|
Nhờ vào lượng tiền lớn, thị trường chứng khoán Mỹ đạt được mức tăng cao hơn rất nhiều so với thị trường tài chính châu Âu và châu Á |
Các nhà đầu tư trên thế giới đang dồn tiền vào các quỹ tài chính của Mỹ. Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn được tin sẽ vượt qua đại dịch tốt nhiều quốc gia khác.
Dòng vốn đầu tư kỷ lục
Chỉ trong vòng sáu tháng đầu năm 2021, các nhà đầu tư toàn cầu đã rót hơn 900 tỉ USD - con số kỷ lục tính từ năm 1992, vào các quỹ tương hỗ và quỹ hoán đổi danh mục (ETF) của Mỹ, theo thống kê của Refinitiv Lipper. Quan trọng hơn là, con số này cao hơn tổng tiền đầu tư vào quỹ tài chính của tất cả các nước còn lại trên thế giới trong cùng thời gian.
Nhờ vào lượng tiền lớn, thị trường chứng khoán Mỹ đạt được mức tăng cao hơn rất nhiều so với thị trường tài chính châu Âu và châu Á. Chỉ số S&P 500 tăng 17% trong năm 2021; trong khi chỉ số DAX của chứng khoán Đức tăng 14%; chỉ số Shanghai Composite của chứng khoán Trung Quốc tăng 2,2% còn chứng khoán Nhật không có nhiều thay đổi.
Nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào Mỹ bắt đầu giảm dần từ cuối quý II, trong khi dòng tiền vào các quỹ ngoài nước Mỹ tăng nhẹ. Trong tháng Sáu, các quỹ tại Mỹ nhận được khoảng 51 tỉ USD, lần đầu ở mức dưới 100 tỉ USD tính từ đầu năm, so với 168 tỉ USD hồi tháng Năm. Biến chủng Delta lây lan mạnh, cùng lạm phát tăng và việc thay đổi chính sách của ngân hàng trung ương có thể là nguyên nhân làm chậm đà phục hồi tăng trưởng.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tự tin rằng các yếu tố trên sẽ không làm “trật đà” phục hồi kinh tế Mỹ và Mỹ vẫn là thị trường chứng khoán tốt nhất để cất giữ tiền. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn rót thêm 200 tỉ USD vào danh mục đầu tư tại Mỹ trong năm nay, theo dự báo của ngân hàng Goldman Sachs.
|
So sánh dòng tiền đổ vào các quỹ tài chính của Mỹ vaf phần còn lại của thế giới. Số liệu tính theo năm, năm 2021 tính tới tháng Sáu. Nguồn: Refinitiv Lipper |
Nhà đầu tư được gì khi đầu tư vào trái phiếu Mỹ?
“Nền kinh tế Mỹ có được khởi đầu mạnh mẽ khi bước ra khỏi đại dịch”, theo Jack Janasiewicz, nhà quản lý danh mục đầu tư và chiến lược gia tại quỹ toàn cầu Natixis. Theo ông, thị trường Mỹ sẽ còn tiếp tục khởi sắc. WSJ dự đoán Mỹ sẽ có mức tăng trưởng kinh tế 6,9% trong năm nay, lớn hơn mức dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho khu vực đồng euro, Nhật Bản và Anh.
Từ sau khủng hoảng tài chính 2008, trái phiếu Mỹ luôn tương đối hấp dẫn trên toàn cầu. Khi đó, dù tăng trưởng chậm lại thì mức độ phục hồi kinh tế của Mỹ vẫn cao hơn các thị trường khác. Các nhà đầu tư vẫn mua trái phiếu dù lợi suất âm vì tỉ lệ lợi nhuận an toàn. Lợi suất trái phiếu âm khá phổ biến ở EU và Nhật Bản, nhưng hiếm gặp ở Mỹ. Tính đến 22/7, trên thế giới có gần 16 nghìn tỉ trái phiếu chính phủ chỉ cho lợi suất âm, theo tính toán của Bloomberg Barclays. Tuy nhiên, trong số các trái phiếu từ 10 chính phủ cho lợi suất dương, 70% giá trị là trái phiếu của Mỹ, theo đánh giá của Citygroup.
