ĐB Nguyễn Lân Hiếu phát biểu: “Băn khoăn lớn nhất của tôi khi đọc dự án Luật An ninh mạng là Điều 15. Mặc dù liệt kê đủ những thông tin xấu cần ngăn chặn, gỡ bỏ, tuy nhiên như chúng ta biết trong cuộc sống hàng ngày khó có thể khẳng định đúng, sai, nhiều khi ranh giới rất mong manh. Vậy ai là người quy định, đánh giá nội dung các thông tin được coi là vi phạm? Một cá nhân, một phòng ban hay một cục, vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an? Kinh nghiệm của Indonexia trong Điều 15a luật sửa đổi năm 2017 đã quy định rất rõ ràng là "người đưa ra phán xét thông tin xấu là Tòa án".
Ngoài ra, Điều 26 cũng cần viết rõ ràng hơn, vì nếu viết chung chung là "khi có văn bản của lực lượng bảo vệ an ninh mạng thì các nhà cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải cung cấp tất cả các thông tin khách hàng của mình". Như vậy, tôi nghĩ có một nguy cơ lớn có thể bị lạm dụng, xâm phạm quyền tự do cá nhân mà Hiến pháp đã quy định. Cần quy định rõ ràng về văn bản của cấp nào, trong hoàn cảnh nào thì cơ sở cung cấp dịch vụ không gian mạng phải cung cấp toàn bộ thông tin.
PGS.TS Hiếu: "Dự luật mới trình Quốc hội được một kỳ là kỳ trước còn rất nhiều ý kiến tranh luận"
|
Cũng trong Điều 26 mục 4 khoản d về lưu trữ thông tin cá nhân của người sử dụng, tôi nghĩ còn quá chung chung, cần chi tiết, cụ thể hơn. Chúng ta có thể học tập kinh nghiệp của Philippin luật năm 2017 quy định cụ thể phân loại dữ liệu thông tin thành 3 cấp: Cấp 1 là những thông tin không cần hạn chế, như thông tin thông thường của cá nhân không cần hạn chế; cấp 2 là những thông tin, dữ liệu cần hạn chế, ví dụ như hồ sơ tài chính, hồ sơ sức khỏe, hồ sơ giáo dục của cá nhân cần có luật quy định để hạn chế thông tin cung cấp; cấp 3 là các dữ liệu mật, tối mật như an ninh quốc gia, quân sự, quốc phòng, bí mật thương mại hay các phát minh, sáng chế là những tài liệu cần bảo vệ tuyệt đối an toàn thì luật phải quy định rõ ràng.
Luật An ninh mạng là một luật mới không chỉ ở Việt Nam mà cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới vì sự bùng nổ của vấn đề không gian mạng trong thập kỷ này. Dự luật mới trình Quốc hội được một kỳ là kỳ trước còn rất nhiều ý kiến tranh luận, đóng góp của các đại biểu Quốc hội và trong dư luận xã hội rất nhiều ý kiến trái chiều. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật An ninh mạng của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội vừa trình bày, tôi thấy có một số ý kiến còn tranh luận. Vì vậy, tôi rất mong Quốc hội thận trọng xem xét, trước khi quyết định thông qua tại kỳ họp này. Đây là điều luật có thể thay đổi rất nhiều môi trường hoạt động kinh doanh, đầu tư của nền kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế đang hòa nhập rất mạnh với thế giới, chúng ta cần hết sức thận trọng, tránh những ví dụ không tốt đã xảy ra trên thế giới như nước láng giềng Indonesia vừa ra một điều luật về quy định hệ thống thông tin và giao dịch điện tử năm 2017, ngay lập tức đã tạo ra một số hậu quả và hiện nay chính người ta đang chuẩn bị sửa chữa, bổ sung cho thời gian trước mắt. Xin trân trọng cảm ơn sự lắng nghe của Quốc hội”.
PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu đã tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1995 và tốt nghiệp nội trú chuyên ngành Tim mạch năm 1999; bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Y học năm 2008. Ông cũng là cán bộ giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội từ tháng 3/2001; đào tạo nhiều bác sĩ tim mạch trong và ngoài nước. Ông được Tổng hội Y học Việt Nam để cử tham gia ứng cử ĐBQH khóa 14 (tại An Giang) và trúng cử. Ngày 12/6/2017, ông từng kiến nghị phải có một kì thi chung quốc gia cho sinh viên ngành Y để kiểm soát chất lượng đầu ra của ngành này. |