Trong vài tháng qua, người Châu Âu để ý thấy thời gian đang trôi chậm hơn. Tất nhiên đây không phải là câu chuyện chỉ có trong phim ảnh mà đã xảy ra trong thực tế.
Tính từ tháng 1/2018 đến nay, tất cả đồng hồ điện tử được tích hợp trong lò nướng, lò vi sóng và máy pha cà phê đều đã chạy chậm đến 6 phút. Nguyên nhân hóa ra lại do một cuộc tranh chấp giữa Kosovo và Serbia về việc ai sẽ có trách nhiệm...trả tiền điện.
Nếu bạn chưa biết, các đồng hồ trong thiết bị điện tại nhiều gia đình sử dụng tần số điện để giữ mốc thời gian. Điện năng được chuyển tới các hộ gia đình dưới dạng dòng điện xoay chiều (AC) khi mà dòng điện chuyển qua lại nhiều lần trong một giây. Ở Châu Âu hay Việt Nam, tần số này quy định là 50Hz, có nghĩa là dòng điện xoay chiều khoảng 50 lần/giây. Tại Mỹ, con số này là 60Hz.
Từ những năm 1930, các nhà sản xuất đã khéo léo sử dụng tính năng này của dòng điện để điều chỉnh thời gian luôn chính xác. Mỗi đồng hồ cần một máy đo nhịp và dòng điện để duy trì sự chính xác khi vận hành các thiết bị như lò nướng hay máy pha cà phê, máy nướng bánh.
Tuy nhiên vì phương pháp này phụ thuộc quá nhiều vào tần số điện nên chỉ cần một thay đổi nhỏ về tần số, đồng hồ trên các thiết bị điện sẽ bị chậm ngay lập tức. Và đó chính xác là những gì đang xảy ra với nhiều hộ gia đình tại Châu Âu.
Theo ENTSO-E, cơ quan giám sát một mạng lưới điện lớn kết nối 25 quốc gia tại Châu Âu, sự thay đổi về tần số dòng điện xoay chiều đã gây ra sự mất cân bằng giữa cung và cầu trên lưới điện, đồng thời làm sai lệch đồng hồ.
Theo The Verge, nguyên nhân của tình trạng trên do tranh cãi liên quan đến vấn đề năng lượng giữa Serbia và Kosovo. Câu chuyện nổ ra sau khi Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008, trong khi đó, Serbia vẫn không công nhận Kosovo là một quốc gia có chủ quyền.
Hai bên đã xảy ra nhiều cuộc tranh cãi kéo dài về quyền sở hữu các tiện ích như viễn thông và cơ sở hạ tầng. Cả hai bên đã cùng ký thỏa thuận vào năm 2015 nhưng bốn quận ở phía bắc Kosovo do người Serbia chiếm đa số đã ngừng trả tiền điện cho phía chính phủ Kosovo.
Kosovo giải quyết tình trạng trên bằng cách thu tiền các quận còn lại. Nhưng vào cuối tháng 12/2017 khi đã thu đủ tiền, chính phủ quyết định dừng lại. Điều này dẫn tới sự mất cân bằng khi nhiều quận phía bắc Kosovo vẫn đang dùng điện thoải mái mà không trả tiền điện.
Lưới điện hoạt động trên cơ sở cân bằng cung cầu. Điều đó có nghĩa, các nhà sản xuất phải đảm bảo cân bằng giữa lượng điện tạo ra từ nhà máy và lượng tiêu thụ của các hộ gia đình và công ty.
Chính bởi vậy, sự mất cân bằng trong cung và cầu ở Kosovo đã khiến hệ thống lưới điện của hơn 25 quốc gia tại Châu Âu lâm vào khủng hoảng do mạng lưới điện năng ở Châu Âu được kết nối chung giữa nhiều nước.
Người phát ngôn của ENTSO-E, ông Susanne Nies khẳng định: "Đây là một tranh chấp hết sức nhạy cảm". Và rõ ràng để giải quyết khúc mắc này giữa hai bên là điều vô cùng phúc tạp.
Tranh chấp giữa hai bên đã bên chính phủ đã được dàn xếp thông qua một nghị quyết tạm thời. Chính phủ Kosovo đồng ý trả khoản phí 1 triệu Euro tiền điện cho các quận phía bắc, nơi đa số người Serbia sinh sống. Thủ tướng Kosovo, ông Ramush Haradinaj khẳng định, đây là quyết định tạm thời và sẽ cần một thỏa thuận mới để giải quyết tận gốc vấn đề.
Theo ông Nies, lưới điện tại Kosovo sẽ sớm cân bằng trở lại vì chính phủ đang nỗ lực sản xuất đủ điện cho dân chúng. Nhưng sẽ mất vài tuần để hệ thống điện ổn định và cân bằng trở lại. Trong thời gian này, người dân Châu Âu chắc chắn vẫn sẽ phải dựa vào đồng hồ cơ hay đồng hồ điện tử trên máy tính, smartphone.
Ngoài ra, người dân cũng được khuyến nghị không nên điều chỉnh đồng hồ vì thiết bị vẫn sẽ tiếp tục chạy chậm sau một thời gian.
Theo Báo Diễn đàn đầu tư