
Số người chết trong trận động đất lớn tấn công Myanmar và Thái Lan đã vượt quá 1.600 vào tối ngày 29/3, khi lực lượng cứu hộ đào bới đống đổ nát của các tòa nhà bị sập trong nỗ lực tuyệt vọng tìm kiếm người sống sót.
Trận động đất tâm chấn nông có cường độ 7,7 độ richter xảy ra ở phía tây bắc thành phố Sagaing ở miền Trung Myanmar vào đầu giờ chiều 28/3, sau đó vài phút là một trận dư chấn có cường độ 6,7 độ richter.
Trận động đất đã phá hủy nhiều tòa nhà, làm sập cầu và làm cong nhiều tuyến đường trên khắp Myanmar, trong đó chịu thiệt hại nặng nề nhất là Mandalay, thành phố lớn thứ hai của đất nước và là nơi sinh sống của hơn 1,7 triệu người.
"Chúng tôi cần viện trợ", Thar Aye, 68 tuổi, một cư dân Mandalay cho biết. "Chúng tôi không có đủ bất cứ thứ gì".
Theo thống kê được chính quyền quân sự Myanmar công bố vào cuối ngày 29/3, ít nhất 1.644 người đã thiệt mạng và gần 3.400 người bị thương ở Myanmar, trong khi có ít nhất 139 người mất tích. Khoảng 10 người nữa đã được xác nhận tử vong tại Bangkok.
Nhưng do việc thông tin liên lạc bị gián đoạn nghiêm trọng, quy mô thực sự của trận động đất này vẫn chưa dừng ở đây. Số người chết dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Tại Mandalay, các đội cứu hộ kéo một người phụ nữ còn sống ra khỏi đống đổ nát của một tòa nhà chung cư, nơi một viên chức Hội Chữ thập đỏ cho biết có hơn 90 người có thể bị mắc kẹt.
Sau nhiều giờ làm việc cật lực tại tòa nhà Sky Villa Condominium, trong đó một nửa trong số 12 tầng của tòa nhà đã bị san phẳng bởi trận động đất, Phyu Lay Khaing, 30 tuổi, đã được đưa ra ngoài và được khiêng bằng cáng đến bệnh viện. Một người phụ nữ khác tại tòa nhà chung cư này kém may mắn hơn. Cậu con trai 20 tuổi của cô, một nhân viên tại tòa nhà, vẫn đang mất tích.
"Chúng tôi vẫn chưa tìm thấy cháu. Tôi chỉ có đứa con này - tôi cảm thấy rất đau lòng", Min Min Khine, 56 tuổi, một đầu bếp tại tòa nhà, cho biết.
"Cháu ăn tại phòng ăn của tôi và rồi nói lời tạm biệt. Sau đó, cháu rời đi và trận động đất xảy ra. Nếu cháu ở cùng tôi, cháu có thể đã thoát chết như tôi", bà nói với AFP.
Ở những nơi khác tại Mandalay, rất nhiều người dân lựa chọn ngủ ngoài đường trong đêm 29/3 do lo sợ ngủ qua đêm trong những tòa nhà bị động đất phá hủy.

