Đủ chiêu lừa trên “face”

Theo số liệu thống kê Facebook công bố vào cuối năm 2014, tính đến hết năm 2014, Việt Nam có khoảng 25 triệu người tham gia mạng này. Đây là mảnh đất màu mỡ mà tội phạm mạng nhắm đến với nhiều chiêu trò lừa gạt người dùng. 
Những trò lừa đảo nạp thẻ cào, link hình ảnh chứa virus… trên mạng ngày càng nhiều
Những trò lừa đảo nạp thẻ cào, link hình ảnh chứa virus… trên mạng ngày càng nhiều

Các chuyên gia cảnh báo người dùng Việt Nam khi sử dụng Facebook cần cảnh giác để tránh thiệt hại khó lường.

Thiếu cảnh giác sẽ sập bẫy

Một trong những trò lừa đảo nguy hiểm gần đây trên Facebook được cư dân mạng và các chuyên gia công nghệ cảnh báo là kẻ lừa đảo đưa lên trang mạng này hình ảnh kèm đường dẫn (link) clip khiêu dâm, các vụ tai nạn có chứa mã độc. Người dùng khi nhấn vào các link này thì hacker (tin tặc) có thểchiếm quyền điều khiển máy tính, thiết bị truy cập di động của nạn nhân để đánh cắp tài khoản: Facebook, email, tài khoản ngân hàng… Mã độc nhiễm vào thiết bị của người dùng tự đánh dấu thêm 20 người trong danh sách bạn bè Facebook của họ và sẽ có thêm nhiều nạn nhân tiếp theo “dính” mã độc.

Một thủ đoạn lừa đảo khác trên Facebook là sự xuất hiện các ứng dụng “vẽ ảnh nghệ thuật”, “top người quan tâm bạn nhất”, “10 năm nữa bạn sẽ ra sao”, “thay đổi giao diện Facebook”… Người dùng tải các ứng dụng này sẽ bị chiếm đoạt tài khoản. Các ứng dụng dạng này thường được đặt tên rất hấp dẫn, đánh vào tâm lý tò mò của người dùng. Khi người dùng click các ứng dụng này, nó sẽ chuyển hướng đến một trang đăng nhập Facebook giả mạo để hacker thực hiện hành vi lừa đảo. Điển hình là trò lừa được cư dân mạng đặt tên “ông chú Viettel” xảy ra vào cuối năm 2014. Một số kẻ lừa đảo phát tán thông tin đã nạp thành công thẻ điện thoại trên một mạng di động với giá trị tăng gấp 10 lần. Truy cập vào những link mà các hacker đưa ra, người dùng được yêu cầu khai báo tài khoản Facebook để đăng nhập vào một trang web giả mạo và nhập mã số thẻ cào nạp tiền điện thoại để nhận được tài khoản giá trị “khủng”. Nguy hiểm hơn, hacker lấy tài khoản Facebook của nạn nhân nhắn tin cho bạn bè và người thân của họ để tiếp tục lừa đảo tương tự.

Một trò lừa đảo khác xuất hiện gần đây là phát tán tin nhắn có chứa mã độc trên Facebook Messenger. Công cụ chat này hiện được rất đông người sử dụng và hacker đã dùng nó để gửi đến người dùng hàng loạt link video “hot”, các bài báo “nóng” hay clip quảng cáo sản phẩm… Người dùng thiếu cảnh giác truy cập vào đường link đó sẽ bị nhiễm virus và tiếp theo sẽ trở thành nguồn phát tán mã độc đến cả danh sách bạn bè trong Facebook Messenger của họ.

Sơ suất nhỏ, tác hại lớn

Theo số liệu thống kê của Kaspersky Việt Nam, trong quý I/2014, 79,5% trên tổng số các cuộc tấn công lừa đảo trên mạng xã hội là nhắm vào Facebook.

Một chuyên gia của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết sơ suất nhỏ của người dùng trên các trang mạng xã hội (click vào các link lạ) không những làm cho họ bị mất tài khoản mà còn tạo điều kiện để hacker tấn công trên diện rộng. Do đó, khi sử dụng mạng xã hội, người dùng cần cẩn trọng kiểm tra thông tin để tránh các thiệt hại. Khi click vào các link lạ trên Facebook, virus sẽ tự động xâm nhập thiết bị truy cập của người dùng và tiếp tục xâm nhập thiết bị của nhiều người dùng khác. Người dùng nhận được link (có virus), nếu ấn nút “like” hoặc “share” thì virus sẽ tự động xâm nhập thiết bị, đồng thời liên tục gửi các link tương tự tới Facebook của những người dùng trong danh sách bạn bè. Bằng cách này, virus lan truyền theo cấp số nhân hết sức nguy hiểm. Theo khuyến cáo của các chuyên gia an ninh mạng, khi thấy những link bài báo hay video “hot” trên mạng, người dùng cần rê chuột vào link (nhưng không click vào), nhìn sang bên trái phía dưới cùng của trình duyệt web, nếu thấy đường link không giống với link nằm trên Facebook thì không nên click vào vì đó là link giả mạo (có virus).

“Các loại mã độc này rất tinh vi, nhiều phần mềm diệt virus không thể nhận biết. Sau khi các mã độc này được tải về máy tính của nạn nhân, nó sẽ được kích hoạt và âm thầm hoạt động ngầm trong thiết bị của người dùng. Nó khai thác dữ liệu mà người dùng không biết và nguy hiểm hơn, nó cài các chương trình backdoor ẩn (mã độc có “cửa hậu”) trên thiết bị của nạn nhân, biến các thiết bị này thành một phần trong mạng lưới botnet (máy tính ma để tấn công)” - ông Võ Đỗ Thắng, chuyên gia an ninh mạng, nói.

Nhiều đối tượng lừa đảo sa lưới

Trong tháng 1 và 2-2015, Phòng Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội đã bắt giữ một số đối tượng tung tin trên Facebook chương trình khuyến mãi nạp thẻ cào di động qua các website giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản. Toàn bộ số tiền nạn nhân nạp được chuyển về tài khoản của các đối tượng trên. Trong số các đối tượng bị bắt có Đỗ Văn Dũng (quê Quảng Trị), Nguyễn Anh Tuấn (quê Hà Giang), Ngô Xuân Long và Phạm Quang Hiếu (quê Hải Phòng), Nguyễn Văn Quyết (quê Bắc Ninh), Bùi Phát Hiến (quê Đắk Lắk)... Trước vấn nạn này, nhà mạng Viettel liên tục đưa ra thông báo tới khách hàng khẳng định không có chương trình khuyến mãi đặc biệt nào trên Facebook.

Theo Thế giới @