|
Theo chủ tàu Lê Văn Sang, tàu cá vỏ thép Sang Fish 01 cũng cần phải điều chỉnh lại thiết kế. |
Mới đây, tại Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Đóng và Sửa chữa tàu Hải Sơn - X50 (thuộc Tổng Công ty Sông Thu) đã đóng mới hai tàu cá vỏ thép, phục vụ đánh bắt xa bờ cho ngư dân Phan Thu và Trần Công Chi (xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam). Đây là hai tàu cá vỏ thép đầu tiên mà ngư dân tỉnh Quảng Nam được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV Chi nhánh Quảng Nam cho vay hơn 93% giá trị hợp đồng đóng tàu.
Đóng theo yêu cầu ngư dân, vốn đội chỉ 1 tỉ
Theo đại diện Nhà máy X50, tàu cá lưới rê mà đơn vị này đóng cho ngư dân là loại tàu cá vỏ thép, kết cấu hàn, hệ động lực diesel lai chân vịt có bước định qua hộp điều tốc. Tàu một thân thuôn đều, thượng tầng bố trí phía lái tàu. Tàu đánh bắt cá trên biển bằng hình thức thả lưới rê. Cá được bảo quản bằng cách ướp đá lạnh trong khoang bọc cách nhiệt.
Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng và Sửa chữa tàu Hải Sơn - X50 (thuộc Tổng Công ty Sông Thu), cho biết mẫu tàu đóng cho hai ngư dân Quảng Nam vẫn dựa trên các mẫu thiết kế của Bộ NN&PTNT đưa ra. Tuy nhiên, nhà máy đã tiến hành cải hoán lại theo yêu cầu của ngư dân. “Để cho ra được mẫu thiết kế hôm nay, chúng tôi đã nhiều lần bàn bạc, trao đổi với ngư dân, hội nghề cá và chính quyền địa phương. Sau khi tổng hợp lại các ý kiến, nhà máy mới đưa ra mẫu thiết kế đã chỉnh sửa hợp lý, phù hợp với tập quán đánh bắt của ngư dân” - Đại tá Tuấn cho hay. Dự kiến đến giữa tháng 7 sẽ hoàn thành hai con tàu vỏ thép này. Giá mỗi con tàu khoảng 12,5 tỉ đồng.
Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, ngư dân được quyền chỉnh sửa, điều chỉnh sao cho phù hợp với yêu cầu đánh bắt. Ông Tấn lấy ví dụ, nếu ngư dân thấy công suất của hãng máy này không tốt, có thể thay máy của hãng khác. Cabin có thể dời về phía sau để có không gian phía trước tàu… Các tàu qua chỉnh sửa có thể tăng thêm 700 triệu đến 1 tỉ đồng nhưng các ngân hàng vẫn chấp nhận được.
Có nơi đội từ 5 tỉ đến 9 tỉ đồng
Pháp Luật TP.HCM đã từng phản ánh việc đội vốn đóng tàu vỏ thép cho ngư dân tỉnh Bình Định. Theo đó, vì các mẫu tàu phê duyệt của Bộ NN&PTNT không đáp ứng được yêu cầu đánh bắt thực tiễn nên ngư dân Bình Định đã tư vấn thiết kế cho phù hợp. Tuy nhiên, khi tư vấn thiết kế xong, giá mỗi con tàu vỏ thép đã đội lên từ 5 tỉ đến 9 tỉ đồng. Điều này đã gây ra hàng loạt khó khăn cho ngư dân của Bình Định, cho nên các cơ quan chức năng của Bình Định đã có công văn yêu cầu Bộ NN&PTNT có những hướng dẫn cụ thể.
Trao đổi lại với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết đến nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa phản hồi các kiến nghị của tỉnh này về giải quyết các vướng mắc trong thực hiện việc đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. “Nếu chờ Bộ thì muộn quá vì theo kế hoạch thực hiện Nghị định 67, riêng trong năm nay tỉnh Bình Định sẽ đóng mới 200 tàu cá khai thác, tàu dịch vụ hậu cần. Do đó, chúng tôi vẫn triển khai với tinh thần đảm bảo có lợi và an toàn cho ngư dân” - ông Hổ nói.
Tuy nhiên, theo ông Hổ, vướng mắc lớn nhất hiện nay vẫn là chưa có giá chuẩn cho các mẫu tàu vỏ thép. “Giá dự toán do các cơ sở đóng tàu đưa ra vẫn quá cao, có mẫu tàu dự toán đến 20 tỉ đồng. Trong khi hiện nay vẫn chưa có cơ quan thẩm định giá độc lập để xác định giá trị thực của con tàu. Đây vẫn là điều chúng tôi lo nhất cho bà con ngư dân. Trước mắt, chúng tôi đã làm việc, đề nghị với các ngân hàng thẩm định kỹ giá để giúp bà con ngư dân vay đúng giá trị, ngăn chặn tình trạng các cơ sở đóng tàu đẩy giá” - ông Hổ nói.
Theo PLTP