Trong chuyến kiểm tra đột xuất tại bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát ngày 1.2, thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá dù tình hình trật tự tại hai bến này đã có sự cải thiện nhưng hiện tượng xe dù, cò vẫn còn, đặc biệt là tại bến Giáp Bát.
Ngay tại cổng bến Giáp Bát, có một lượng không nhỏ phụ xe, "cò xe" lượn lờ chào mời khách. Trong bến, lượng khách không quá đông, việc xe ra vào bến khá trật tự và khá nhiều tuyến vận tải đã có biển thông báo giá cước, thời gian xuất bến và cả ảnh chụp xe. Còn phía ngoài bến xe, cách khoảng 500m vẫn còn hiện tượng xe bắt khách dọc đường.
Trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho rằng dịp Tết năm nay nghỉ dài nên người dân có nhiều lựa chọn về phương tiện di chuyển và chỉ có một số ngày cao điểm như ngày 20, 26, 28 âm.
Tại bến Giáp Bát, hiện tượng cò chèo kéo khách vẫn còn khá phổ biến. |
Khác với bến Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm vắng và gần như không có hiện tượng "cò". Tuy nhiên, tại đây thứ trưởng Thọ lại tỏ ra khá bức xúc khi biết có tới 35 DN vận tải xin tăng giá cước trong dịp Tết với mức tăng từ 11 đến 64%.
Khi bị chất vấn, lãnh đạo bến Nước Ngầm phân bua rằng giá cước vận tải đường bộ hiện đang được điều tiết theo quy luật thị trường. DN đã tiến hành xin tăng giá tại Sở Tài chính và GTVT địa phương và được chấp nhận nên bến xe cũng đành chấp nhận.
Tuyến vận tải có tỷ lệ tăng giá nhiều nhất tại bến Nước Ngầm là Hà Nội - Quỳnh Lưu của công ty Dũng Minh khi tăng từ 140.000 đồng lên 230.000 đồng, tăng 64,29%. Các tuyến đường dài Hà Nội - TP HCM cũng tăng giá khá mạnh tại bến xe này nhưng chủ yếu là xe chất lượng cao có kèm suất ăn.
Nhiều tuyến vận tải đã có bảng điện tử thông báo tại cả hai bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm. |
Ngược với bến Nước Ngầm, đại diện bến Giáp Bát cho biết trước và trong dịp Tết có tới 30 DN vận tải xin giảm giá. Ông này cho hay chỉ có 3 đơn vị vận tải tuyến huyện Thanh Hoá xin tăng giá và đã được Sở GTVT Thanh Hoá đồng ý nhưng bến Giáp Bát không cho tăng. Tuy nhiên, ông này cho biết sau Tết có 6/10 tuyến đường dài xin tăng giá để phụ thu, tăng từ 20 đến 40%.
Trao đổi với báo Lao Động, một phụ xe tuyến Hà Nội - TP HCM cho biết lượng khách đi đường dài từ Hà Nội đến TP HCM giảm mạnh tới 30% do hàng không "lấy mất khách". Do đó, thay vì tăng giá tuyến này còn phải giảm giá để giữ chân khách.
Clip kiểm tra tại bến xe nước Ngầm chiều 1.2