Đùn đẩy trách nhiệm cổ phần hóa

Tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong cổ phần hóa (CPH) vẫn khá phổ biến, trong đó có doanh nghiệp thoái vốn hỏi ý kiến bộ, ngành 5 tháng chưa được trả lời. Đây là nội dung được nêu ra tại hội nghị tổng kết tái cơ cấu, CPH, thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương ngày 24-12.
Một góc dây chuyền sản xuất Nhà máy bia Sài Gòn - Ảnh: Thanh Tùng

Đã rất lâu tại Bộ Công thương mới có một cuộc họp thẳng thắn như thế, doanh nghiệp được bộ trưởng yêu cầu “cứ nói”, kể cả ý kiến cá nhân.

Chưa rõ CPH mục đích gì?

Trong các phát biểu, ý kiến của ông Võ Thanh Hà, tân chủ tịch Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), khiến nhiều người... giật mình. Sabeco đã CPH 8 năm, nay có tốc độ tăng trưởng tốt nhưng ông Hà cho rằng nguyên nhân là do mức sống tăng, tập quán uống bia, chứ không phải do... CPH.

Nhận định vai trò CPH ở Sabeco 8 năm qua là “mờ nhạt”, ông Hà nêu với Sabeco, thêm vốn thì không phải mục đích, còn công nghệ thì gần như cái gì mới nhất thế giới Sabeco cũng mua về, quản trị cũng đã nỗ lực thay đổi nhiều... Vì vậy, ông Hà đề nghị làm rõ mục đích chính CPH bởi mỗi doanh nghiệp khác nhau. Theo ông Hà, Sabeco đang phát triển tốt, đóng góp ngân sách tốt, từ năm 2007 đến nay đã nộp cổ tức cho Nhà nước 8.200 tỉ, vậy CPH mục đích là gì?...

Đặc biệt, ông Võ Thanh Hà tiết lộ theo chỉ đạo của Bộ Công thương, Sabeco đang xây dựng phương án thoái tiếp vốn hai đợt, mỗi đợt 20-30% (như vậy có nghĩa Nhà nước sẽ bán đi ít nhất trên 50% vốn tại doanh nghiệp bia hàng đầu VN này - PV)... “Đối tác mua bao giờ cũng muốn mua 51% vốn trở lên. Vì họ bỏ vốn ra nên họ muốn kiểm soát. Với trường hợp chúng tôi và nhiều trường hợp khác, nhìn đi phải nhìn lại. Bán đi hết thì mình thế nào?”.

Sau hội nghị, phóng viên Tuổi Trẻ tiếp cận để hỏi thêm về những phát biểu của ông Hà nhưng ông từ chối

Nhắc lại câu hỏi của ông Hà, ông Nguyễn Trọng Dũng - phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển doanh nghiệp trung ương - đưa ra câu trả lời: CPH không phải thu hồi vốn, mà quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả. “VN đã CPH khoảng 4.000 doanh nghiệp và xác nhận đây là giải pháp cơ bản và đem lại hiệu quả” - ông Dũng nhận định.

Với Sabeco, nếu để nguyên vẫn hiệu quả nhưng nếu CPH, hiệu quả không dừng ở đó. Dẫn chứng trường hợp Vinamilk, ông Dũng nêu họ chưa bao giờ là tổng công ty, tập đoàn nhưng sau CPH, một năm họ lãi khoảng 7.000 tỉ đồng - bằng vốn của cả một tập đoàn.

Bán ít, nhà đầu tư không mua

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Đăng Tuất - vụ trưởng, thường trực Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển doanh nghiệp, Bộ Công thương - nêu hàng loạt vướng mắc khi CPH, thoái vốn: về tài chính doanh nghiệp không lưu đầy đủ tài liệu, chứng từ. Lãnh đạo doanh nghiệp nói quyết tâm nhưng thực chất bản thân họ cũng có băn khoăn. Có doanh nghiệp CPH nhưng chào bán công khai chỉ bán được 0,07% vốn, không ai mua.

Theo ông Phan Đăng Tuất, có nhiều nhà đầu tư khẳng định nếu Nhà nước bán trên 51% vốn, họ sẽ mua, nhưng trên thực tế Nhà nước không bán mức đó... Ông Tuất cũng cho rằng có trường hợp doanh nghiệp CPH nhưng thông tin không đầy đủ, cáo bạch không rõ nên không thu hút được khách hàng. Thậm chí có nơi huy động lãnh đạo mua vài triệu cổ phiếu để thành công ty cổ phần chứ không hi vọng bán được thêm.

