Dọn rác viễn thông, bảo vệ người dùng: Kẻ dửng dưng, người tích cực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong 5 tháng qua, đã có hàng triệu cuộc gọi giả mạo, hàng chục nghìn thuê bao bị xử lý vì phát tán cuộc gọi rác. Tuy vậy, đâu đó vẫn có sự thiếu quyết tâm vào cuộc của chính các nhà mạng Việt Nam.

Hơn 34 triệu cuộc gọi lừa đảo nhằm vào người dùng Việt Nam

Thời gian gần đây, Bộ TT&TT đã liên tục có những động thái cho thấy sự quyết liệt xử lý các loại rác viễn thông, trong đó có tin nhắn rác, cuộc gọi rác và thư điện tử rác.

Điều này đã được thể hiện cụ thể bằng việc tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 15/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT, giao dịch điện tử và Nghị định 91/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chống tin nhắn rác , thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Đây là những hành lang pháp lý quan trọng giúp hình thành nên các chế tài để xử lý dứt điểm tình trạng rác viễn thông.

Bộ TT&TT đang tích cực đôn đốc các nhà mạng xử lý tình trạng rác viễn thông. Ảnh: Trọng Đạt
Bộ TT&TT đang tích cực đôn đốc các nhà mạng xử lý tình trạng rác viễn thông. Ảnh: Trọng Đạt

Bên cạnh đó, kể từ tháng 7/2020 đến nay, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã liên tục đốc thúc các nhà mạng sử dụng biện pháp kỹ thuật để tiến hành chặn lọc cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.

Theo thống kê của Cục Viễn thông, trong tháng 11/2020, các nhà mạng đã ngăn chặn tổng cộng 20.235 thuê bao phát tán cuộc gọi rác. Nếu tính từ tháng 7/2020, đã có 72.539 thuê bao bị chặn vì phát cuộc gọi quấy nhiễu người dùng.

Tất cả các thuê bao thực hiện hành vi phát tán cuộc gọi rác sẽ bị xử lý bằng cách khóa chiều gọi đi đối với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng.

Thống kê về số thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị xử lý trong tháng 11 theo từng nhà mạng.
Thống kê về số thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị xử lý trong tháng 11 theo từng nhà mạng.

Đối với các gọi giả mạo, lừa đảo, trong tháng 11/2020, các nhà mạng trong nước đã ngăn chặn thành công tổng cộng 3,7 triệu lượt cuộc gọi. Trong đó, Viettel chặn hơn 2,6 triệu cuộc gọi giả mạo, hơn 1 triệu cuộc gọi giả mạo còn lại được chia đều cho MobiFone và VNPT.

Đây là những cuộc gọi giả mạo số, dải số của các cơ quan chức năng như công an, viện kiểm sát, ngân hàng,… gọi đến điện thoại cố định, di động của người dân để lừa đảo, hù dọa nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tổng số cuộc gọi giả mạo bị các nhà mạng ngăn chặn trong khoảng thời gian từ tháng 7 - tháng 11/2020.
Tổng số cuộc gọi giả mạo bị các nhà mạng ngăn chặn trong khoảng thời gian từ tháng 7 - tháng 11/2020.

Với những người trong nghề, các cuộc gọi từ những đầu số giả mạo có thể dễ dàng nhận ra bởi chúng có cấu trúc số giả mạo. Tuy vậy, với người dùng phổ thông, phần lớn người dân không nắm được điều này. Do vậy, rất nhiều người đã dính vào bẫy lừa đảo bởi những kẻ mạo danh cơ quan thực thi pháp luật.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Cục Viễn thông đã có công văn gửi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông yêu cầu triển khai những biện pháp truyền thông và kỹ thuật nhằm hạn chế tình trạng giả mạo số điện thoại để lừa đảo. Kết quả là trong 6 tháng qua, đã có tổng cộng 34,3 triệu lượt cuộc gọi giả mạo bị các nhà mạng tiến hành ngăn chặn.

Nhà mạng bảo vệ người dùng: Kẻ dửng dưng, người tích cực

Có một thông số đáng chú ý khi nhìn vào số liệu của Cục Viễn thông. Theo đó, tỷ lệ ngăn chặn cuộc gọi rác, bảo vệ quyền lợi người dùng giữa các doanh nghiệp viễn thông có mức chênh lệch đáng kể.

Thống kê về tỷ lệ chặn cuộc gọi rác tháng 11 cho thấy, trong tổng số 20.235 bị xử lý, 86% các trường hợp này được xử lý bởi 2 nhà mạng là Viettel và VNPT. Trong khi đó, số thuê bao bị xử lý của cả 3 nhà mạng MobiFone, Vietnamobile và I Telecom chỉ chiếm 14%.

Cụ thể, trong tháng 11, I Telecom đã chặn 1.362 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, chiếm 6,7% số thuê bao bị xử lý của tất cả các nhà mạng. Với MobiFone và Vietnamobile, tỷ lệ này chỉ chiếm 5,9% và 0,7%.

Tỷ lệ chặn thuê bao phát tán cuộc gọi rác của các nhà mạng trong tháng 11/2020.
Tỷ lệ chặn thuê bao phát tán cuộc gọi rác của các nhà mạng trong tháng 11/2020.

Đáng chú ý khi tình trạng trên không chỉ diễn ra trong tháng 11 mà đã tồn tại suốt 5 tháng qua. Đặc biệt là trường hợp của MobiFone khi tỷ lệ chặn thuê bao phát tán cuộc gọi rác của nhà mạng này chưa khi nào vượt quá 6% dù chiếm tới 20,85% thị phần viễn thông di động. Với Vietnamobile, từng tuyên bố nắm 3% thị trường di động, việc xử lý rác viễn thông của nhà mạng này chỉ chiếm vỏn vẹn 0,7%.

Thống kê về các trường hợp phát tán cuộc gọi rác bị xử lý từ tháng 7 - tháng 11/2020. Nhìn vào đây, có thể thấy sự thiếu đồng đều về việc tham gia xử lý rác viễn thông của các nhà mạng. Một vài nhà mạng có tỷ lệ thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị chặn thấp hơn nhiều lần so với thị phần của họ trên thị trường.
Thống kê về các trường hợp phát tán cuộc gọi rác bị xử lý từ tháng 7 - tháng 11/2020. Nhìn vào đây, có thể thấy sự thiếu đồng đều về việc tham gia xử lý rác viễn thông của các nhà mạng. Một vài nhà mạng có tỷ lệ thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị chặn thấp hơn nhiều lần so với thị phần của họ trên thị trường.

Những số liệu này cho thấy, phải chăng có sự thiếu quyết liệt và không đồng đều giữa các doanh nghiệp viễn thông trong việc chấp hành các hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ TT&TT.

Xử lý tình trạng rác viễn thông, trong đó có tin nhắn rác, cuộc gọi rác và thư điện tử rác là chủ trương đúng đắn nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng di động.

Nên chăng, các nhà mạng cần có sự chủ động, quyết liệt và mạnh tay hơn nữa đối với những kẻ lừa đảo, những thuê bao phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác để bảo vệ chính khách hàng của mình. Đây chính là thứ vũ khí quan trọng để các nhà mạng giữ chân người dùng trong cuộc chiến “chuyển mạng giữ số".

Theo Vietnamnet