Đông Nam Á là giao điểm của các chiến lược nước lớn
BRI của Trung Quốc lấy Đông Nam Á làm địa bàn xuất phát, trong khi IPS do Mỹ dẫn dắt cũng lấy Đông Nam Á là địa bàn kết nối hướng triển khai từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương.
Như vậy, cùng với sự chuyển dịch quyền lực từ Tây sang Đông, khi châu Á - Thái Bình Dương trở thành trung tâm quyền lực và tăng trưởng của thế giới, Đông Nam Á trở thành trọng điểm tranh chấp chiến lược. Nhiều nước lớn của thế giới, tiêu biểu là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... đều điều chỉnh chính sách đối với châu Á - Thái Bình Dương và nhằm vào Đông Nam Á để tận dụng những cơ hội có được từ quá trình chuyển dịch. Thậm chí, ngay cả Nga và EU, dù không coi đây là ưu tiên đối ngoại, cũng dành cho khu vực nhiều nguồn lực hơn và cố gắng tham gia tích cực hơn vào các tiến trình khu vực.
Tùy thuộc vào lợi ích quốc gia và mục tiêu đối ngoại, chính sách của các nước lớn đối với châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có quan điểm về cấu trúc khu vực, được hoạch định, điều chỉnh theo những hướng khác nhau. Trung Quốc tuyên truyền, triển khai rộng rãi nhiều ý tưởng, sáng kiến và kêu gọi các nước trong khu vực xây dựng Cộng đồng Kinh tế Đông Á làm cơ sở, lấy quan hệ với ASEAN làm mô hình tiên phong. Trung Quốc ngày càng muốn thể hiện vai trò chủ động hơn nhằm dẫn dắt việc hình thành một cấu trúc khu vực dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc, đồng thời xác định vị trí, vai trò quan trọng của ASEAN.
Quan điểm của Mỹ về cấu trúc khu vực được thể hiện trong các phát biểu chính thức về IPS, trong đó nổi lên ba điểm chính: (i) Khẳng định rằng IPS không nhằm loại trừ một nước nào và Mỹ sẽ cùng các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương định hình vận mệnh chung; (ii) Ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, gồm ARF, ADMM+ và EAS...; (iii) Không phủ nhận vai trò của Trung Quốc, nhưng phê phán Trung Quốc đơn phương quân sự hóa Biển Đông, không tuân thủ luật pháp quốc tế và các cam kết cấp cao.
Các cường quốc khu vực khác cũng triển khai chiến lược riêng và lấy Đông Nam Á làm trọng điểm. Nhật Bản khởi xướng sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, triển khai chính sách trên hai mặt nhằm duy trì không gian đối ngoại cân đối: (i) Hỗ trợ tích cực cho Mỹ và các đồng minh trong việc triển khai IPS, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với ASEAN; (ii) Duy trì quan hệ với Trung Quốc, tránh đối đầu để không ảnh hưởng tới lợi ích an ninh và kinh tế.
Năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe trong nhiệm kỳ đầu của mình đã có bài phát biểu trước Nghị viện Ấn Độ về “sự hợp lưu của hai đại dương” như là “sự kết nối năng động của hai vùng biển tự do và thịnh vượng”.
Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi cho thấy: (i) Ấn Độ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, không tham gia BRI, cứng rắn trong sự kiện tranh chấp biên giới ở Doklam, nhưng cũng không muốn đổ vỡ quan hệ với Trung Quốc; (ii) Ấn Độ có lợi ích trong quan hệ với Mỹ nhưng cũng không muốn Mỹ trở thành lãnh đạo duy nhất. Do đó, Ấn Độ quan hệ chặt chẽ với Nga, mua vũ khí bất chấp cấm vận của Mỹ, quan hệ tốt với các nước ASEAN để duy trì cục diện có lợi cho mình.
Nga mặc dù có nhiều khó khăn do quan hệ với phương Tây đang ở mức thấp nhất từ sau Chiến tranh lạnh, nhưng Nga cũng không bỏ qua những lợi ích ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong các cuộc thảo luận với ASEAN, Nga nhấn mạnh chủ đề cấu trúc khu vực. Từ cuối năm 2017, việc xây dựng cấu trúc khu vực được Nga đề nghị đưa vào nội dung thảo luận thường xuyên tại EAS. Ngoài ra, Nga đã đề xuất một dự thảo Tài liệu khái niệm về cấu trúc khu vực, tuy còn sơ lược để các bên tham khảo: Nga chủ động thúc đẩy các cuộc thảo luận về cấu trúc khu vực tại nhiều diễn đàn kênh 1 và kênh 2, đưa chủ đề này thành một phần quan trọng của Cuộc họp quan chức cấp cao ASEAN - Nga.
