Đó là ý kiến của ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Hội nghề cá TP Đà Nẵng xoay quanh những vấn đề liên quan đến con tàu cá vỏ thép. VietTimes đã phỏng vấn ông về vấn đề này.
- Nghị định 67 của Chính phủ khuyến khích ngư dân đóng tàu cá vỏ thép. Nhưng khi áp dụng thì đã có trường hợp ngư dân đưa tàu về lại nơi sản xuất, ông đánh giá như thế nào về điều này ?
Nghị định 67 ra đời có ý đồ rất tốt là tạo cho ngư dân có điều kiện đóng tàu vỏ thép và những loại tàu có công suất lớn... vươn khơi. Tuy nhiên, Nghị định tốt, nhưng chủ trương đóng tàu cá vỏ thép đưa ra khá vội vàng vì chưa được tham khảo ý kiến ngư dân, lại có những áp đặt nhất định của cơ quan quản lý nhà nước. Thậm chí có sự áp đặt mang ý đồ riêng để phát triển một ngành, một bộ phận của nhà nước... mà chưa thực sự nghĩ đến ngư dân.
- Cụ thể thì thế nào là vội vàng, có ý đồ riêng, chưa thực sự nghĩ đến ngư dân...thưa ông ?
Tôi nói chẳng hạn là để có thể thụ hưởng tối đa chính sách hỗ trợ, ngư dân phải tuân thủ và chọn đóng tàu vỏ thép mới nhận được mức hỗ trợ tối đa. Đối với tàu sử dụng vật liệu vỏ khác lại không được hưởng như vậy.
Tiếp đến việc tàu vỏ thép phải đóng theo mẫu nhà nước mới được hỗ trợ, đó là một quy định thiển cận ấu trĩ. Trong khi đó, mẫu tàu do Bộ NN và PTNT đưa ra hoàn toàn không phù hợp do không có kinh nghiệm của ngư dân và đã bất tín nhiệm ngay sau đó.
Tình trạng ngư dân trả lại tàu là một thực tế chứng minh cho việc mẫu tàu nhà nước đóng đưa vào khai thác là không phù hợp.
Vì sự không phù hợp này mà ngư dân đã bắt đầu đóng tàu theo mẫu của họ, theo ý của họ. Vừa mới đây thôi, khi ngư dân Đà Nẵng hạ thủy con tàu theo mẫu của họ đưa ra đã minh chứng cho xu hướng này.
- Tức là, theo ông, nên để cho ngư dân tự đóng tàu theo mẫu của họ ?
Khi việc này diễn ra, đã có ý kiến cho rằng, nên để ngư dân tự đóng tàu theo ý của họ, vì đó là tiền của họ đi vay, họ có toàn quyền quyết định đóng mẫu tàu như thế nào.
Nhưng theo tôi, cả 2 ý kiến đóng tàu theo mẫu của Nhà nước hay đóng theo ý của ngư dân là không đúng.
- Vậy không đúng ở điểm nào thưa ông? Khi mẫu Nhà nước không đạt yêu cầu của ngư dân, thì việc họ đưa kinh nghiệm của mình vào con tàu cùng với đơn vị thiết kế để tự đóng là hợp lý chứ?
Không đúng bởi việc áp đặt đóng theo mẫu tàu của nhà nước thì đã quá rõ. Còn ý kiến đề cho ngư dân toàn quyền thì cũng không được, vì ngư dân chúng ta chưa có kinh nghiệm về con tàu vỏ thép.
Không được hiểu tàu vỏ thép là tàu gỗ có thân vỏ sử dụng chất liệu bằng thép. Mà tàu thép hoàn toàn khác cả về công năng, tính năng, tỷ trọng, công suất, mớn nước...so với tàu gỗ
Bên cạnh đó, con tàu sắt to không phải là con tàu có kích thước lớn, được phóng đại to lên. Mà con tàu to là con tàu vận hành đòi hỏi đầy đủ kiến thức, tư duy, trình độ về hàng hải, tính chuyên nghiệp vận hành tàu, công nghệ đánh bắt, kiến thức về vật lý; hải trình....ngoài kiến thức về đánh cá.
Thực tế là ngư dân chúng ta chưa có đầy đủ những kiến thức, kinh nghiệm ấy.
Những vụ việc xâm hại lãnh hải, bị bắt bớ, hủy tàu của ngư dân Việt đã diễn ra. Nên việc để ngư dân tự đóng tàu chỉ là nếu không hiệu quả thì ngư dân không có cớ để đổ lỗi, không có cớ để trả lại vì đó là mẫu do chính họ tự chọn và tự đóng. Điều này rất nguy hiểm, vì nó sẽ gây nên lãng phí rất lớn.
