Dòng vốn ồ ạt chảy khỏi Trung Quốc

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, chỉ trong vòng 7 tuần qua, dòng vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc đã lên đến 190 tỷ USD, khiến thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng cạn...
Dòng vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc đã lên đến 190 tỷ USD trong 7 tuần qua khiến thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng cạn kiệt.
Dòng vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc đã lên đến 190 tỷ USD trong 7 tuần qua khiến thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng cạn kiệt.

Thời gian vừa qua, thị trường tài chính quốc tế đã hứng chịu một cơn chấn động lớn sau khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ. Theo đó, đồng nhân dân tệ (NDT) (theo giá thị trường) mất giá 2,9% trong tuần thứ 2 tháng 8, cao hơn mức mất giá 2,4% của cả năm 2014. Việc mất giá NDT đã dẫn đến đồng tiền 8 nước châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Singapore, Phillipine, Malaysia, Thái Lan và Indonesia) mất giá trung bình 1,7% ngay trong tuần thứ 2 và 1,2% trong tuần tiếp theo (tổng cộng là 2,9%). Tuy nhiên, đồng Euro và Yên Nhật vẫn giữ ổn định.

Theo thống kê của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tới ngày 26/8/2015, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất 43,3% kể từ khi đạt đỉnh vào ngày 12/6/2015. Trong vòng hai tháng, giá trị thị trường của thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm 5.000 tỷ USD. Trong khi đó, chỉ số MSCI các thị trường chứng khoán mới nổi đã giảm 17% so với đầu năm 2015 và 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, giới đầu tư quốc tế đang có xu hướng nhìn nhận sự suy giảm rất mạnh của các thị trường chứng khoán mới nổi trong thời gian gần đây, có sự tương đồng với cuộc khủng hoảng 1997- 1998 và lo ngại những biến động và rủi ro hệ thống có thể còn tiềm ẩn trong tương lai gần. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ cũng điều chỉnh mạnh. Chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã điều chỉnh giảm hơn 10% từ mức cao nhất trong tháng 5 năm nay; Nikkei 225 giảm 13,64%; Kospi giảm 8,23%.

Trước những bất ổn về tình hình tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, dòng vốn đầu tư chứng khoán đang có dấu hiệu chảy từ thị trường mới nổi sang châu Âu. Từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8, tổng số vốn chảy ra khỏi những thị trường mới nổi đã lên đến 17 tỷ USD, chiếm hơn 50% trên tổng số 29,4 tỷ USD vốn bị rút kể từ đầu năm nay .

Trong khi đó, chứng khoán Châu Âu đón nhận 83,5 tỷ USD chảy vào thị trường này. Riêng dòng vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc đã lên đến 190 tỷ USD trong 7 tuần qua khiến thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng cạn kiệt và đẩy lãi suất Shibor tăng tổng cộng 30 điểm cơ bản trong 10 phiên giao dịch gần nhất, báo hiệu sự căng thẳng trên thị trường.

“Việc điều chỉnh tỷ giá NDT thực chất chỉ là ngòi nổ của quả bom “lòng tin” vốn dĩ đã lung lay từ lâu về nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường quốc tế bao gồm cả các nhà đầu tư và các nhà kinh tế lâu nay vẫn ngờ vực về số liệu thống kê của Trung Quốc. Chính vì vậy, thị trường đã phản ứng rất tiêu cực trước động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng trung ương Trung Quốc và e ngại Trung Quốc sẽ rơi vào khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết.

Yến Nhi theo VnMedia