|
Khu đất rộng hơn 800m2 của ông Hùng ở khu phố Trung Hòa nằm trong diện có khả năng bị cưỡng chế. |
Kể từ khi chính quyền thông báo sẽ thực hiện dự án vào năm 2017 đến nay, người dân khu phố Trung Hòa (phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn) không được trồng hoa màu, không được chuyển đổi phương thức canh tác hoặc làm bất cứ điều gì trên chính diện tích đất của mình, cho dù chẳng ai nhìn thấy hình thù của dự án ấy ra sao.
Hộ ông Nguyễn Văn Hùng ở khu phố Trung Hòa có hơn 800m2 đất nông nghiệp thuộc diện phải thu hồi để UBND thị xã Từ Sơn thực hiện Dự án “Xây dựng khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn, thị xã Từ Sơn tại phường Tân Hồng” bức xúc khẳng định: Nếu UBND xã thu hồi hơn 800m2 đất nông nghiệp với giá 158 triệu đồng/1 sào 360m2 để thực hiện dự án thì quá thiệt thòi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống của gia đình chúng tôi”.
Theo ông Hùng, từ năm 2016 đến nay, gia đình có 5 nhân khẩu này đã đầu tư hơn 600 triệu đồng để cải tạo khu đất trũng quanh năm ngập nước, rào tôn ngăn cách với các hộ khác trong khu vực; trồng, chăm sóc thành vườn cây ăn quả xen canh cây dược liệu và dự kiến sẽ được thu hoạch vào dịp Tết năm 2019 (chưa kể tiền đầu tư mua vật tư nông nghiệp, thuốc trừ sâu và công chăm bón qua nhiều năm).
"Ấy nhưng, số hoa mầu ấy sẽ chỉ được đền bù nhỉnh hơn 30 triệu nếu UBND thị xã Từ Sơn thu hồi để thực hiện dự án ở trên. “Gia đình chúng tôi sẽ sống bằng gì với số tiền đền bù đất chưa đầy 400 nghìn đồng/m2 và hoa màu rẻ mạt ấy?”, ông Hùng bức xúc đặt câu hỏi.
|
Vườn cây của ông Nguyễn Văn Hùng ở khu phố Trung Hòa đầu tư cả tỷ đồng từ nhiều năm nay sẽ cho thu hoạch đợt đầu vào dịp Tết này nhưng sẽ có nguy cơ bị thiệt hại nặng nề nếu phải cưỡng chế để thực hiện dự án. |
Trong tâm trạng bức xúc không kém, ông Nguyễn Văn Thủy (sinh năm 1965) cùng ở khu phố Trung Hòa và là con trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Thao cho biết: Cả nhà tôi có 6 nhân khẩu trông vào hơn 750m2 đất trồng mía, táo và các cây ăn quả cho thu hoặc hơn 50 triệu đồng/năm mà UBND thị xã Từ Sơn không hề có phương án đền bù hoa màu khi thu hồi đất và giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.
Ông Thủy thông tin thêm, mảnh đất mà hộ gia đình ông đang canh tác và sử dụng này là do bà nội Nguyễn Thị Lý, người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thừa kế cho cháu đích tôn là ông, quản lý, sử dụng. “Vì là đất hương hỏa cha ông nên dù thế nào tôi cũng cố giữ để có tư liệu sản xuất, để kế thừa cho con cháu sau này, để qua đó giữ gìn truyền thống cách mạng của gia đình”.
Tại hiện trường, phóng viên của VietTimes đã nghi nhận những bức xúc của người dân ở khu phố Trung Hòa nằm trong diện thu hồi đất thực hiện dự án. Thực tế, khu đất thực hiện Dự án “Xây dựng khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn, thị xã Từ Sơn tại phường Tân Hồng” nằm cạnh đường vành đai lớn của khu công nghiệp Đại Đồng-Hoàn Sơn và nằm cạnh đường Quốc lộ 1B. Từ vị trí này, nếu di chuyển gần 4km là có thể đến trung tâm thị xã Từ Sơn bằng những con đường lớn và rất đông phương tiện di chuyển. Có thể nói, đây là vị trí đất rất đắc địa và lý tưởng cho thực hiện các dự án, đặc biệt là với dự án phân lô bán nền, nhằm xây dựng khu đô thị, nhà ở cao cấp.
