Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã có cuộc gặp với Tổng thống quyền lực của Nga – ông Vladimir Putin ở thủ đô Moscow trong ngày hôm qua (8/4) khi ông này có chuyến thăm đến Nga. Chuyến thăm của Nhà lãnh đạo Hy Lạp đang thu hút sự chú ý cực lớn của dư luận thế giới và khiến Liên minh Châu Âu (EU) lo ngại về việcAthens sẽ tìm cách làm thân với Nga khi mà EU đang tìm cách cô lập nước này vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine .
Chuyến thăm hai ngày của Thủ tướng Tsipras diễn ra khi mà ông này đang chiến đấu nhằm khai thông khoản cứu trợ mà EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cam kết cung cấp cho Hy Lạp. Một số quan chức ở Brussels đã nhanh chóng lên tiếng cảnh báo Hy Lạp – một nước thành viên của EU, không được tìm cách đánh đổi sự ủng hộ về mặt chính trị cho Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine để lấy sự giúp đỡ về tài chính từ Moscow.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng, trong khi chuyến thăm của Thủ tướng Hy Lạp có thể chứng kiến việc Moscow dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với mặt hàng hoa quả của Hy Lạp thì nhìn về tổng thể chuyến thăm này mang tính chính trị nhằm gây sức ép với Châu Âu nhiều hơn là một dấu hiệu thể hiện sự thay đổi căn bản trong chính sách của Hy Lạp.
Ông Tsipras là một cựu thành viên của Đảng Cộng sản Hy Lạp vừa lên cầm quyền hồi tháng 1. Ông này không ngại ngần thể hiện mục tiêu muốn tìm kiếm một mối quan hệ gắn bó hơn với Nga vào thời điểm khi mà Moscow đang đối đầu gay gắt với Liên minh Châu Âu vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine .
Thủ tướng Hy Lạp – người đến thăm Moscow hồi năm ngoái trước khi đắc cử trong cuộc bầu cử vừa rồi - đã đến đặt vòng hoa ở Lăng mộ của những Chiến sĩ Vô danh gần điện Kremlin trước khi ông này có cuộc gặp với Tổng thống Putin.
Một số quan chức Hy Lạp đã công khai thảo luận về khả năng Athen quay sang tìm đến với Nga hoặc Trung Quốc để có được nguồn viện trợ tài chính cho đất nước đang gặp khó khăn của họ nếu các cuộc đàm phán về khoản vay giữa Hy Lạp với EU đổ vỡ.
Trước thềm chuyến thăm Nga, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã một lần nữa “đánh động” EU bằng những lời chỉ trích thẳng thừng và gay gắt về các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt lên Moscow, miêu tả đó là “một con đường chẳng đi đến đâu”.
"Chúng tôi không đồng ý với các biện pháp trừng phạt”, ông Tsipras đã nói như vậy với hãng tin Itar-Tass của Nga. "Tôi ủng hộ quan điểm cho rằng, cần phải có một cuộc đối thoại và các biện pháp ngoại giao. Chúng ta nên ngồi lại với nhau tại bàn đàm phán và tìm các giải pháp cho những vấn đề chính”.
Hy Lạp gắn bó với Nga, EU hốt hoảng
Cả Nga và Hy Lạp đang thảo luận với nhau về khả năng thiết lập những mối quan hệ kinh tế gắn bó hơn giữa hai quốc gia theo đạo Cơ đốc giáo chính thống này. Sau chuyến thăm đợt này, Thủ tướng Hy Lạp còn dự kiến đến thăm Moscow vào dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng Phát xít Đức trong cuộc chiến tranh thế giới thứ II vào tháng 5 tới.
Chủ đề nổi bật được hai nhà lãnh đạo Nga và Hy Lạp quan tâm là khí đốt sau khi bộ trưởng Năng lượng Hy Lạp Panagiotis Lafazanis thể hiện sự quan tâm đến dự án khai thác năng lược và hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới ở Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm hai ngày của ông này hồi tháng trước.
Nga được cho là có thể sẽ rút lại lệnh cấm vận hoa quả với Hy Lạp. Lệnh cấm vận này được Nga áp dụng rộng rãi với các nông phẩm của phương Tây nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Lệnh cấm vận hoa quả của Nga đã khiến ngành nông nghiệp của Hy Lạp tổn thất nặng nề.
Việc Hy Lạp liên tục công khai phản đối gay gắt các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga là điều khiến phương Tây thực sự lo ngại. Điều đó đã phơi bày rõ nét mâu thuẫn trong nội bộ Liên minh Châu Âu trong chính sách đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Hy Lạp không phải là nước đầu tiên cũng không phải là nước duy nhất trong Liên minh Châu Âu phản đối chính sách trừng phạt Nga. Tuy nhiên, Hy Lạp là một trong những nước sẵn sàng tìm thẳng đến Nga để hàn gắn quan hệ, bất chấp những lời cảnh báo của EU.
Sự kiện trên rõ ràng là một thắng lợi đối với chính quyền của Tổng thống Putin. Hy Lạp có thể sẽ là nước khuấy lên làn sóng phản đối chính sách trừng phạt Nga của EU – một chính sách lâu nay đã khiến nhiều nước thành viên EU bất bình.
Trên thực tế, ngay từ đầu, EU đã không hề muốn áp dụng chính sách trừng phạt đối với Nga bởi bản thân EU hiểu rất rõ, trừng phạt Nga chính là làm hại chính họ. Lý do là giữa Nga và EU có mối quan hệ gắn kết rất lớn về mặt kinh tế, thương mại, đầu tư và năng lượng. Điều này khác hẳn với mối quan hệ giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, dưới sức ép quá lớn từ siêu cường số 1 thế giới cũng là đồng minh hàng đầu của EU - Mỹ, Liên minh Châu Âu đã buộc phải ra tay với Nga. Đây là điều đã từng được một quan chức cấp cao của Mỹ thừa nhận.
Trong quá trình áp dụng chính sách trừng phạt Nga, mâu thuẫn trong nội bộ EU và giữa EU với Mỹ bắt đầu nổi lên và ngày càng lớn. Nguyên nhân là do sự ảnh hưởng của chính sách trừng phạt Nga lên mỗi nước thành viên EU và lên Mỹ là hoàn toàn khác nhau. Nhiều nước EU bị ảnh hưởng nặng nề hơn các nước khác và đáng chú ý hơn là Mỹ - nước chủ trì chính sách trừng phạt Nga, dường như lại chẳng bị hề hấn gì. Trong bối cảnh như vậy, những tiếng nói bất bình, phản đối đã nổi lên và đây là điều tất yếu.
Theo: VnMedia