"VSAP Lab sẽ là hạt nhân hình thành cụm đổi mới sáng tạo ngành bán dẫn, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước và kỳ vọng trở thành “thỏi nam châm” thu hút chất xám, là cái nôi của công nghệ đóng gói tiên tiến 'Make in Vietnam'”, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh tại lễ khởi công dự án Phòng thí nghiệm phục vụ sản xuất công nghệ đóng gói tiên tiến (Fab-Lab), sáng 28/7, tại Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng.
Tham dự sự kiện có Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo các bộ ngành và TP Đà Nẵng.
Đặt nền móng đào tạo nhân lực chất lượng cao
Dự án do Công ty CP VSAP LAB xây dựng trên diện tích 2.288 m2 (gồm: 4 tầng nổi và 1 tum mái, tổng diện tích sử dụng trên 5.700 m2), tại Khu Công nghệ thông tin tập trung - Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng, với tổng đầu tư 1.800 tỷ đồng, hoạt động 50 năm, dự kiến hoàn thành vào Quý IV/2026.
Dự án gồm 2 khu vực, tập trung nghiên cứu và phát triển các công nghệ đóng gói mới, như: Fan-out Wafer Level Packaging (FOWLP), 2.5D/3D IC, Silicon Interposer và Silicon-Bridge; thực hiện sản xuất thử nghiệm trên wafer thật, với các thiết bị tiên tiến như lithography (quang khắc), wafer bonding, và hệ thống đo lường kiểm định đạt chuẩn quốc tế.
VSAP LAB là dự án trọng điểm quốc gia nhằm hiện thực hoá các chủ trương lớn của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW và Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao những nỗ lực của Đà Nẵng trong phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn và AI thời gian qua.
Bằng việc khởi động dự án phòng thí nghiệm phục vụ sản xuất công nghệ đóng gói tiên tiến đầu tiên, Bộ trưởng hy vọng công trình sẽ phát huy được vai trò của Đà Nẵng trong tiến trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại khu vực.
Nhấn mạnh vai trò của đóng gói - kiểm thử như một mắt xích chiến lược, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng dự án là mô hình phối hợp linh hoạt giữa Nhà nước và doanh nghiệp, với phòng Lab là trung tâm thử nghiệm đổi mới sáng tạo, đặt nền móng đào tạo nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ.
"Bộ KH&CN cam kết hỗ trợ và đồng hành cùng Đà Nẵng trong xây dựng cơ chế hỗ trợ hạ tầng nghiên cứu – thử nghiệm, kết nối các chương trình quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực đóng gói, thiết kế, kiểm thử vi mạch”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm
Tại lễ khởi động dự án, ông Nguyễn Bảo Anh, Giám đốc điều hành Công ty CP VSAP LAB cho biết khi hoàn thành, dự án có công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm, phục vụ thị trường trong nước và quốc tế.
Dự án được kỳ vọng sẽ đưa Đà Nẵng trở thành điểm sáng mới trên bản đồ công nghệ bán dẫn khu vực, thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn công nghệ và startup toàn cầu.
“Với mô hình Lab-Fab – tích hợp giữa nghiên cứu (lab), sản xuất thương mại (fab) đã được chứng minh hiệu quả tại các quốc gia tiên tiến như Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Hoa Kỳ – dự án sẽ là nền tảng cốt lõi để xây dựng năng lực tự chủ, thúc đẩy hệ sinh thái vi mạch và trí tuệ nhân tạo của quốc gia, mở ra giấc mơ Việt Nam ghi danh trên bản đồ công nghệ cao thế giới.
Bên cạnh đó, sự hội tụ của trí tuệ Việt ở VSAP LAB từ khắp nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ là nguồn cảm hứng để dòng ‘chất xám’ chảy về Việt Nam, cống hiến cho quê hương, kiến tạo tương lai công nghệ cho đất nước”, ông Bảo Anh chia sẻ.
Cũng theo ông Bảo Anh, VSAP LAB không phải là điểm đến mà là khởi đầu cho hành trình hiện thực hóa giấc mơ Việt Nam làm chủ công nghệ, có mặt trong chuỗi giá trị toàn cầu, sánh vai với các cường quốc công nghệ hàng đầu.
“Không chỉ đơn thuần là một phòng thí nghiệm, đây là bệ phóng của một ngành công nghiệp mũi nhọn, nơi chip bán dẫn – linh hồn của mọi thiết bị thông minh – sẽ dần dần được sản xuất bởi chính bàn tay, trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam. Trong đó, Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành “Tân Trúc” của Việt Nam, như cách mà Đài Loan đã làm được”, ông Bảo Anh nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng KH&CN, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết dự án Fab-Lab là mô hình tiên phong tại Việt Nam, có ý nghĩa chiến lược trong phát triển công nghệ lõi, cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 30/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá hàng đầu trong nhiệm kỳ 2025–2030 của Đà Nẵng. VSAP Lab được kỳ vọng trở thành mô hình "lab-fab" kiểu mẫu – tích hợp nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất và đào tạo – phục vụ đóng gói vi mạch tiên tiến cho chip AI, cảm biến, y sinh và thiết bị giao tiếp tốc độ cao.
“Thành phố cam kết tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, cơ chế hành chính và nguồn nhân lực để dự án triển khai đúng tiến độ, an toàn, hiệu quả. VSAP Lab sẽ là hạt nhân hình thành cụm đổi mới sáng tạo ngành bán dẫn, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước và kỳ vọng trở thành “thỏi nam châm” thu hút chất xám, là cái nôi của công nghệ đóng gói tiên tiến 'Make in Vietnam'”, ông Triết nhấn mạnh.