Tuy nhiên, theo phản ảnh của các hộ dân có đất nằm trong diện bị thu hồi thực hiện dự án này, tính đến thời điểm hiện tại họ hoàn toàn chưa được nhìn thấy hình thù và những nội dung chi tiết thể hiện trong dự án cũng như quyết định phê duyệt dự án của UBND tỉnh Bắc Ninh.
|
Vườn hoa màu nhà ông Nguyễn Văn Thủy sẽ không được đền bù nếu bị cưỡng chế để thực hiện dự án.
|
Ông Nguyễn Văn An khẳng định: “Chính quyền địa phương từ tổ dân phố đến UBND phường chưa hề đưa dự án thể hiện trên văn bản cho người dân xem, cho dù là bản phô-tô”. Ông Nguyễn Văn Hùng bộc bạch thêm: “Người dân chỉ biết đến dự án thông qua phương pháp truyền khẩu của cán bộ các cấp trong bộ máy chính quyền. Đến nay, dù người dân đã nhiều lần yêu cầu UBND thị xã Từ Sơn giới thiệu về dự án một cách chi tiết để nắm được thông tin và thực hiện nhưng vẫn không có kết quả khả quan”.
Có thể nói, đối với người dân trong vùng thực hiện dự án ở khu phố Trung Hòa, đây hoàn toàn là một “dự án miệng” và đang gây ra những bức xúc và rất khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều vì đền bù, giải phóng mặt bằng không thỏa đáng, không sát với giá đất thị trường.
Bởi theo những tài liệu mà người dân cung cấp cho VietTimes, ngày 12/7/2017, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh ra Nghị quyết số 61/NQ-HĐND, phê duyệt các dự án để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong đó có Dự án “Đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng với diện tích 4,4ha do chủ đầu tư là UBND thị xã Từ Sơn thực hiện”.
Tuy nhiên, những người dân trong khu vực thực hiện dự án khẳng định, không hiểu vì lý do gì mà trong các văn bản của UBND và Hội đồng Bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án của UBND thị xã Từ Sơn lại viết tên dự án là: “Xây dựng khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn, thị xã Từ Sơn tại phường Tân Hồng”. Điều đặc biệt, UBND thị xã Từ Sơn và các cơ quan chức năng luôn khẳng định với các hộ dân là dự án này đã được HĐND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt tại Nghị quyết số 61/NQ-HĐND ngày 12/7/2017.
Theo ông An và ông Hùng, dù chưa có cơ sở pháp lý, chưa được UBND tỉnh đồng ý và phê duyệt thì ngày 10/1/2019, chủ đầu tư thực hiện dự án là UBND thị xã Từ Sơn đã quyết định thành lập Hội đồng Bồi thường hỗ trợ (BTHT)-giải phóng mặt bằng (GPMB). Và ngày 11/1/2019, Trung tâm phát triển (TTPT) Quỹ đất thị xã Từ Sơn ban hành Thông báo số 14/TB-TTPTQĐ về việc thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ phục vụ công tác GPMB dự án. Theo đó, Hội đồng BTHT-GPMB đưa ra phương án bồi thường về đất khi thu hồi đối với các hộ gia đình chỉ là 158 triệu đồng/1 sào 360m2 và các khoản hỗ trợ không đáng kể. Đây quả là điều vô lý rất khó tưởng tượng đang xảy ra ở khu vực có sự phát triển về kinh tế mạnh mẽ như ở Từ Sơn, Bắc Ninh.
Không đồng ý với quyết định này, nhiều người dân trong vùng thực hiện dự án đã viết đơn khiếu nại gửi tới chính quyền địa phương và các cấp có thẩm quyền, trong đó có cả đơn gửi tới Văn phòng Chính phủ, đề nghị giải quyết. Tuy nhiên, sau những lần đối thoại căng thẳng và không hiệu quả, mới đây, vào ngày 19/11/2019, UBND phường Tân Hồng đã gửi cho các hộ dân các quyết định cưỡng chế thu hồi đất và gửi kèm giấy mời có mặt tại hội trường UBND phường Tân Hồng để tổ chức đối thoại vào lúc 8 giờ ngày 22/11/2019.
Đến nay, việc đối thoại với người dân của chính quyền phườngTân Hồng chưa đạt hiệu quả vì mức giá quá thấp như đã nêu ở trên. Và người dân thì vẫn rất lo lắng vì luôn phải sống trong tâm trạng "đối phó với cưỡng chế" của chính quyền bất cứ lúc nào.