Nhóm nghiên cứu của FiinTrade từng đưa ra những giá khá tích cực về triển vọng tăng trưởng của ngành chứng khoán năm 2021 với các giả định (i) thanh khoản thị trường tiếp tục tăng mạnh sau khi vấn đề nghẽn lệnh được xử lý và (ii) dịch Covid-19 được khống chế, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng lợi nhuận cao, qua đó giúp định giá thị trường trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đang không hỗ trợ giả định này, khi mà thị trường lình xình với thanh khoản không có nhiều "đột phá" dù hiện tượng nghẽn lệnh không còn trong khi mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng hơn.
VN-Index đã giảm 10,1% kể từ đầu tháng 7/2021 và giá trị giao dịch trung bình phiên khớp lệnh cũng giảm 10,9% so với tháng 6/2021.
Tỷ lệ dư nợ cho vay margin/vốn chủ sở hữu của toàn ngành đã ở mức cao (135%), trong đó một số công ty chứng khoán lớn đã gần chạm mức giới hạn theo quy định là 200%, bao gồm VND (178%), HCM (191%), MBS (178%) và MASC (190%). Việc cạnh tranh phí môi giới để mở rộng thị phần cũng làm hạn chế khả năng tăng trưởng lợi nhuận chung của cả ngành.
Với những yếu tố không mấy tích cực này, theo FiinTrade, các công ty chứng khoán (CTCK) đang gặp khá nhiều thách thức trong việc duy trì mức tăng trưởng cao như nửa đầu năm.
“Nếu những yếu tố này không sớm được cải thiện, rất có thể lợi nhuận của ngành đã đạt đỉnh trong quý 2 vừa qua”, FiinTrade đánh giá.
Tại mức thị giá hiện tại, cổ phiếu chứng khoán đang được định giá 12,6 lần lợi nhuận trượt 4 quý (P/E) và 2,4 lần giá trị sổ sách (P/B). Đây là mức khá cao so với mức trung bình 3 năm (10,6x P/E và 1,2x P/B) cũng như mức định giá cuối quý 1/2021.
Bức tranh lợi nhuận CTCK trong quý 2/2021
Số liệu tổng hợp của FiinTrade cho thấy, doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế quý 2/2021 từ 22 công ty chứng khoán (chiếm gần 70% thị phần môi giới của thị trường) tăng trưởng lần lượt 18,4% và 10,7% so với quý 1/2021.
Đối với hoạt động tự doanh, nhờ sự tăng điểm của thị trường chứng khoán trong quý 2/2021, lợi nhuận của mảng này tại nhiều công ty chứng khoán tăng trưởng mạnh như SSI (+21,8% QoQ), VCI (21,6% QoQ), MBS (+24,8% QoQ), TVS (+44,1% QoQ).
Tuy nhiên, tổng hợp từ 22 công ty chứng khoán mà FiinTrade theo dõi, thu nhập từ hoạt động tự doanh chỉ tăng 7,7% so với quý trước, thấp hơn mức tăng trưởng 12,6% trong quý 1/2021 cho dù VN-Index tăng mạnh hơn.
Một số công ty chứng khoán lớn bị suy giảm lợi nhuận tự doanh, như VND (-21,5% QoQ), HCM (-5% QoQ), VIX (-67,1% QoQ), bị lỗ như AGR hay phân loại phần lớn giá trị danh mục cổ phiếu niêm yết vào khoản mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) như SHS.
Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh đóng góp 63,6% lợi nhuận gộp của ngành chứng khoán trong quý 2/2021, giảm dần từ mức 70,9% trong quý 4/2020.
Trong đó, VCI là công ty chứng khoán có tỷ trọng lợi nhuận từ hoạt động tự doanh lớn nhất (83%) do đã bán 1 phần danh mục gồm nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh như HPG, TCB, VPB.
Đối với hoạt động cho vay ký quỹ (margin), lợi nhuận gộp từ mảng này chỉ tăng 6,5% so với quý trước, dù tổng dư nợ margin quý 2/2021 tăng tới 30,1%.
Theo FiinTrade, đây là mảng kinh doanh chính có mức tăng trưởng thấp nhất của các CTCK, phần lớn do chi phí vốn tăng 100% trong kỳ.
Tăng trưởng dư nợ margin chủ yếu đến từ nhóm CTCK trong nước, dẫn đầu là SSI (+4,7 nghìn tỉ đồng, +42,6% QoQ), TVS (+4,1 nghìn tỉ đồng, +2.519,3% QoQ) và VND (+2,5 nghìn tỉ đồng, +41,6% QoQ).
Ngược lại, CTCK Mirae Asset vốn có thế mạnh về cho vay margin thì không còn nhiều dư địa tăng trưởng khi mà tại thời điểm cuối quý 1 thì tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu đã gần chạm mức trần 200%.
Đối với hoạt động môi giới, lợi nhuận gộp từ mảng này trong quý 2/2021 tăng tới 45,9% so với quý trước nhờ thanh khoản thị trường sôi động. Tỷ trọng của mảng môi giới trong cơ cấu lợi nhuận gộp tăng từ 12,9% trong quý 1/2021 lên mức 18% trong quý 2/2021. Tăng trưởng cao của mảng môi giới chủ yếu ghi nhận tại các CTCK quy mô vừa và nhỏ./.