“Mọi thứ rung chuyển”
Theo các nhà địa chất, đây là trận động đất lớn nhất từng xảy ra ở Myanmar trong nhiều thập kỷ và các cơn dư chấn cũng đủ mạnh để gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tòa nhà trên khắp Bangkok, cách tâm chấn hàng trăm km.
Tại Mandalay, một ngôi chùa Phật giáo có niên đại hàng thế kỷ đã bị biến thành đống đổ nát.
"Nó bắt đầu rung chuyển, sau đó mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn", một người lính tại một trạm kiểm soát trên con đường bên ngoài ngôi chùa cho biết. "Tu viện cũng sụp đổ. Một nhà sư đã chết, một số người bị thương, chúng tôi đã kéo một số người ra và đưa họ đến bệnh viện".
Các nhân viên bảo vệ tại Sân bay Mandalay, nơi được cho là đã bị hư hại nghiêm trọng, đã từ chối tiếp nhận câu hỏi của các phóng viên.
"Nó đã đóng cửa từ hôm qua", một người nói. "Trần nhà sụp đổ nhưng không ai bị thương".
Việc sân bay bị hư hại sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực cứu trợ tại Myanmar bởi các dịch vụ cứu hộ và hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này đã bị tàn phá sau 4 năm nội chiến do cuộc đảo chính quân sự năm 2021 gây ra.
Chính quyền kêu gọi trợ giúp
Người đứng đầu chính quyền Myanmar, Min Aung Hlaing, đã đưa ra lời kêu gọi viện trợ quốc tế cực kỳ hiếm hoi trong hôm 28/3, cho thấy mức độ nghiêm trọng của thảm họa này. Các chính quyền quân sự trước đây ở Myanmar thường từ chối viện trợ nước ngoài, ngay cả sau những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng.
Quốc gia này đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên khắp 6 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau trận động đất, và tại một bệnh viện lớn ở thủ đô Naypyidaw, các nhân viên y tế đã buộc phải điều trị cho những người bị thương ở ngoài trời.
Các đề nghị hỗ trợ từ nước ngoài bắt đầu xuất hiện, trong đó Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết hỗ trợ cho Myanmar.
Một chuyến bay đầu tiên từ Ấn Độ chở theo bộ dụng cụ vệ sinh, chăn, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác đã hạ cánh xuống thủ đô thương mại Yangon trong hôm 29/3. Trung Quốc cho biết họ đã cử hơn 80 nhân viên cứu hộ đến Myanmar và cam kết viện trợ nhân đạo khẩn cấp trị giá 13,8 triệu USD.
Các cơ quan viện trợ đã cảnh báo rằng Myanmar chưa được chuẩn bị để đối phó với một thảm họa có quy mô như trận động đất vừa qua. Khoảng 3,5 triệu người đã phải di dời do cuộc nội chiến đang hoành hành, nhiều người có nguy cơ chết đói, ngay cả trước khi trận động đất xảy ra.
Pháp và Liên minh châu Âu (EU) cũng đề nghị hỗ trợ, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đang huy động các nguồn lực cứu trợ.
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết trong một bài đăng trên Facebook hôm 28/3 rằng chính phủ "sẵn sàng mở rộng hỗ trợ".
Trong hôm 29/3, một nhóm gồm 80 thành viên từ Lực lượng Phòng vệ Dân sự Singapore bao gồm các thành viên Đội Cứu hộ và Hỗ trợ Thảm họa tinh nhuệ, bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên gia tìm kiếm có chó nghiệp vụ, chuyên gia về vật liệu nguy hiểm và nhân viên hỗ trợ đã lên đường đến Myanmar.
Đội ngũ này mang theo một loạt thiết bị tìm kiếm và cứu hộ đô thị di động bao gồm thiết bị cắt, phá và nâng, thiết bị phát hiện sự sống và ống ngắm sợi quang.
Hội Chữ thập đỏ Singapore cũng đã cam kết tài trợ ban đầu 150.000 đô la Singapore (111.850 USD) để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ ở cả Myanmar và Thái Lan, và sẽ phát động lời kêu gọi gây quỹ công khai.

Thái Lan: tòa nhà 30 tầng sụp đổ
Bên kia biên giới, tại Bangkok, lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục làm việc trong hôm 29/3 để tìm kiếm những người sống sót bị mắc kẹt khi một tòa nhà chọc trời 30 tầng đang được xây dựng bị sập.
Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt nói với các phóng viên rằng 8 người đã được xác nhận đã chết trong vụ sập tòa nhà tính đến thời điểm này, trong khi ít nhất 8 người khác đã được giải cứu. Ông cho biết vẫn còn 79 người mất tích tại tòa nhà, ở gần chợ cuối tuần Chatuchak, nơi thu hút khách du lịch.
"Tôi không thể diễn tả được cảm giác của mình - mọi chuyện xảy ra trong chớp mắt", công nhân xây dựng Khin Aung, người đã thoát khỏi vụ sập, cho biết. "Tất cả bạn bè và anh trai tôi đều ở trong tòa nhà khi nó sụp đổ. Tôi không có lời nào để nói".
Thống đốc thành phố trước đó đã nói với AFP rằng khoảng 10 người đã được xác nhận đã thiệt mạng trên khắp Bangkok, hầu hết là trong vụ sập tòa nhà này.
Chó nghiệp vụ và máy bay không người lái chụp ảnh nhiệt đã được triển khai để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trong đống đổ nát, ông Chadchart cho biết vị trí của khoảng 30 người có thể được xác định bằng radar.
Chính quyền thành phố Bangkok cho biết họ sẽ triển khai hơn 100 kỹ sư để kiểm tra độ an toàn của các tòa nhà sau khi nhận được hơn 2.000 báo cáo về thiệt hại.

Động đất ở Myanmar: 1.007 người chết, 2.389 mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị phá huỷ

Tại sao động đất ở Myanmar, Thái Lan gây ra thiệt hại thảm khốc, giới khoa học nói gì?

Động đất khiến 694 người chết, 1.670 người bị thương ở Myanmar
Theo AFP, CNA