Việc CPH chậm, nhiều doanh nghiệp cùng phản ảnh có tình trạng chậm trả lời từ các bộ ngành trước những vướng mắc cần hướng dẫn. Có trường hợp nêu xin ý kiến 3 tháng mới xong văn bản có khoảng 1 trang. Thậm chí, có trường hợp thoái vốn gửi văn bản 5 tháng mà bộ ngành vẫn chưa trả lời. Nhiều tranh luận bàn về CPH công ty mẹ - tức chính các tập đoàn, tổng công ty - trước hay các công ty con trước...

Các bộ đùn đẩy

Trả lời băn khoăn của nhiều doanh nghiệp ngành công thương về cần CPH công ty mẹ trước hay công ty con trước, ông Nguyễn Trọng Dũng khẳng định: các tập đoàn, tổng công ty cần CPH chính công ty mẹ trước, sau đó tới công ty con, Nhà nước không đứng ra làm nữa mà do doanh nghiệp tự quyết. Ông Dũng nêu các tập đoàn nước ngoài, công ty mẹ CPH để đa sở hữu, nhưng công ty con có thể là 100% vốn của họ.

Thừa nhận có tình trạng chậm trả lời từ các bộ ngành, ông Nguyễn Trọng Dũng nhận định do các bộ đùn đẩy trách nhiệm. Có những khoản tồn tại, mất vốn nhưng không ai dám xử, cứ treo đấy. Doanh nghiệp cũng cứ để hết đời giám đốc này đến đời giám đốc khác.

Về định hướng CPH, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Dũng khẳng định sẽ sửa tiêu chí, định hướng sẽ ngày càng thu hẹp ngành Nhà nước giữ 100% vốn. Tinh thần là đa sở hữu, kể cả các tập đoàn - ông Dũng nói và nêu sẽ chủ yếu có hai mức: Nhà nước giữ 51% vốn và trên 65%.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc sẽ đa sở hữu, tức các tập đoàn như PVN, EVN Nhà nước cũng CPH và sẽ chỉ nắm 65% vốn ở đây, ông Dũng khẳng định các tập đoàn chủ trương sẽ đa sở hữu, tức CPH. Tuy nhiên, từng tập đoàn sẽ được quyết định cụ thể. Nhà nước chỉ giữ những doanh nghiệp độc quyền tự nhiên trong từng giai đoạn, lĩnh vực tư nhân không làm, còn những doanh nghiệp khác hiện còn đến trên 90%, như Sabeco, tới đây sẽ bán tiếp...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng CPH mà vốn nhà nước còn 94-95% thì không mấy ý nghĩa. Bộ Công thương có 299 doanh nghiệp, vừa qua đã CPH được 279 doanh nghiệp. Năm 2015 có 15 doanh nghiệp thuộc diện phải CPH, đến nay đã CPH được 8, còn “vài đơn vị sẽ IPO những ngày cuối năm 2015 và đầu 2016”.

Tuy nhiên, ông Vũ Huy Hoàng công nhận Bộ Công thương còn 50 đơn vị đào tạo, 10 viện nghiên cứu, vài trung tâm. Với số đơn vị sự nghiệp công lập khoảng 60, mới chuyển sang mô hình doanh nghiệp được một trường hợp, “nhiệm vụ năm 2016 sẽ là khối này” - ông Hoàng nói và định hướng: các đơn vị sự nghiệp trong khối nghiên cứu khoa học có thể tính toán để tự chủ, nếu CPH được thì CPH.

Ông Vũ Huy Hoàng cam kết tới đây, Bộ Công thương sẽ tổ chức diễn đàn kêu gọi đầu tư vào các doanh nghiệp đã CPH như Bia Hà Nội, Bia Sài Gòn. “Sẽ đưa tất cả lên chào hàng. Sẽ không làm hình thức” - ông Hoàng nói.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công thương:

Xác định bán trên 51% vốn nhà nước

Không bao giờ khuôn khổ pháp lý bao phủ hết tất cả thực tế, nên nếu hi vọng khuôn khổ pháp lý đầy đủ hết là không tưởng. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp CPH bán ra được rất ít, như Tổng công ty Điện thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản bán được có 3-4%.

Doanh nghiệp hoạt động tốt, như thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi bán được 0,35% vốn nhà nước. Thực tế nhiều nhà đầu tư khi mua cổ phần, thấy bán có mấy chục phần trăm, rất khiên cưỡng tham gia. Để CPH thành công, với doanh nghiệp nhà nước không cần chi phối, khi phê duyệt cần định rõ sẽ bán từ 51% trở lên.

Thành công trong CPH phụ thuộc nhiều vào người đứng đầu. Cùng cơ chế nhưng vừa qua có bộ, có doanh nghiệp làm tốt. Nên chăng thời gian tới, khi Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt, Bộ Công thương cần gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả CPH

Theo Tuổi trẻ