|
ĐB Dương Trung Quốc: "Các đặc khu này có địa điểm rất nhạy cảm, đặc biệt là Vân Đồn, nếu không cẩn thận thì nó sẽ trở thành địa điểm di dân" (Ảnh: Quochoi.vn) |
70 hay 99 năm?
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong các phiên thảo luận tổ về Dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sáng 23/5/2018 là thời hạn giao đất nên là 70 năm hay 99 năm.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng, quy định việc cho thuê đất với thời hạn 99 năm (thay vì tối đa 70 năm) sẽ tạo ra ưu thế vượt trội để thu hút đầu tư. “Nếu chúng ta không đưa thời hạn cho thuê đất 99 năm vào luật, nhà đầu tư sẽ so sánh với các nước khác đã thực hiện chính sách khuyến khích trên”- ông Thân nhấn mạnh.
Tranh luận với đại biểu Thân, nhà sử học Dương Trung Quốc hỏi: “Không biết đại biểu Thân nói nhiều nơi chấp nhận điều kiện 99 năm thì cụ thể là những nơi nào trên thế giới?”.
Theo ông Quốc, khi nói đến đặc khu nghĩa là thử nghiệm thể chế, mà đã thử nghiệm thì có thể thất bại, có thể thành công nên không thể phiêu lưu.
"Các đặc khu này có địa điểm rất nhạy cảm, đặc biệt là Vân Đồn, nếu không cẩn thận thì nó sẽ trở thành địa điểm di dân", ông Dương Trung Quốc nói.
"Chính vì vậy tôi tán đồng quan điểm là thu hẹp phạm vi ưu đãi chính sách về đất đai. Tôi đề nghị khi thông qua dự án luật cần phải 'bấm nút' riêng về quy định giao đất 99 năm".
Còn luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu TP.HCM) thấy chưa yên tâm: “Vân Đồn tới Hải Nam chỉ cách 200 hải lý, vịnh Vân Phong rất gần Trường Sa nên phải tuân theo pháp luật về biên giới, biển và tài nguyên nước”.
Về thời hạn giao đất luật sư Nghĩa "Đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm, không có vòng đời đầu tư nào cần đến 99 năm. Thời hạn này ngang 3-4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhường địa chỉ đất nước nghèo đói hoang sơ cần tới để thu hút nhà đầu tư".
Ưu ái quá nhiều cho các nhà đầu tư
Luật sư Trương Trọng Nghĩa không tán thành việc dự Luật thiết kế quá nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư chiến lược nói riêng, thậm chí có phần dễ dãi khi đưa ra cơ chế.
Cụ thể, ông phân tích, việc lập các đặc khu không chỉ đơn thuần là phê chuẩn đơn vị hành chính mà Nhà nước dành ra nhiều nghìn km đất liền, vùng biển với tài nguyên thiên nhiên giàu đẹp để mời gọi đầu tư; ngân sách hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp vào hạ tầng các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt này cả chục nghìn tỷ đồng.
"Theo đề án xây dựng 3 đặc khu, tổng mức đầu tư sẽ là 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó ngân sách bỏ ra khoản không nhỏ. Dự luật có nhiều quy định theo hướng ưu đãi hào phóng cho việc thuê đất, thuê mặt nước,... rồi tới đây là thay đổi trong bộ máy hành chính, rất nhiều gia đình có thể sẽ phải di dời để có mặt bằng phát triển và những việc này đều để phục vụ cho nhà đầu tư"- ông Nghĩa nói.
Từ phân tích trên, đại biểu Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ, trong 10 năm, 20 năm hay 30 năm nữa, tất cả khoản đầu tư trên đem lại lợi ích như thế nào và những ai được hưởng lợi?
"Cử tri mong muốn rằng, với sự đầu tư lớn như vậy, đất nước phải được nhiều lần so với chi phí bỏ ra. Ba đặc khu phải giúp kinh tế phát triển xanh, sạch hơn; chủ quyền lãnh thổ được bảo vệ vững chắc; thành phố văn minh, thịnh vượng", ông Nghĩa cho biết.
Trong khi đó đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lên tiếng về các chính sách ưu đãi cho 3 đặc khu: "Nếu nói đây là một sự ưu ái dành cho 3 địa phương trên thì cần phải nhìn nhận lại, bởi tôi tin rằng nhân dân Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang đều không mong mỏi mình sẽ trở thành lò thí nghiệm của thể chế lại càng không muốn nhận một sự ưu ái dành riêng cho mình so với phần còn lại của đất nước vốn còn quá nhiều khó khăn".
Ông Nhân cho rằng 3 địa phương được lựa chọn làm đặc khu kinh tế đang "gánh vác trách nhiệm vô cùng nặng nề, niềm tin lớn lao từ các tầng lớp nhân dân vào sự phát triển không phải dành riêng cho 3 tỉnh, mà chính là cho sự lớn mạnh chung của quốc gia dân tộc".
Theo đại biểu Nhân, Việt Nam không còn nhiều thời gian để trở thành quốc gia thịnh vượng bởi đã ở giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng, vì thế "những đột phá để đổi mới, tinh thần táo bạo, dám nghĩ dám làm là điều nếu không muốn nói là cấp thiết để giảm những nguy cơ đang từng ngày hiển hiện trong tương lai gần".
Theo ông Nhân, các địa phương khác không nên coi 3 đặc khu là đối thủ, sẽ thu hút hết vốn đầu tư và khiến các địa phương khác im ắng.
Từ đó, đại biểu Bình Dương cho rằng những quy định đặc biệt, vượt trội trong dự luật là "vẫn không vượt qua được chính mình và quay về với sự lựa chọn an toàn chỉ để mong sớm nhận được sự đồng tình".
Theo chương trình dự kiến, ngày 15/6 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.