Có thể nói, Đông Nam Á làtrung tâm, giao điểm đặc biệt quan trọng trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đồng nghĩa với việc quốc gia nào kiểm soát được Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông, sẽ có nhiều thuận lợi để kiểm soát cả châu Á cũng như toàn cầu.
Điểm xung yếu nhất tại Đông Nam Á là Tiểu vùng sông Mekong
Tại Tiểu vùng, Trung Quốc chiếm ưu thế lớn, tự do hành động thông qua các cơ chế hợp tác do Trung Quốc dẫn dắt mà không bị Mỹ và phương Tây cản trở. Nếu Trung Quốc thành công ở Tiểu vùng với tập hợp “Đàn sếu bay” thì Trung Quốc sẽ chi phối và kiểm soát được an ninh của từng nước Tiểu vùng; chia rẽ các nước thuộc Tiểu vùng với nhau, chia cắt giữa Đông Nam Á “lục địa” với Đông Nam Á “biển đảo”, giữa AM-5 với AS-5, đồng thời chặn đứng được hướng triển khai của IPS từ Ấn Độ tới Biển Đông.
Tiểu vùng sông Mekong là khu vực gắn chặt với 1/2 số thành viên ASEAN và là toàn bộ các nước Đông Nam Á “lục địa”. Tuy ít gây chú ý như vấn đề Biển Đông, song tranh chấp chiến lược nước lớn tại đây cũng đang diễn ra quyết liệt. Trung Quốc đã tận dụng lợi thế kề cận về địa lý để giành ưu thế chiến lược so với các nước lớn khác thông qua thiết lập và duy trì được ảnh hưởng đáng kể đối với nhiều nước trong nhóm AM-5.
Hợp tác Tiểu vùng nhìn chung dựa trên 11 cơ chế, bao gồm 4 cơ chế hợp tác của các nước trong Tiểu vùng (Ủy hội sông Mekong quốc tế, Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, hợp tác bốn nước Campuchia - Lào - Mianma - Việt Nam, Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyarwady - Chao Phraya - Mekong) và 7 cơ chế giữa các nước Tiểu vùng với bên ngoài (Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng), Hợp tác ASEAN phát triển lưu vực sông Mekong), Hợp tác Mekong - Ấn Độ, Hợp tác Mekong - Nhật Bản, Hợp tác Hạ nguồn sông Mekong, Hợp tác Mekong - Hàn Quốc, Hợp tác Mekong - Lan Thương), trong đó Trung Quốc tham gia 3 cơ chế; Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc mỗi nước tham gia một cơ chế.
Đến thời điểm này, cơ chế MLC do Trung Quốc khởi xướng và dẫn dắt đang phát triển nhanh và hiệu quả nhất, do sự chủ động, tích cực của Trung Quốc. Các cơ chế này vận động theo sự tính toán chính sách của từng nước, không có phối hợp, thậm chí triệt tiêu nhau do lợi ích khác nhau và cạnh tranh nhau, ví như kế hoạch xây dựng 9 dự án thủy điện lớn trên sông Mekong và hơn 120 dự án thủy điện trên các dòng nhánh tại Lào đến năm 2040 (phần lớn do nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện) sẽ gây ảnh hưởng lớn tới môi trường và nguồn thủy sản, đặc biệt là tại Việt Nam, nước ở cuối dòng sông Mekong.
Nhiều nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2017 chỉ ra rằng việc xây dựng 129 đập thủy điện trên dòng chính và các nhánh sông Mekong sẽ làm lượng phù sa cung cấp dưỡng chất cho nông nghiệp, ngư nghiệp và chất lượng nước giảm tới 97,1%, đồng thời là trở ngại khiến việc di cư của quần thể cá ở sông Mekong giảm 35 - 40% trong năm 2020 và giảm thêm tới 80% vào năm 2040. Điều này gây thiệt hại cho các nước khu vực, nhất là ngư nghiệp (Thái Lan 55%, Lào 50%, Campuchia 35%, Việt Nam 30%).
Cấu trúc an ninh khu vực mới với hai tập hợp chính là “Đàn sếu bay” đang nổi lên do Trung Quốc dẫn dắt và tập hợp do Mỹ dẫn đầu dựa trên cải thiện cấu trúc “Trục và Nan hoa” truyền thống, cùng các chiến lược, chính sách của các nước vừa và nhỏ tạo ra sự đan xen lợi ích, đa tầng nấc, làm cho môi trường an ninh khu vực biến đổi sâu rộng cả về hình thức, bản chất và phương thức xử lý các bất đồng, tranh chấp.
Chiến tranh quy mô lớn khó có thể diễn ra vì sự đan xen lợi ích, nhưng xung đột cục bộ luôn tiềm tàng, cơ bản xuất phát từ tham vọng nước lớn. Môi trường an ninh khu vực đó tác động đa chiều, trực diện đến lợi ích, an ninh quốc gia của Việt Nam cả chiều thuận - nghịch và tùy thuộc vào quan điểm, chính sách của nước ta.