Bộ Y tế ấn định thời điểm phải hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử trên toàn quốc phải hoàn thành trong tháng 9/2025. Việc không dùng bệnh án giấy được triển khai ở tất cả các bệnh viện.

Đây là yêu cầu của Bộ Y tế trong kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) vừa chính thức được thông qua, sau nhiều năm chưa hoàn thành mục tiêu mà Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về EMR đề ra.

VT_ doc phim.JPG
EMR cho phép bác sĩ đọc kết quả chụp tại chỗ, không mất thời gian in và lấy phim

Các giải pháp đồng bộ

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh yêu cầu triển khai hồ sơ EMR là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu, do đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện, ưu tiên nguồn lực, nhân lực, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ tại tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc, để hoàn thành trong tháng 9/2025.

Cũng theo Thứ trưởng Thức, việc triển khai hồ sơ EMR phải bảo đảm thực chất, đem lại hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng công tác khám, chữa bệnh (KCB), phòng bệnh, mang lợi ích cho người dân, cơ sở y tế, đồng thời, phải liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở KCB, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan. Các các cơ sở y tế phải đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo mật thông tin.

Để tổ chức thực hiện, lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo hướng dẫn triển khai, đôn đốc thực hiện Kế hoạch và tổng hợp kết quả triển khai.

Trong tháng 4/2025, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo phải chủ trì việc sửa đổi, cập nhật thông tư hướng dẫn triển khai hồ sơ EMR thay thế Thông tư 46/2018/TT-BYT và Cục Quản lý khám, chữa bệnh phải hoàn thiện bộ danh mục thuật ngữ lâm sàng, bộ danh mục chỉ số cận lâm sàng để áp dụng trong hồ sơ EMR; Cục Quản lý y, dược cổ truyền chủ trì hoàn thiện bộ danh mục về chuyên môn, thuật ngữ lâm sàng lĩnh vực y, dược cổ truyền để áp dụng trong hồ sơ EMR.

Các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia, các cơ sở KCB chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao. Sở Y tế các tỉnh, thành cũng phải chủ động xây dựng, tham mưu cho các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai hồ sơ EMR và tổ chức thực hiện, đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc triển khai hồ sơ EMR tại các bệnh viện.

bv-dhy-3-2532.jpg
Triển khai EMR sớm, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có lợi thế hội nhập và phát triển

Sẽ có giá ứng dụng CNTT trong chi phí

Một thay đổi quan trọng được Bộ Y tế cho biết là sẽ kết cấu chi phí ứng dụng CNTT trong giá dịch vụ KCB. Nhiệm vụ này được giao cho Vụ Kế hoạch – Tài chính hoàn thành trước tháng 6/2025. Ngay trong tháng 4/2025, Bộ Y tế sẽ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh y tế trên hệ thống RIS-PACS.

Kế hoạch triển khai hồ sơ EMR trên toàn quốc của Bộ Y tế sẽ có ý nghĩa rất quan trọng để đẩy nhanh tốc độ của vấn đề này.

Theo lộ trình Thông tư số 46 quy định hồ sơ EMR đề ra thì đến hết năm 2023, phải có 135 bệnh viện hạng 1 triển khai EMR thành công và khuyến khích các cơ sở y tế khác triển khai EMR.

Nhưng cuối 2024, cả nước mới có 94 cơ sở y tế công bố đã triển khai EMR, không sử dụng bệnh án giấy, trong đó, có 32 bệnh viện hạng 1; 44 bệnh viện hạng 2; 4 phòng khám và 14 bệnh viện tư nhân. Như vậy, tỷ lệ thực hiện mới đạt 23,7% (32/135) chỉ tiêu.

Đánh giá về lợi ích của EMR, PGS.TS Trần Quý Tường - Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam - khẳng định: Với EMR, người bệnh không phải mang theo giấy tờ khi đi KCB; quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời, chủ động hơn trong phòng và chữa bệnh. EMR cũng giúp giảm thời gian chờ đợi và thủ tục. Người bệnh không phải lo lắng nếu mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết xấu của bác sĩ.

Thực tế triển khai EMR tại các bệnh viện cho thấy EMR cho phép liên thông dữ liệu lâm sàng giữa các cơ sở KCB, giúp chẩn đoán và điều trị tốt hơn. EMR hỗ trợ bác sĩ trong điều trị, tránh sai sót y khoa. Các bác sĩ có thể truy cập hồ sơ EMR từ bất kỳ nơi nào, để cứu chữa bệnh nhân nhanh hơn.

EMR giúp bệnh nhân được tư vấn, chẩn đoán, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh mà không cần trực tiếp đến BV, là một giải pháp giảm quá tải cho các BV tuyến trung ương.