Bên cạnh đó, việc giảm giá đồng USD cũng khiến lợi suất trái phiếu Mỹ hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo EPFR, tính đến 30/6, các quỹ trái phiếu nước ngoài tăng tỉ lệ trái phiếu Mỹ lên khoảng 25% tổng tài sản quản lý, tăng 23% so với cuối năm ngoái. Bà Daniela Mardarovici tại công ty quản lý tài sản Macquarie cho biết có rất nhiều nhà đầu tư khao khát trái phiếu lợi suất dương, đặc biệt là trái phiếu của chính phủ Mỹ.
Nghịch lý dòng vốn dồi dào của cổ phiếu Mỹ
Các nhà phân tích cảnh báo rằng dòng vốn có xu hướng “nước chảy chỗ trũng” - đổ dồn vào thị trường nhiều người quan tâm, và việc dòng vốn dồi dào có thể làm kết quả lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng lạc quan của nhà đầu tư cổ phiếu. Theo FactSet, cổ phiếu các công ty trong danh sách S&P 500 được giao dịch gần đây ở mức gấp khoảng 28 lần thu nhập trong 12 tháng gần nhất, gần đạt mức kỷ lục cao nhất kể từ năm 2000.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc dòng tiền dồi dào là dấu hiệu đáng lo lắng: thị trường cổ phiếu Mỹ trước nay hiệu quả tốt nhất khi dòng vốn ròng chảy ngược (net outflow). Cụ thể, thời kỳ 2010-2020, thị trường cổ phiếu Mỹ hoạt động tốt nhất khi 741 tỉ USD vốn ròng chảy ra nước ngoài.
Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể bỏ lỡ cơ hội kiếm lợi nhuận khi không nghĩ rộng ra toàn cầu. Mặc dù gần đây đầu tư vào cổ phiếu Mỹ thu được lợi nhuận khả quan từ năm 2009-2019, nhưng lịch sử cho thấy, tỉ lệ lợi nhuận vẫn không bằng các thị trường khác. Theo dữ liệu của Richard Bernstein Advisors, tỉ lệ cổ tức theo năm từ cổ phiếu Mỹ là 8,5% từ tháng 12.1969 đến tháng 2.1989, thấp hơn mức 15,5% từ các cổ phiếu của thị trường phát triển quốc tế, theo dữ liệu do Richard Bernstein Advisors tổng hợp. Từ tháng 1.1999 đến tháng 10/2010, tỉ lệ cổ tức của cổ phiếu thị trường mới nổi là 14,7% cho các nhà đầu tư, đánh bại mức 0,3% của cổ phiếu Mỹ.
Matt Dmytryszyn, giám đốc đầu tư tại Telemus Capital, cho biết cổ phiếu Mỹ đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt, nhưng công ty đang bán bớt số nắm giữ để chốt lời và xem xét việc mua thêm cổ phiếu ở châu Âu.
Tuy nhiên, trong tháng này các nhà quản lý quỹ toàn cầu vẫn lạc quan với cổ phiếu Mỹ, theo khảo sát của Bank of America, khi nhiệt tình với thị trường đồng euro và thị trường mới nổi đã giảm.
“Còn rất nhiều tiền bên lề chưa sử dụng đến”, theo Rajay Bagaria, giám đốc đầu tư tại quỹ đầu cơ Wasserstein Debt Opportunities./.
Nguồn tham khảo:
https://www.forbes.com/sites/kristinmckenna/2021/02/01/what-are-negative-yielding-bonds-what-happens-when-yields-go-negative/?sh=61f3bb3e1018
https://www.marketwatch.com/story/why-you-should-worry-about-the-flood-of-new-cash-into-u-s-stock-funds-11620102925
https://www.wsj.com/articles/investors-are-buying-american-11627205402