Và với con tàu họ đóng, khi ra khơi có thỏa mãn nhu cầu của họ hay không thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố cũng như hiệu quả của việc đánh bắt trên biển cũng vậy.
Như vậy với những gì đang diễn ra, nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tiếp tục trả giá cho việc đóng tàu vỏ thép theo hướng thừa kinh nghiệm nhưng thiếu tri thức, sau khi đã trả giá cho sự sáng tạo thừa tri thức, nhưng lại thiếu kinh nghiệm.
- Nếu như vậy thì chúng ta nên bắt đầu từ đâu thưa ông?
Chúng ta cần phải hiểu rằng, nghề cá phải đi từng bước. Đi từ thủ công lên cơ giới hóa, rồi từ cơ giới hóa lên hiện đại hóa. Qua các bước ấy, nó đòi hỏi rất nhiều vấn đề liên quan, đi lên cho phù hợp chứ không phải đơn thuần là con tàu. Vì con tàu chỉ là phương tiện để ra biển mà thôi. Chúng ta còn có lưới, còn có công nghệ đánh bắt, công nghệ bảo quản,...
Phải hiểu rằng, tàu lớn thì đi theo phải là công nghệ hiện đại. Nó đòi hỏi phải có công nghệ đánh bắt đồng bộ và phù hợp từ tàu như thế nào, lưới ra sao, đánh bắt bằng công nghệ gì, rồi bí quyết công nghệ trong đánh bắt,...
Chúng ta cũng cần có sự hợp tác với nước ngoài trong đánh bắt. Bởi vùng đánh bắt cá của ngư dân chúng ta trước đây đã được các nước có nghề cá phát triển khai thác và họ dừng lại sau khi Công ước Luật biển (UNCLOS) có hiệu lực.
Họ rất am hiểu về ngư trường, về công nghệ đánh bắt, nên chăng các công ty Việt Nam, nghiệp đoàn nghề cá hợp tác với các công ty nước ngoài có kinh nghiệm này. Chúng ta có thể mua công nghệ, mua tàu, mua lưới và cùng họ đánh bắt, chuyển giao công nghệ đánh bắt.
Sau đó là cổ phần hóa, dần chuyển lại cho ngư dân bằng những chính sách hỗ trợ phù hợp. Khi đó chúng ta mới có được đội tàu cá hùng mạnh. Và khi đó có, nếu chúng ta sáng tạo cho phù hợp hơn với đặc điểm của ngư dân chúng ta thì vẫn chưa muộn.
- Như ông chia sẻ, vấn đề không phải ở con tàu đóng bằng chất liệu gì, mà là tư duy, tư duy về công nghệ nghề cá, chứ không nên nhất nhất là tàu cá vỏ thép?
Đúng vậy, nên có chính sách hỗ trợ mang tính tổng thể và tư duy chiến lược dài hơi. Không phải chỉ con tàu không thôi, mà phải có tư duy mang tầm chiến lược về phát triển nghề cá.
Hiện đại hóa nghề cá trên cơ sở du nhập công nghệ đánh bắt cá tiên tiến từ con tàu, lưới, công nghệ đánh bắt đến công nghệ bảo quản để có thể thu về giá trị kinh tế cao nhất. Chứ không phải đánh cho thật nhiều, nhưng hao hụt, kém phẩm chất sau khai thác...., đó là lãng phí.
Cái tư duy ấy phải vượt ra khỏi boong con tàu cá, vượt ra xa khỏi vùng biển của mình, mà phải đến cả những vùng biển quốc tế với việc hình thành những hạm đội tàu cá đủ lớn, đủ mạnh. Và hợp tác quốc tế trong khai thác hải sản, sao cho mang lại hiệu quả cao nhất, bên cạnh việc giữ vững chủ quyền.
Tại sao chúng ta không thể nâng cao trí thức cho ngư dân, bằng việc thành lập những trường đào tạo về khai thác có trình độ đại học, cao đẳng,...Không chỉ dừng ở hàng hải chỉ lái tàu viễn dương.
Tại sao chúng ta không có những hoạt động trình diễn, những triển lãm quốc tế về nghề cá,...như những triển lãm về công nghệ của các ngành công nghiệp khác. Rất cần nâng cao tư duy dài hơi cho nghề cá cả về nhân lực, vật lực hiện đại, bắt kịp với thế giới.
Sự thay đổi của kinh tế, chính trị thế giới buộc chúng ta phải thay đổi. Thay đổi như vậy chúng ta mới có nghiệp đoàn nghề cá tốt. Thay đổi như vậy chúng ta mới xem nghề cá như một ngành công nghiệp với đủ tri thức chứ không còn là ông nông dân ít học, học không được thì mới lao ra biển để kiếm sống, để sinh nhai với những kiến thức, tư duy bó hẹp loanh quanh mạn con tàu.
-Xin cảm ơn ông!