Donald Trump còn có những khó khăn gì trước khi vào Nhà Trắng?

VietTimes -- Nhiều vấn đề còn tồn tại buộc ông Donald Trump phải giải quyết như quản lý tài sản gia đình sau khi lên làm Tổng thống, tuyển dụng hơn 4.000 chức vụ tại Nhà Trắng, khả năng cho phép người nhà làm quan chức Nhà Trắng.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cùng con gái và con rể. Ảnh: Daily Mail
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cùng con gái và con rể. Ảnh: Daily Mail

Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 21/11 cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chỉ còn có 60 ngày nữa là vào làm ông chủ của Nhà Trắng. Trước khi trở thành Tổng thống Donald Trump, tỷ phú này đã bắt đầu bận rộn.

Quản lý tài sản gia đình

Về tài sản, ông Donald Trump từng cho biết gia đình ông sở hữu trên 10 tỷ USD. Nhưng, tạp chí Forbes tháng 9/2015 công bố danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ, ông Donald Trump đứng thứ 121 với 4,5 tỷ USD.

Nhiều ít không quan trọng, nhưng quan trọng là các bất động sản, tài sản, khách sạn, sân golf của ông Donald Trump sẽ được quản lý như thế nào sau khi ông làm Tổng thống?

Tờ Daily Mail Anh cho hay sau tranh cử, luật sư của ông Donald Trump cho biết tài sản của ông Donald Trump sẽ lựa chọn sử dụng phương thức "ủy thác kín" (blind trust) để xử lý, người quản lý có thể là 3 con cái của ông Donald Trump.

Phương thức ủy thác nêu trên thực chất là người sở hữu tài sản vừa không biết những tài sản này được quản lý như thế nào, vừa không có cơ hội tham gia quản lý. Ông Donald Trump chỉ có thể thu lợi từ các tài sản mà thôi.

Tòa nhà Trump ở New York
Tòa nhà Trump ở New York

Đối với vấn đề này, nhà nghiên cứu Lưu Vệ Đông, Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng mặc dù liên bang có luật quy định nhân viên công vụ tránh xung đột lợi ích, nhưng những bộ luật này đều không áp dụng được cho nguyên thủ quốc gia.

"Ủy thác kín" là một cách làm thông thường. Trên thực tế, "ủy thác kín" không phải là một từ mới ở Mỹ. Tạp chí Fortune thống kê cho biết từ ông Bill Clinton đến George Bush, rồi đến Barack Obama, hầu như mỗi ứng cử viên Tổng thống đều có ít nhất một "ủy thác kín" ở một thời điểm nào đó.

Năm 2003, ông Mitt Romney, người từng tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ, đã trúng cử Thống đốc bang Massachusetts, ông đã lập "ủy thác kín" cho mình và vợ.

Đối với vấn đề này, gần đây, ông Rudy Juliani, cố vấn cấp cao của ông Donald Trump cho hay: "Thu lại tài sản từ ba người con của ông ấy để giao cho người khác quản lý là không thực tế, cũng không công bằng. Bởi vì, luật pháp nhà nước phản đối chủ nghĩa thân quen. Nếu không cho phép họ kế thừa sự nghiệp của bố thì có nghĩa là để họ thất nghiệp".

Nhưng, tờ Daily Mail Anh cho rằng "ủy thác kín" thường là ủy thác cho những người chuyên nghiệp xử lý, chứ không phải là thành viên gia đình. Chỉ có như vậy mới có thể đạt được mục đích tránh xung đột lợi ích.

Tờ Daily Mail còn dẫn lời chuyên gia đưa ra một lo ngại khác: "Gia đình ông Donald Trump cần cảnh giác với việc chính phủ các nước và các nhóm lợi ích liên quan thông qua phương thức làm ăn để lôi kéo quan hệ với vị Tổng thống Mỹ này, chẳng hạn vào ở khách sạn của ngài Tổng thống.

Điều này xem ra là không có gì, chẳng hạn dành một hợp đồng ưu đãi cho Tập đoàn thương mại Trump ở đất nước của mình".

Lựa chọn 4.000 chức vụ

Vài ngày trước, thông báo tuyển dụng đăng trên trang chính thức của ông Donald Trump (http://www.greatagain.gov) đã thu hút sự chú ý của dư luận, hơn 4.000 chức vụ cấp cao để trống chỗ.

Ngày 19/11/2016, Tổng thống đắc cử Donald Trump gặp ông Willard Mitt Romney, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Đảng Cộng hòa năm 2012.
Ngày 19/11/2016, Tổng thống đắc cử Donald Trump gặp ông Willard Mitt Romney, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Đảng Cộng hòa năm 2012.

Tuy nhiên, hơn 4.000 cương vị này hoàn toàn không phải là do ông Donald Trump đưa ra, "thông báo tuyển dụng" này thực ra được đưa ra từ ngày 6/11/2016, khi đó ông Donald Trump còn là ứng cử viên Tổng thống.

Trên thực tế, việc tuyển dụng nhiều chức vụ thực ra là một "môn bắt buộc" của mỗi lần thay đổi chính phủ khóa mới.

Trong hệ thống chính phủ Mỹ, có bộ phận nhỏ nhân viên công chức do Tổng thống, Phó Tổng thống hoặc người đứng đầu các bộ ngành đề cử, bổ nhiệm. Những người này vừa không trải qua bầu cử, vừa không được đề bạt từ hệ thống cạnh tranh lựa chọn nhân viên công vụ.

