, trúng khung thành 6 (Đội Anh chỉ 6 và 2). Ở một trận chung kết nghẹt thở, các cầu thủ Ý đã 21 lần phạm lỗi, nhiều hơn bất cứ trận đấu nào (Đội Anh chỉ 13 lần).
Họ không đáng trách, thậm chí HLV Gareth Southgate cũng không đáng trách. Ảnh Sky |
5 chiếc thẻ vàng của các cầu thủ màu áo Thiên Thanh sẽ còn được các nhà bình luận bóng đá phân tích mãi. Các cầu thủ trẻ Foden, Grealish, Bukayo Saka, Sterling hay Jadon Sancho đã khiến cho lối đá của tuyển Anh bùng nổ, biến ảo hơn. Không thể phủ nhận, Tam Sư đang có trong tay rất nhiều những hảo thủ ở đủ mọi vị trí và luôn sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào nhưng điều không may mắn vì họ gặp phải người Ý quá bản lĩnh. Azzurri là đội duy nhất toàn thắng, đang có kỷ lục 34 trận bất bại, họ vừa trình diễn một lối chơi kiểm soát bóng hấp dẫn, pressing kiểu 4.0, lại vừa kế thừa được tính tổ chức và nghệ thuật phòng ngự đặc sản của bóng đá Ý.
Đừng bao giờ coi thường người Ý
Nhìn trận chung kết thì người ta hiểu HLV Mancini đã tạo ra một tập thể luôn ngời cao ý chí chiến đấu, với tinh thần chơi bóng tập thể và sự tự tin. Thế nên khi Azzurri không còn sự phục vụ của nhân tố quan trọng bên phía hành lang trái là Spinazzola, 25 cầu thủ còn lại luôn hừng hực sẵn sàng ra sân.
Nếu Bonucci là người cầu thủ nhiều tuổi nhất ghi bàn ở Chung kết Euro (34 tuổi 71 ngày) ngăn chặn không cho đội chủ nhà có cơ hội lần đầu vô địch Euro thì thủ môn 22 tuổi Gianluigi Donnarumma lại là người hùng của nước Ý.
“Đừng bao giờ coi thường người Ý”. Ảnh Sky |
Cả 3 cầu thủ vào sân từ ghế dự bị của Anh Rashford, Sancho, Saka đều đá hỏng luân lưu, trong đó Bukayo Saka lần đầu tiên đá 11m ở 1 trận đấu chính thức cấp độ chuyên nghiệp nhưng họ không đáng trách, thậm chí HLV Gareth Southgate cũng không đáng trách. Ăn, ở, tập luyện cùng đội tuyển bấy lâu, Gareth Southgate phải hiểu học trò mình hơn khán giả, nhà báo. Khi đã đưa nhau đến chấm panalty định mệnh thì ngay nhà vô địch Champinon League, cầu thủ đá ổn định nhất của đội tuyển Ý là Jorginho cũng sút hỏng thì không trách Gareth Southgate và các cầu thủ Anh.
“Đừng bao giờ coi thường người Ý, đừng bao giờ để ý người Anh” – câu nói có vẻ chua chát nhưng quả thực nó đúng với tình cảnh nền bóng đá 2 nước như thế. 55 năm chờ đợi, câu hát “Football’s coming home” vang lên bỗng ngắt nửa chừng.