|
Nhà nước cần ban hành nhiều chính sách cởi mở hơn nữa để thúc đẩy ngành công nghệ cao phát triển |
Phát biểu khai mạc, TS Nghiêm Vũ Khải – Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, phát triển công nghệ cao luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu của đất nước mà dấu mốc điển hình là Luật Công nghệ cao được Quốc hội thông qua cuối năm 2008. Tuy nhiên, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (Chương trình 2020) mới chỉ đạt được những kết quả hạn chế so với những mục tiêu đề ra. Vì thế, với chương trình cho giai đoạn mới đến 2030 rất cần được thu được những ý kiến đóng góp xác đáng cùng với việc phải rút ra những bài học của giai đoạn trước năm 2020.
TS Mai Hà – Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam nhận xét, mục tiêu tổng quan của dự thảo Chương trình 2030 gần như giống với Chương trình 2020. Có chăng là mở rộng thêm cho lĩnh vực bảo vệ môi trường, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, lại bỏ qua yếu tố rất quan trọng là phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.
Vẫn theo TS Mai Hà, những mục tiêu của Chương trình 2030 thể hiện sự không vượt trội và không hề có đột phá so với Chương trình 2020. Như vậy, cần phải xem xét lại toàn bộ phần nội dung của Chương trình 2030. Hơn nữa, mọi chỉ tiêu cần đạt để nằm ở các mục của Mục tiêu chứ không xuất hiện ở các phần Nội dung và Giải pháp.
Chương trình 2030 rất cần được bổ sung các nội dung: Cần nêu rõ tính đột phá, hay tính khác biệt/tiến bộ cơ bản so với Chương trình 2020; Để đảm bảo tính khả thi cao, Ban soạn thảo cần đề xuất Danh mục các Đề án kèm theo để thực hiện Chương trình 2030, mỗi Đề án cần nêu Mục tiêu, các nội dung đi kèm thêm chỉ tiêu thực hiện và đương nhiên nên tính luôn nguồn kinh phí Nhà nước và nguồn kinh phí huy động từ Doanh nghiệp ra sao.
Ông Đặng Ngọc Dinh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng lại chỉ ra là Chương trình 2030 phải khác biệt mang tính đột phá so với Chương trình 2020. Cụ thể là phải chỉ ra được vai trò của hệ thống giáo dục đại học để tạo nguồn nhân lực cho công nghệ cao. Bên cạnh đó, hoạt động khởi nghiệp cũng cần phải có vai trò rõ ràng.
Ông Đoàn Năng – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Khoa học Công nghệ thì cho rằng sự phát triền của Chương trình 2020 sang Chương trình 2030 phải là không dừng và có tính kế thừa. Vấn đề là phải làm thế nào để doanh nghiệp dám bỏ tiền đầu tư và để đạt được việc đó thì phải có cơ chế, chính sách đặc biệt. Cũng cần đặt ra cả tầm nhìn cho giai đoạn sau 2030 trong dự thảo Chương trình 2030.
Cũng cần nói thêm, theo ông Đoàn Năng dự thảo Chương trình 2030 cần phải gánh với Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhất là khi đã có những văn bản chỉ đạo rất rõ ràng của Đảng và Chính phủ cho vấn đề này. Thêm vào đó, cần có thiết chế về trách nhiệm liên đới của các bộ, ngành hữu quan cho phát triển công nghệ cao.
TS Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam đặt vấn đề là cần có tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 2020 một cách bài bản. Theo đánh giá kết quả triển khai Chương trình đến năm 2020 trong Tờ trình với Thủ tướng Chính phủ thì hầu như cả 4 mục tiêu đặt ra của Chương trình đều không đạt. Tuy nhiên, phần phân tích nguyên nhân còn sơ sài, chưa đúc rút ra được những giải pháp cụ thể cần sửa đổi trong giai đoạn tới, cũng như chưa nêu bật được những mục tiêu, nội dung chưa làm được của giai đoạn đến 2020 thì trong Chương trình mới có tiếp tục không? Nếu có thì nội dung nào là tiếp tục từ Chương trình cũ, phân tích kỹ 10 năm rồi chưa làm được thì có nên làm tiếp theo lối cũ không? giải pháp nào để đảm bảo những nội dung đó hiệu quả, khả thi? Nội dung nào là mới, tại sao cần đưa vào?
|
TS Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam và TS Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam chụp ảnh lưu niệm sau hội thảo
|
TS Nguyễn Đức Cương – Chủ tịch Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam cho rằng, cần có cơ chế để doanh nghiệp chủ trì cho phát triển công nghệ cao. Nhà nước, nhà trường và viện nghiên cứu thì chỉ nên giữ vai trò hỗ trợ, phối hợp. Tuy nhiên, với những công nghệ cao không có hiệu quả ngay thì Nhà nước phải định hướng để doanh nghiệp quyết tâm theo đuổi.
TS Lê Đình Lương – Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam lại khẳng định là cần phải làm sao để chính các doanh nghiệp thấy cần phải có khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Khi đó, chính họ sẽ chủ động đầu tư mà không trông chờ gì ngân sách Nhà nước.
Nhà báo Nguyễn Đức Hoàng – Phó Tổng thư ký Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam lại cho rằng, cần làm rõ mối quan hệ giữa khoa học liên ngành và công nghệ cao vì công nghệ cao chính là sự tích hợp đỉnh cao của các lĩnh vực khoa học. Hơn nữa, rất có thể một công nghệ tuy còn thấp với lĩnh vực này nhưng lại là cao với lĩnh vực kia. Thêm vào đó, ưu thế của sản phẩm trên thị trường không chỉ là công nghệ mà còn có yếu tố thẩm mỹ công nghiệp. Bằng chứng là hãng Honda của Nhật Bản bán được sản phẩm nhờ liên tục cải tiến mẫu mã chứ công nghệ thì dường như không thay đổi nhiều.
TS Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam khẳng định, nếu không phát triển được sản xuất thì doanh nghiệp sẽ không thể có nhu cầu về công nghệ cao. Thực tế ở Việt Nam là chưa có ngành công nghiệp nào thực sự cất cánh. Đây là vấn đề cần phải nhìn nhận hết sức nghiêm túc.
Từng là Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, TS Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, việc xây dựng các chương trình khoa học ở Việt Nam là phải căn cứ và bám vào các văn kiện chính thức của Đảng. Vì thế, ông tin rằng Chương trình 2030 chỉ có thể được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong năm 2021, tức là sau Đại hội Đảng XIII
Tiếp thu các ý kiến tại hội thảo, ông Lý Hoàng Tùng – Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ cao Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, việc xây dựng Dự thảo Chương trình 2030 đã bám rất sát vào các văn bản chỉ đạo về khoa học công nghệ và Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo cũng không tránh khỏi thiếu sót. Vì thế, tất cả các ý kiến đóng góp tại hội thảo này sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu để hoàn chỉnh Dự thảo cho Chương trình 2030.