Sau khi lắng nghe báo cáo từ lãnh đạo huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) và Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong đã kết luận về một số vấn đề nổi cộm xung quanh sự việc hàng trăm trẻ dương tính với ký sinh trùng sán lợn nghi do ăn phải thực phẩm bẩn.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ đạo tại buổi họp chiều 19/3
|
Trước hết, ông Phong bày tỏ sự thông cảm với nỗi lo của người dân khi thấy con mình có nguy cơ mắc bệnh. “Nếu đặt địa vị là tôi có con bị mắc bệnh thì tôi cũng sốt sắng như thế, nỗi lo lắng đó rất chính đáng”. Song theo ông, thời gian qua các đơn vị ở tỉnh Bắc Ninh chưa làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, không kịp thời đưa những thông tin minh bạch, chính xác đến người dân.
Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết, ông đã trực tiếp chỉ đạo Ban An toàn thực phẩm của tỉnh Bắc Ninh ngay khi nắm được thông tin vụ việc từ tháng 2/2019. Ông khẳng định Bộ Y tế đã có sự chỉ đạo quyết liệt và tỉnh Bắc Ninh đã làm tốt chỉ đạo của Bộ Y tế.
Ông Phong cũng cho biết, Bắc Ninh có tỷ lệ trẻ nhiễm sán tương đối cao, song chưa vượt ngưỡng trung bình của toàn quốc, nhiều quốc gia nhiệt đới cũng có tỷ lệ bệnh ký sinh trùng đường ruột tương tự, không chỉ riêng Việt Nam hay tỉnh Bắc Ninh.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết, cơ quan chức năng chưa đủ cơ sở để khẳng định việc mất an toàn thực phẩm ở xã Thanh Khương có liên quan tới việc nhiều trẻ nhiễm sán và khẳng định: “Nguồn lây sán không chỉ có trong thực phẩm ăn ở trường chưa được nấu chín, mà có mặt ở khắp mọi nơi như trong đất, trong nguồn nước uống. Trẻ có khó có nguy cơ lây bệnh nếu thịt lợn nhiễm sán đã nấu chín”.
Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cũng nhắc lại lời khẳng định của các chuyên gia đầu ngành bệnh ký sinh trùng: “Việc xét nghiệm ELISA, xét nghiệm máu, huyết thanh cho kết quả dương tính không thể khẳng định rằng trẻ đã nhiễm sán, mà chỉ góp phần khẳng định chẩn đoán của các bác sĩ khi bệnh nhân có triệu chứng mắc bệnh”.
Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết, chỉ khi trẻ đi ngoài có sán, hoặc bị nổi ấu trùng dưới da, các bác sĩ mới chỉ định điều trị theo phác đồ. "Thuốc có đắt không? Không đắt. Điều trị có khó khăn không? Không khó. Và đảm bảo chữa khỏi bệnh cho trẻ" - Ông nói.
Toàn cảnh buổi họp báo tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh chiều 19/3
|
Đồng thời, do đặc điểm của bệnh cần theo dõi chặt chẽ, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong đề nghị các bệnh viện chuyên về bệnh ký sinh trùng cử chuyên gia cùng với y tế địa phương đến tận nơi kiểm tra, theo dõi trẻ. Dù trẻ có kết quả hay chưa có kết quả xét nghiệm, cán bộ y tế không chỉ theo dõi ký sinh trùng mà cần thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ, xử lý kịp thời khi trẻ mắc bệnh.
Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong khuyên người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp đơn giản để phòng chống giun sán như: ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh,…
Cuối buổi họp, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Công ty Hương Thành đã thay đổi địa điểm làm việc và tên công ty, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết không nên đánh đồng việc vi phạm an toàn thực phẩm của công ty này với vấn đề nhiều trẻ dương tính với sán lợn, khiến người dân hoang mang, sợ hãi. Song, ông khẳng định: "Vi phạm về an toàn thực phẩm phải xử lý nghiêm. Dù cơ sở có thay tên đổi họ nhưng vẫn vi phạm thì vẫn phải xử lý đến nơi đến chốn".
Bên cạnh đó, ông cũng cho biết, cơ sở không lưu mẫu thực phẩm là vi phạm pháp luật. Không chỉ vi phạm về lấy mẫu, nếu cơ sở vi phạm về nguồn gốc, cơ sở, người chế biến vi phạm về vệ sinh, dụng cụ trang thiết bị,… thì vẫn bị xử phạt cơ sở do không đảm bảo an toàn thực phẩm.