Chủ tịch Quảng Nam nói về việc sáp nhập với Đà Nẵng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

"Tất cả đang ở chủ trương, chúng tôi chưa có phương án cụ thể gì cho việc này. Trung ương đang chỉ đạo, giao cho 2 địa phương ngồi lại với nhau để bàn và xây dựng đề án", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại họp báo.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại họp báo.

Chiều 3/4, tại Họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội Quý I/2025 của địa phương, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có những trao đổi về chủ trương sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Theo ông Dũng, sáp nhập các tỉnh thành là chủ trương đúng đắn, tạo không gian phát triển cho cả 2 địa phương.

“Quan điểm của lãnh đạo Quảng Nam rất ủng hộ chủ trương sáp nhập 2 địa phương. Bộ Chính trị đang giao cho tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng xây dựng đề án sáp nhập. Tuy nhiên, tất cả đang ở chủ trương, chúng tôi chưa có phương án cụ thể gì cho việc này. Trung ương đang chỉ đạo, giao cho 2 địa phương ngồi lại với nhau để bàn và xây dựng đề án", ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, Ban thường vụ 2 địa phương sẽ sớm ngồi lại bàn, xây dựng dự thảo và quyết định các vấn đề liên quan.

"Trước mắt sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện việc sáp nhập, từ đó sẽ quyết định các vấn đề liên quan như trung tâm hành chính đặt ở đâu, phương án sáp nhập như thế nào… Các vấn đề vượt thầm quyền của 2 địa phương sẽ trình xin ý kiến Trung ương", ông Dũng thông tin.

vt_tru so tthc quang nam.png
Trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay các vấn đề liên quan đến sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh này đang triển khai theo chủ trương chung, chưa có con số cụ thể.

"Chúng tôi đang chờ Quốc hội thông qua, từ đó mới đưa ra các quyết định. Dự kiến Quốc hội sẽ có ý kiến tại kỳ họp thứ 9, diễn ra vào ngày 5/5 sắp đến”, ông Dũng cho biết thêm.

Kinh tế Quý I/2025 của Quảng Nam tăng 7,4% so với cùng kỳ 2024

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tình hình phát triển kinh tế tỉnh Quảng Nam trong Quý I/2025 có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô nền kinh tế (GRDP giá hiện hành) ước đạt 27,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9 nghìn tỷ đồng (7,4%) so với cùng kỳ năm 2024.

Cơ cấu GRDP Quý I/2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,3%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 31,2%; khu vực dịch vụ chiếm 40,4%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 16,1%.

Tổng giá trị tăng thêm (VA) của các ngành kinh tế ước đạt 11,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 1,6 nghìn tỷ đồng (+4,1%); khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 4,8 nghìn tỷ đồng (+10,1%); khu vực dịch vụ ước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng (+8,1%).

Về du lịch, trong Quý I/2025, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 2,240 triệu lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,725 triệu lượt khách, tăng 11%; khách nội địa ước đạt 0,515 triệu lượt khách, tăng 9%; khách tham quan ước đạt 1,495 triệu lượt khách, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2024; khách lưu trú du lịch ước đạt 0,740 lượt khách, tăng 12%. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 2.860 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2024. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 6.721 tỷ đồng.

Về đầu tư công, tính đến nay, toàn tỉnh đã phân bổ chi tiết cho các ngành và các địa phương hơn 8.058 tỷ đồng, đạt 97%; kế hoạch vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết 253,205 tỷ đồng. Tính đến ngày 28/3, kế hoạch vốn đầu công năm 2025 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) đã giải ngân đạt 6,5%.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 3 tháng đầu năm 2025 hơn 5.412 tỷ đồng, đạt 22% dự toán, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó thu nội địa 5.373 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 3 tháng đầu năm là 6.542 tỷ đồng, đạt 19% dự toán, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó chi đầu tư phát triển 3.027 tỷ đồng, chi thường xuyên 3.514 tỷ đồng.

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp và thu hút đầu tư, so với cùng kỳ năm 2024, có 307 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,42%, số vốn đăng ký đạt 1.426,91 tỷ đồng, giảm 1,28%; Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 192 doanh nghiệp, giảm 10,28%.

Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 499 doanh nghiệp, giảm 1,77%. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể là 826 tăng 16,01% so với cùng kỳ.

Tính từ đầu năm đến nay, đã cấp mới 10 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký khoảng 623,68 tỷ đồng; cấp mới 04 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 12,34 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa tỉnh có 1.177 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 230 nghìn tỷ đồng và 205 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 6,3 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.