Dự định đầu tư của Foxconn vào tập đoàn Trung Quốc Tsinghua Unigroup có khả năng bị Đài Loan chặn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo nguồn tin của Financial Times, kế hoạch đầu tư của Foxconn đang chờ Bộ Kinh tế Đài Loan phê duyệt, nhưng "chắc chắn sẽ không được thông qua."
Trụ sở của Foxconn tại thành phố Tân Đài Bắc, Đài Loan (ảnh: Bloomberg)
Trụ sở của Foxconn tại thành phố Tân Đài Bắc, Đài Loan (ảnh: Bloomberg)

Chính quyền Đài Loan đang gây sức ép buộc nhà cung cấp Foxconn của Apple phải hủy khoản đầu tư 800 triệu USD vào tập đoàn chip do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn Tsinghua Unigroup, tờ Financial Times đưa tin hôm thứ Tư (10/8).

Nếu báo cáo được xác nhận, đây sẽ là một ví dụ khác về một thỏa thuận lớn trong ngành bán dẫn tan rã trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Loan ngày càng gia tăng.

Tờ Financial Times dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Đài Loan giấu tên liên quan đến các vấn đề an ninh cho biết, kế hoạch đầu tư của Foxconn đã được công bố vào tháng trước và đang chờ Bộ Kinh tế Đài Loan phê duyệt .

Cơ quan quản lý đầu tư của Đài Loan vẫn chưa chính thức xem xét vụ việc, nhưng theo báo cáo của Financial Times, các quan chức an ninh Đài Loan đã được điều động đến để xem xét vụ việc và họ cho biết thương vụ này cần phải bị chặn lại.

“Rõ ràng là bây giờ họ đã xem khoản đầu tư này ở mức an ninh cao nhất, triển vọng đầu tư đã mờ đi,” báo cáo trích dẫn một nguồn thân cận với Foxconn cho biết.

Foxconn, hay còn được biết đến dưới một cái tên khác là Hon Hai Precision Industry, nói với tờ Post hôm thứ Tư (10/8) rằng họ đã báo cáo vấn đề đầu tư cho các cơ quan có thẩm quyền. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật cho các cơ quan có thẩm quyền về tình hình đầu tư tổng thể,” công ty cho biết mà không nêu chi tiết.

Sự việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng công nghệ gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và sau khi bất đồng giữa Đài Loan và Bắc Kinh về chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới hòn đảo hồi đầu tháng này.

Hôm thứ Ba (9/8), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Khoa học và Chip. Theo đó, Mỹ sẽ dành gần 53 tỉ USD để tài trợ cho sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Những công ty sản xuất chip nhận tài trợ của chính phủ Mỹ sẽ bị gắn với điều kiện cấm mở rộng sản xuất ở Trung Quốc trong 10 năm, ngoại trừ “chất bán dẫn cũ” - được định nghĩa là chip được sản xuất bằng công nghệ lỗi thời 28 nanomet trở lên.

Mỹ cũng đang tăng cường nỗ lực vận động Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản gia nhập Liên minh Chip 4. Bắc Kinh coi hiệp ước này là một nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm loại trừ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Foxconn, nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới đang thuê hàng triệu công nhân ở Trung Quốc đại lục, tháng trước cho biết trong một tuyên bố với sàn chứng khoán Đài Bắc rằng họ là một cổ đông trong tập đoàn Tsinghua Unigroup thông qua khoản đầu tư 5,38 tỉ nhân dân tệ (798 triệu USD) của một công ty con.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương vào tháng trước, Lai Chung-chiang, người đứng đầu Liên minh Dân chủ Kinh tế, một tổ chức tư vấn cố vấn cho chính phủ về các vấn đề kinh tế xuyên eo biển Đài Loan, mô tả khoản đầu tư của Foxconn là không thuận lợi cho Đài Loan.

“Mỹ đã hạn chế chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, và Đài Loan vẫn là một đồng minh thân cận của Mỹ”, ông Lai nói. “Động thái của Foxconn sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ đáng tin cậy giữa Đài Loan và Mỹ.”

Nikkei đưa tin Chủ tịch Foxconn Young Liu đã nói với các nhà đầu tư rằng đó “là một khoản đầu tư tài chính đơn giản… chúng tôi tình cờ có cơ hội đầu tư vào Tsinghua Unigroup thông qua một quỹ.”

Liu nhấn mạnh rằng Tsinghua Unigroup không còn khả năng sản xuất chip và nói rằng kể từ khi tái cơ cấu, họ không còn kiểm soát hãng chip nhớ khổng lồ của Trung Quốc là Yangtze Memory Technology hay Wuhan Xinxin Semiconductor Manufacturing nữa, theo báo cáo của Nikkei.