Trong khó khăn, chính quyền và người dân tìm ra nhiều mô hình, biện pháp mới để “cứu khát” cây trồng, vật nuôi, cho người.
1m3 nước tưới giá 150.000 đồng
Mặn tấn công làm hàng ngàn hộ dân xã An Thủy (huyện Ba Tri, Bến Tre) đang khát nước ngọt trầm trọng. Chị Thái Thị Pha (ở ấp 5, xã An Thủy) cho biết gia đình có 7 nhân khẩu, ngay từ trước Tết Nguyên đán phải mua nước ngọt sử dụng cho đến nay. “Cứ cách khoảng 10 ngày là tôi phải mua 1,3m3 nước ngọt, với giá 70.000 đồng, dự trữ trong bồn để phục vụ nấu ăn và sinh hoạt. Bao nhiêu đó phải xài tiết kiệm lắm mới duy trì tới 10 ngày” - chị Pha nói.
Gần 300 hộ dân ở xã An Thủy đang sử dụng nguồn nước từ Nhà máy nước Biên Phòng Hàm Luông nhưng hiện nay nước của nhà máy trên cũng bị nhiễm mặn, không thể sử dụng trong nấu ăn, buộc lòng người dân phải mua nước ngọt với giá đắt đỏ. Mỗi khối nước ngọt được chở đến tận nhà, người dân phải trả với giá từ 45-80 ngàn đồng. Gia đình chị Pha cũng như hàng ngàn hộ dân trong xã phải sử dụng nước máy nhiễm mặn để tắm giặt, tắm xong mới “tráng” lại bằng nước ngọt.
Tại Cồn Hố (xã An Thủy), giữa cái nắng nóng oi bức, gió thốc vào mũi hừng hực, nắng hạn khiến các khe nước đều khô cạn, trơ đáy. Trên cồn, cánh đồng 120ha trồng dưa hấu đang giai đoạn phát triển trở nên héo hon chờ chực nước tưới. Do khoảng 2 tháng qua không có giọt nước ngọt nào để tưới ruộng dưa, hàng chục nông dân buộc “bấm bụng” đổi nước với giá cao (từ 100-150 ngàn đồng/m3) để “cứu khát” cho ruộng dưa.
Những ngày này, dọc các con đường ở một số xã ven biển huyện Ba Tri, hàng chục chuyến xe máy cày ngược xuôi khắp thôn xóm, chở theo đầy ắp những thùng phuy chứa ngước ngọt đi bán cho các hộ dân trong vùng. Ông Đặng Tấn Công - Chủ tịch UBND xã An Thủy - cho biết, hầu như gần 100% người dân trong xã đều bị thiếu nước ngọt sinh hoạt. “Từ lâu vấn đề mặn vào mùa khô hằng năm đã là vấn đề nan giải của địa phương nhưng thực tế hiện nay tình hình mặn xâm nhập nặng, khiến người dân địa phương vốn đã khó thì nay lại càng khó hơn” - ông Công nói.
2kg rơm có giá bằng 1kg lúa
Vụ đông xuân này, toàn tỉnh Bến Tre xuống giống 14.759ha, đến nay đã thiệt hại hơn 13.845ha. Nghiêm trọng hơn, các trà lúa còn lại đang ngậm sữa, nếu xâm nhập mặn cứ diễn ra như thế này, lúa sẽ không trổ được, nông dân sẽ mất trắng. Lúa chết, bị hư hại đã dẫn đến tình trạng các hộ chăn nuôi không có rơm để cho bò ăn, trong khi tỉnh này có lượng đàn bò lớn nhất vùng ĐBSCL với khoảng 200.000 con.
Cứ sau mỗi vụ lúa, bà con thường tận dụng nguồn phụ phẩm như rơm rạ cùng với lá cây, cỏ… để làm thức ăn cho bò. Tuy nhiên, do đợt hạn mặn khốc liệt năm nay, nguồn rơm đã cạn kiệt cùng với cảnh lúa chết. Nông dân Lý Văn Năm (huyện Ba Tri) cho biết: Gia đình ông làm lúa với diện tích gần 1ha, mỗi năm 3 vụ. Riêng vụ đông xuân năm nay, toàn bộ lúa đã mất trắng nên không có rơm cho đàn bò ăn (10 con). Những ngày qua, gia đình ông phải mua rơm cuộn từ nơi khác về với giá cao và phải đi kiếm thêm một số phụ phẩm khác mang về, nhưng cũng không đủ cho bò ăn.
Theo tính toán của các nông hộ, trung bình mỗi ngày 1 con bò ăn hết 1 bó rơm cuộn (khoảng 14kg), hiện 2kg rơm có giá gần bằng 1kg lúa. Do lúa chết, nhiều nông hộ đã lâm vào cảnh túng quẫn nay lại phải gồng mình gánh thêm chi phí lo cho đàn bò. Ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - cho biết: Tỉnh đang rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng rơm cho bò ăn. Chỉ riêng tổng đàn bò của huyện Ba Tri là 150.000 con. Người dân phải lên líp trồng cỏ bù đắp số rơm thiếu hụt và phải mua rơm về từ Đồng Tháp với giá rất cao. Bến Tre đã phải bán bớt đàn bò, bình quân mỗi con bò người nông dân mất đi 10 triệu đồng.
Cứu khát cho lúa
Vụ lúa đông xuân này, chỉ riêng huyện Tân Trụ (tỉnh Long An) đã xuống giống hơn 5.000ha. Hầu hết diện tích lúa đang bị hạn - mặn tấn công, trong đó trên 500ha đứng trước nguy cơ mất trắng. Các huyện khác như Thủ Thừa, Bến Lức, Cần Đước cũng có diện tích lúa đông xuân bị hạn mặn tấn công, nhưng ít hơn.
Lãnh đạo tỉnh và ngành NNPTNT tỉnh cùng các địa phương đang tích cực tìm biện pháp cứu lúa. Biện pháp khá hiệu quả đã được thực hiện là nương theo triều cường, cho xả 3 cống Bảo Định, Rạch Chanh và Bắc Đông ra sông Vàm Cỏ Tây để lấy nước ngọt từ sông Tiền đẩy lùi nước mặn ra biển, cứu lúa. Tranh thủ lúc triều kém, các địa phương có lúa bị khô nước đã hứng dòng nước ngọt quý giá nói trên giúp các diện tích lúa cầm cự. Những cánh đồng lúa tưởng như mất trắng giờ đang xanh trở lại.
Nông dân Nguyễn Văn Liêm (ấp Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) phấn khởi nói: “Cứ tưởng vụ này mất trắng. Nhờ chính quyền và ngành NNPTNT có biện pháp hữu hiệu, lúa đã được tiếp nước, bà con rất phấn khởi”. Không riêng cây lúa, việc “tiếp nước” cũng tiếp sức cho diện tích hoa màu, đàn gia súc tại chỗ.
Theo Lao động