|
Tấp nập ra vào bến cảng Việt
Theo ước tính, tại Việt Nam hiện có khoảng 2.000 người sở hữu tài sản từ 5 triệu USD trở lên. Con số này tiếp tục tăng nhanh từ nay cho tới năm 2020. Khi số lượng người giàu tăng nhanh thì tất yếu, nhu cầu về chơi du thuyền cũng tăng theo.
Trong khi đó, chơi du thuyền thể hiện phong cách xa xỉ, hoàn toàn khác biệt với các loại hình khác như bất động sản hay xe sang,... Có thể vừa đi chơi, vừa làm việc, tiếp khách trên du thuyền, lại kết hợp với thể thao và du lịch. Du thuyền vì thế đem đến cuộc sống trên nước thật thư giãn và dễ chịu, ông Kirill Kuatov, Giám đốc Công ty Azimut Yachts Việt Nam, nhận định.
Các đại gia ở Việt Nam cũng đã có nhiều người chơi du thuyền. Chiếc giá trị nhất là 4 triệu USD, thuộc sở hửu của gia đình nhà chồng diễn viên Tăng Thanh Hà ở TP.HCM. Du thuyền này được sản xuất tại Italia, có chiều dài 22m, gây ấn tượng bằng sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật thiết kế đương đại và công nghệ tiên tiến.
|
Có thể vừa đi chơi, vừa làm việc, tiếp khách trên du thuyền, lại kết hợp với thể thao và du lịch. |
Cũng tại TP.HCM, gia đình nữ diễn viên Diễm My nhiều năm nay đã sắm một chiếc du thuyền Sunseeker, giá 2 triệu USD.
Đại gia Đào Hồng Tuyển tại đảo Tuần Châu (Quảng Ninh) đang sở hữu 5 chiếc du thuyền, trong đó 3 du thuyền lớn có 17 cabin, 2 du thuyền nhỏ dành cho gia đình hoặc các nhóm bạn có 3 cabin, bên trong có cả hệ thống phòng khách, bếp, giường ngủ sang trọng.
Tại Nha Trang, đại gia Bùi Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu, cũng đã sắm một chiếc King Yatch. Đây là chiếc du thuyền có vỏ làm bằng composite lớn nhất Việt Nam, giá 10 tỷ đồng. King Yatch được thiết kế theo tiêu chuẩn 4 sao với hệ thống nhà hàng, bar, phòng massage, phòng tắm nắng, phòng ngủ đầy đủ trang thiết bị cao cấp. Ngoài ra, còn có một phòng tắm hơi, 2 phòng massage và một khu vực tắm nắng riêng biệt.
Cách đây mấy năm, ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Kềm Nghĩa, đã gây xôn xao dư luận khi đặt mua từ Mỹ 3 du thuyền, trong đó một chiếc mua giúp người bạn làm trong ngành ngân hàng. Cả ba chiếc đều có thiết kế theo chuẩn chung của nhà sản xuất và được sơn màu trắng. Tuy nhiên, ông Tuấn đã thể hiện phong cách của mình khi đặt chỉnh sửa một chút nội thất bên trong.
Trong số đó, 2 chiếc mà ông sở hữu có giá sau thuế khoảng 300.000 USD. Và chiếc du thuyền ông mua cho bạn có giá cao nhất là gần nửa triệu USD, với chiều dài 12,5m, có hai phòng rộng và khu vui chơi trên boong.
|
Du thuyền càng lớn, đẳng cấp càng cao? |
Ngoài ra còn một loạt du thuyền lớn khác thuộc Tập đoàn FLC, Ngân hàng Sacombank,... hay nhiều du thuyền nhỏ của các cá nhân có giá từ vài tỷ đồng tới 2 triệu USD, rải rác khắp cả nước.
Du thuyền càng lớn, đẳng cấp càng cao
Không bỏ lỡ thị trường tiềm năng, Azimut đã đã chính thức mở văn phòng tại Hà Nội. Giám đốc Kirill Kuatov cho hay, công ty này đang giới thiệu các du thuyền có chiều dài từ 10m tới 50m, có giá bán đến tay khách hàng từ 450.000 USD tới 25 triệu USD. Du thuyền càng lớn, càng chứa được nhiều người, đi xa hơn và có số ngày hoạt động độc lập cũng nhiều hơn.
Ông Kirill Kuatov kể, hàng tuần có khoảng 10 cuộc điện thoại từ các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp Việt gọi hỏi về du thuyền. Trong số đó, 2 khách hàng đang tiến hành đàm phán với Azimut: một khách cá nhân muốn lên đời du thuyền mới, có kích cỡ lớn hơn, với chiều dài từ 18-20m và một khách hàng là doanh nghiệp, muốn đặt một chiếc dài tới 35m với trị giá lớn.
Điều đáng nói, khi đã chơi du thuyền, thì khách hàng sẽ không bao giờ muốn dừng lại ở một chiếc, luôn muốn lên đời với chiếc sau bao giờ cũng lớn hơn so với chiếc cũ. Để tăng thêm 1m chiều dài với du thuyền thường rất tốn kém, có khi lên tới cả triệu USD.
Ngoài ra, chi phí thường xuyên dành cho mỗi chiếc du thuyền cũng ngốn tới 3-5% giá trị của nó mỗi năm, bao gồm lương thủy thủ đoàn, người phục vụ, bến bãi và bảo hành bảo dưỡng.
Nói tóm lại, du thuyền là cuộc chơi tốn kém. Du thuyền càng lớn thì chi phí càng cao, song, nó lại thể hiện được đẳng cấp hơn người của chủ nhân.
Theo VNN