Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Nhiều nội dung mới cần làm rõ

Về đề xuất tạp chí không được đăng thông tin thời sự, TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cho rằng cần làm rõ và định nghĩa thông tin thời sự là gì để xác định tạp chí có được đăng hay không.

Hàng loạt điểm mới trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)

Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi với nhiều quy định mới đang được lấy ý kiến. Dự thảo này đề xuất hàng loạt điểm mới trong quy định về hoạt động và quản lý báo chí.

Một trong những điểm nổi bật trong dự thảo là việc bổ sung nhiều loại hình mới như “kênh nội dung của cơ quan báo chí trên không gian mạng” và “xuất bản báo chí trên không gian mạng” vào khái niệm báo chí và sản phẩm báo chí, nhằm cập nhật các quy định về hoạt động báo chí trên không gian mạng.

Một trong những đề xuất đáng chú ý khác là quy định không cấp thẻ nhà báo cho những người làm việc tại các tạp chí khoa học.

Nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa.

Về quy định trả lời trên báo chí, dự thảo cơ bản giữ nguyên quy định người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí và người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết đối với ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến. Dự thảo đã lược bỏ quy định về thời hạn (30 ngày) trả lời trên báo chí hoặc thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết. Tuy nhiên, dự thảo cũng nêu rõ, Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Ngoài những đề xuất đáng chú ý đã nêu ở trên, trong dự thảo còn nhiều những điểm mới khác.

Không cấp thẻ sẽ khiến phóng viên tạp chí khoa học gặp khó khăn

Nêu quan điểm về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), nguyên Tổng biên tập báo Cựu chiến binh Trần Nhung cho biết Luật báo chí năm 2016 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế sau gần 10 năm vì thế cần sửa đổi và bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí và sự phát triển của khoa học, công nghệ, truyền thông.

Theo ông Nhung, nhiều điểm mới và quan trọng được thể hiện rõ ràng từ điều 2 đến điều 48 trong 53 điều của dự thảo Luật Báo chí sửa đổi. Đặc biệt, là xác định tầm quan trọng của báo chí điện tử và thông tin trên không gian mạng. Dự thảo cũng xác định rõ hơn chính sách của Nhà nước về phát triển và quản lý báo chí, cùng với nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan báo chí và nhà báo. Mối quan hệ giữa cơ quan báo chí với các cơ quan trong hệ thống chính trị, chính quyền, đoàn thể xã hội và các doanh nghiệp nước ngoài cũng được quy định rõ ràng hơn.

Ngoài ra, các quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cấp phép, tôn chỉ mục đích của báo chí, và việc cấp thẻ nhà báo cũng được quy định chi tiết.

Tuy nhiên, ông Nhung cho rằng dự thảo vẫn còn nhiều bất cập có thể gây khó khăn cho nhà báo và cơ quan báo chí. Trong đó, đề xuất không cấp thẻ nhà báo cho những người công tác tại tạp chí khoa học khiến ông Nhung băn khoăn sẽ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của phóng viên, nhà báo đang công tác tại các tạp chí khoa học.

Ông đặt câu hỏi liệu ban soạn thảo có coi tạp chí khoa học là một loại hình báo chí hay không, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang chú trọng phát triển khoa học công nghệ. "Không cấp thẻ sẽ khiến các nhà báo gặp khó khăn trong tác nghiệp", ông Nhung nhấn mạnh và đề nghị bỏ điều khoản này trong dự thảo sửa đổi Luật Báo chí.

Đồng quan điểm, TS Trần Bá Dung, nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng việc không cấp thẻ cho nhà báo làm việc tại tạp chí khoa học cần cân nhắc kỹ lưỡng, không nên dừng cấp thẻ đồng loạt.

Theo ông, biên tập viên, phóng viên của Tạp chí khoa học vẫn cần thâm nhập thực tế để tổ chức và biên tập bài viết, phản biện khoa học.

"Không thể tách rời hoạt động khoa học ra khỏi đời sống xã hội, kinh tế của đất nước", TS Trần Bá Dung nói.

Ông đề nghị không cấp thẻ tất cả tòa soạn, nhưng cần có những nhà báo khoa học thực thụ được cấp thẻ để hoạt động.

Quyền giám sát của báo chí phải gắn liền với nghĩa vụ cung cấp thông tin

Góp ý với dự thảo, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm cho rằng báo chí không chỉ là phương tiện truyền thông mà còn là một thiết chế quan trọng để giám sát xã hội. Luật hiện hành đã khẳng định vai trò này, tuy nhiên trên thực tế, quyền tiếp cận thông tin của báo chí vẫn chưa được đảm bảo một cách đầy đủ. Việc tiếp cận thông tin từ các cơ quan Nhà nước nhiều khi bị trì hoãn hoặc từ chối mà không có chế tài xử lý cụ thể.

“Quyền của báo chí trong giám sát và phản biện xã hội chỉ có ý nghĩa khi các cơ quan công quyền có trách nhiệm rõ ràng trong việc cung cấp thông tin. Do đó, cần có quy định bắt buộc các cơ quan hành chính phải cung cấp thông tin theo yêu cầu hợp lý từ báo chí, kèm theo chế tài xử phạt nếu vi phạm. Điều này giúp tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu tình trạng né tránh cung cấp thông tin bằng các lý do không chính đáng.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm.

