Say xỉn nặng nhưng vẫn lái xe là hành vi vi phạm bị xử phạt theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính và nghị định 171/2013/NĐ-CP. Muốn nâng mức phạt đối với hành vi này phải sửa nghị định 171 như một luật sư đã nói trên Tuổi Trẻ ngày 6-3 là đúng.
Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề cần đặt ra là dẫu có chế tài xử phạt nhưng vì sao việc các tài xế say xỉn lái xe vẫn không giảm?
Trước tiên, cần phải xem lại cả hệ thống lực lượng thi hành công vụ đã làm việc hết trách nhiệm chưa, có lơ là không, có tiêu cực không? Vấn đề đó chúng ta cần phải xem xét chứ không phải chỉ lo nâng cao mức xử phạt, lo đánh vào người dân.
Thứ hai, căn cứ vào tính chất mức độ hành vi, Luật xử lý vi phạm hành chính cho phép được tịch thu tang vật phương tiện vi phạm nếu có vi phạm nghiêm trọng. Vậy ta phải xem việc lái xe say xỉn đi vào đường cao tốc đã đến mức nghiêm trọng chưa?
Nếu nghiêm trọng thì giải pháp hiện có đã đủ để giảm tình trạng này chưa?
Theo tôi, việc đầu tiên cần làm là phải chấn chỉnh lực lượng công vụ. Tiếp đó chúng ta có thể quy định nâng mức xử phạt tiền, tịch thu phương tiện, tăng thời gian giữ phương tiện, tước bằng lái xe...
Tất cả biện pháp đó nếu thực hiện nghiêm chỉnh thì sẽ giảm được việc vi phạm. Chúng ta phải xốc lại toàn bộ hệ thống, không nên cứ thấy vi phạm không giảm thì xử phạt nặng, đó là biện pháp không hay.
Đụng đến quyền sở hữu của dân là vấn đề lớn, phải hết sức cẩn trọng, phải có cơ chế thực hiện rất nghiêm chuẩn. Nếu không sẽ dẫn đến khiếu kiện, tiêu cực và gây hậu quả ngược lại.
Vấn đề nữa, khi đụng đến tài sản là quyền sở hữu sẽ nảy sinh vấn đề tài sản đó là của ai. Ví dụ tôi mượn xe, khi xe bị tịch thu thì liên quan đến chủ xe, sẽ rất rắc rối.
Việc lái xe say xỉn đã đến mức tịch thu tài sản chưa, cần phải cân nhắc rất kỹ. Rồi máy móc đo nồng độ cồn đã chuẩn chưa, người đo có nghiêm túc chưa, quy định có chặt chẽ để thu hồi tài sản mà người dân tâm phục khẩu phục chưa? Vấn đề này là cả một hệ thống giải pháp.
Theo Tuổi trẻ