Vì vậy những người này được gọi chung là "nhân viên công chức được bổ nhiệm chính trị" (Political Appointee). Cách làm này cũng là một thông lệ quan trọng trong chế độ chính trị Mỹ.

Hơn 4.000 cương vị trong chính quyền nói trên bao gồm:

Thứ nhất, cấp PAS, do Tổng thống đề cử và cần được Thượng viện thông qua, có khoảng 1.212 chức vụ.

Cấp quan chức này là "phái thực quyền" trong Chính phủ Mỹ, chủ yếu bao gồm các Bộ trưởng, Thứ trưởng các bộ lớn, Đại sứ Mỹ tại các nước, lãnh đạo các cơ quan lớn.

Thứ hai, cấp PA là cấp cần được Tổng thống đề cử, không cần Thượng viện thông qua. Có 353 chức vụ loại này cần được Tổng thống duyệt, bao gồm quan chức Nhà Trắng, người đứng đầu các cơ quan nhỏ và đứng thứ hai của một số bộ, ủy ban. Chẳng hạn Chánh Văn phòng Nhà Trắng, Thư ký báo chí Tổng thống.

Thứ ba, cấp NA, có 680 quan chức hành chính cấp cao không thuộc chế độ cả đời. Loại quan chức này làm việc cho các quan chức cấp cao (được Tổng thống xét duyệt). Các quan chức cấp NA là quan chức cấp cao xử lý các vấn đề cụ thể trong Chính phủ Mỹ.

Thứ tư, cấp SC, có 1.403 chức vụ bí mật. Loại chức vụ này có tính bí mật nhất định, bao gồm các nhân viên lập kế hoạch, cố vấn bí mật, chuyên gia chính sách v.v...

Nhà nghiên cứu Lưu Vệ Đông, Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng hơn 4.000 chức vụ có thể thay đổi, nhưng không có nghĩa là những người trên cương vị cũ sẽ không làm nữa.

4.000 cương vị này chủ yếu là thay thế một số chức vụ hành chính cấp cao, chẳng hạn các bộ trưởng. Trên thực tế, trong 4.000 chức vụ, phần nhiều hơn là chức vụ cấp trung bình, ở Mỹ được gọi là "công chức chuyên môn".

Mỗi khi có Chính phủ mới, thực ra không cần thiết phải thay thế người giữ các cương vị này với quy mô lớn. Bởi vì, rất nhiều trong số họ là các chuyên gia, những người làm công tác chuyên nghiệp.

Họ có tính chuyên nghiệp rất cao, hơn nữa họ cơ bản không thuộc đảng phái cố định. Nếu tuyển những người mới thì không có kinh phí và thời gian.

Jared Kushner, con rể ông Donald Trump. Ảnh: CNN
Jared Kushner, con rể ông Donald Trump. Ảnh: CNN

Người nhà giữ các chức vụ quan trọng có được phép?

Theo tờ Nhật báo Phố Wall, một nguồn tin hiểu rõ tình hình giai đoạn chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiết lộ, con rể ông Donald Trump là Jared Kushner có thể giữ một chức vụ cấp cao ở Nhà Trắng.

Tài liệu cho biết, Jared Kushner 35 tuổi, là CEO của công ty bất động sản của gia đình và là nhà xuất bản tờ "Nhà quan sát New York", được biết tới là "thần đồng thương mại". Ông Jared Kushner đã lấy Ivanka Trump.

Gần đây, tờ Washington Post còn cho biết, vợ trước của ông Donald Trump muốn đề nghị chồng cũ là Donald Trump cho phép bà làm Đại sứ Mỹ tại Czech.

Được biết, năm 1967, Quốc hội Mỹ từng thông qua một đạo luật chống quan hệ thân quen, cấm Tổng thống bổ nhiệm người nhà làm công chức trong các cơ quan hoặc bộ ngành chính phủ do mình giám sát, quản lý.

Theo luật, con rể của ông Donald Trump cũng thuộc phạm vi người thân. Nhà nghiên cứu Lưu Vệ Đông cho rằng con rể ông Donald Trump nếu làm Chánh văn phòng Nhà Trắng, chỉ hỗ trợ cho các hoạt động hàng ngày của Tổng thống, không phải là quan chức Chính phủ chính thức. Như vậy, không cần sự phê chuẩn của Thượng viện, Tổng thống có thể tự quyết định.

Căn cứ vào hơn 4.000 cương vị trên cho thấy con rể ông Donald Trump nhậm chức thuộc cấp độ PA nói trên, chỉ cần Tổng thống đề cử, không cần trình để các thượng nghị sĩ phê chuẩn.

Trong khi đó, chức Đại sứ Mỹ tại Czech mà người vợ trước của ông Donald Trump muốn làm thuộc cấp PAS, cần được ông Donald Trump đề cử và được Thượng viện thông qua.

Như vậy, có thể thấy rõ, người vợ trước của ông Donald Trump nếu muốn được toại nguyện thì không thể thiếu việc đề cử và được Thượng viện thông qua. Tức là, trước tiên, bà vợ trước này phải được ông Donald Trump đề cử.

Trong khi đó, hiện nay, căn cứ vào kết quả bầu cử trước đó, Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện. Vì vậy nếu bà vợ trước của ông Donald Trump được đề cử, thì bà không phải không có cơ hội. Nhưng vấn đề quan trọng hàng đầu là bà này có bị ràng buộc bởi bộ luật chống quan hệ thân quen hay không.

Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng bất kể bổ nhiệm nhân sự như thế nào, các cử tri sẽ đặc biệt chú ý xem những người này có thực sự đủ tiêu chuẩn và năng lực hay không.