"Trong thời đại số hóa, sự chậm trễ trong việc cung cấp thông tin có thể làm mất giá trị của thông tin, khiến báo chí gặp khó khăn trong việc đưa tin kịp thời, chính xác. Một quy định rõ ràng về thời gian phản hồi thông tin và chế tài xử lý nếu không tuân thủ là điều cần thiết để đảm bảo cơ chế giám sát báo chí không chỉ tồn tại trên giấy mà còn được thực thi trong thực tế", luật sư Tú phân tích và cho biết nếu luật báo chí sửa đổi chỉ quy định nguyên tắc về trách nhiệm trả lời của người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải trả lời báo chí thì nghị định sau này cần quy định rõ ràng về thời hạn trả lời để đảm bảo việc cung cấp thông tin được kịp thời.

Góp ý về đề xuất không cấp thẻ nhà báo cho người làm việc tại tạp chí khoa học, theo luật sư Tú, cần phân biệt rõ giữa tạp chí khoa học thuần túy và tạp chí khoa học có tính chất phổ biến kiến thức, tham gia phản biện chính sách. Những tạp chí này không chỉ công bố nghiên cứu mà còn có nhiệm vụ đưa khoa học đến với công chúng, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết xã hội.

"Bỏ việc cấp thẻ nhà báo đối với những người làm việc tại tạp chí khoa học có thể dẫn đến hệ quả tiêu cực, đặc biệt là trong việc tiếp cận thông tin từ các cơ quan quản lý chuyên ngành. Việc không cấp thẻ nhà báo có thể gây khó khăn cho họ trong quá trình tác nghiệp", luật sư Tú nói và đề nghị tiếp tục duy trì theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, phạm vi tác nghiệp được xác định rõ ràng để tránh tình trạng lạm dụng.

Cần làm rõ và định nghĩa thông tin thời sự

Trong khi đó, TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, lại ủng hộ đề xuất không cấp thẻ nhà báo cho tạp chí khoa học.

Ông cho rằng hoạt động của tạp chí khoa học có đặc thù riêng, không giống như hoạt động báo chí. Nội dung chủ yếu là các bài nghiên cứu khoa học do chuyên gia viết và các nhà phản biện thẩm định. Thay vì đi phỏng vấn và khảo sát, các nhà khoa học sử dụng các phương pháp nghiên cứu và thực nghiệm để thu thập dữ liệu và xây dựng bài viết. Biên tập viên của tạp chí khoa học chủ yếu biên tập và chỉnh sửa về hình thức, diễn đạt, định dạng… là chính.

TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Việc không cấp thẻ nhà báo cho những người làm việc tại tạp chí khoa học không ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của tạp chí. Trong khi đó, các giảng viên báo chí tại các cơ sở đào tạo đại học về báo chí lại là đối tượng cần được bổ sung để cấp thẻ nhà báo vì họ là những người đào tạo các nhà báo tương lai, họ cần được quyền tác nghiệp như một nhà báo thực thụ để có kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy cho sinh viên báo chí”, TS Phan Văn Kiền nói.

Về đề xuất tạp chí không được đăng thông tin thời sự, TS Phan Văn Kiền cho rằng cần làm rõ và định nghĩa thông tin thời sự là gì để xác định tạp chí có được đăng hay không.

"Nếu là những bản tin ngắn để cập nhật tin tức hằng ngày, tạp chí không đăng cũng được", TS Phan Văn Kiền nói.

Theo TS Phan Văn Kiền, các vấn đề chuyên sâu mà tạp chí phân tích, bình luận thường xuất phát từ các sự kiện thời sự. Như vậy có được gọi là thông tin thời sự không? Do đó, đề xuất tạp chí không được đăng thông tin thời sự là không đúng, vì nó đặt ra những vấn đề chuyên ngành mà tạp chí cần bàn với các vấn đề thời sự. Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên định nghĩa rõ ràng về thông tin thời sự.

Dẫn chứng việc thông tin xoay quanh Nghị định 168 về xử lý vi phạm giao thông, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông chỉ ra sự khác biệt rõ rệt giữa báo và tạp chí.

"Báo có thể tập trung đưa tin về tình hình giao thông khi thực hiện Nghị định 168, tình hình vi phạm, tình hình giao thông được cải thiện như thế nào… Tuy nhiên, các tạp chí cũng hoàn toàn có thể phân tích sâu các vấn đề liên quan đến Nghị định 168 này từ góc tiếp cận kinh tế, chính trị, xã hội… để phản biện chính sách hiện hành. Như vậy, thông tin đó có được gọi là thông tin thời sự hay không?", TS Phan Văn Kiền nói.

Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cho biết báo tập trung vào tin tức thời sự tức thời, còn tạp chí bàn về các vấn đề chuyên sâu, chuyên ngành, tham gia phản biện xã hội về các vấn đề thời sự. Như vậy, chỉ gọi chung chung là thông tin thời sự thì rất khó phân định.

Vừa qua, Bộ Thông tin và truyền thông (đã hợp nhất với Bộ KH&CN; chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý về báo chí, xuất bản từ Bộ Thông tin và truyền thông được chuyển sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công bố, lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dự án Luật Báo chí (sửa đổi) chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, quy định ngắn gọn theo hướng các nguyên tắc quản lý. Trên cơ sở đó, bố cục của dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) gồm 05 Chương, 53 Điều (giảm 01 Chương, 08 Điều so với Luật Báo chí năm 2016).

Dự kiến, dự thảo sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2025.