Doji Group: Doanh thu 1,6 tỷ đô, lợi nhuận 16 tỷ đồng

Các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh vàng, trang sức đều có doanh thu lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng; tuy vậy lợi nhuận tạo ra là không đáng kể.

Những năm trước đây, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, trang sức tại Việt Nam khá lớn và điều này đã khiến thị trường vàng có phần hỗn độn, tình trạng vàng không đủ tuổi, không đạt tiêu chuẩn diễn ra tương đối phổ biến. Khi đó, người mua vàng thường phải “mua đâu bán đó” nếu không muốn bị ép giá.

Tuy vậy, việc siết chặt quản lý thị trường vàng, chỉ cấp phép kinh doanh vàng miếng cho một số doanh nghiệp nhất định hay siết chặt điều kiện kinh doanh vàng trang sức của NHNN từ năm 2012 đã giúp thị trường dần trở nên ổn định hơn.

Cùng với đó, việc “quy hoạch” lại thị trường vàng đã khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ, không đủ tiêu chuẩn khó có đất diễn và điều này khiến thị phần ngày càng tập trung vào các ông lớn như SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, Vàng Agribank (AJC)….

Theo báo cáo KQKD năm 2014, DOJI là doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất toàn ngành vàng bạc, trang sức với 35.630 tỷ đồng, tương đương 1,6 tỷ USD - lớn hơn cả SJC (16.000 tỷ) và PNJ (9.200 tỷ) cộng lại. Đây chỉ là số liệu của riêng công ty mẹ DOJI, chưa bao gồm các công ty con.

Lợi nhuận mỏng

Mặc dù ngành kinh doanh vàng có doanh thu rất lớn, tuy vậy lợi nhuận tạo ra là không đáng kể. Tỷ suất lợi nhuận gộp của ngành, đặc biệt mảng kinh doanh vàng miếng thường chỉ trong khoảng 0,1%- 0,5%.

Với tỷ suất lợi nhuận 0,1% tương đương với việc bán ra 1 lượng vàng 35 triệu đồng, các doanh nghiệp chỉ có lãi khoảng 35.000 đồng. Để có được 1 tỷ đồng lãi thì doanh số phải đạt 2.000 tỷ đồng.

Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều đang thâm nhập sâu hơn vào thị trường vàng trang sức, kim cương - những sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn rất nhiều.

Rõ nét nhất là trường hợp của PNJ, tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2014 của doanh nghiệp này lên tới 9,7% trong khi của SJC là 0,7% hay Doji chỉ đạt 0,4%.

Nhờ việc đầu tư mạnh hơn vào các mảng đem lại lợi nhuận cao như trang sức cao cấp, giảm dần tỷ trọng kinh doanh vàng miếng đã giúp PNJ đạt tỷ suất lợi nhuận cao hơn hẳn so với các đối thủ cùng ngành.

Năm 2014, doanh thu PNJ dù đạt khá thấp so với các đối thủ như SJC hay DOJI nhưng lại là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất toàn ngành với 256 tỷ đồng.

SJC “lao đao” cùng giá vàng

Sau giai đoạn bùng nổ mạnh từ đầu những năm 2000 và tạo đỉnh 1.900 USD/ounce vào cuối năm 2011, giá vàng đã có đợt lao dốc mạnh và hiện dao động quanh ngưỡng 1.200 USD/ounce.

Giá vàng thế giới "lao dốc" sau khi tạo đỉnh năm 2011

Việc giá vàng thế giới giảm mạnh đã khiến giao dịch vàng miếng trong nước không còn quá sôi động như trước. Cùng với đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước cũng như quốc tế dần thu hẹp khiến các doanh nghiệp kinh doanh vàng, đặc biệt vàng miếng như SJC ảnh hưởng nặng nề.

Trong 4 năm gần đây, doanh thu SJC liên tục sụt giảm từ mức 111 nghìn tỷ đồng năm 2011 thì đến năm 2014 chỉ còn hơn 16 nghìn tỷ đồng bởi ảnh hưởng từ thị trường vàng miếng.

Trái ngược lại, các doanh nghiệp có tỷ trọng kinh doanh vàng trang sức lớn như PNJ, DOJI vẫn ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu trong những năm qua dù giá vàng thế giới vẫn trong xu hướng giảm giá.

Doanh thu của Doji hiện lớn hơn nhiều so với SJC và PNJ cộng lại

Tỷ suất lợi nhuận từ kinh doanh vàng miếng khá thấp cùng với thị trường vàng những năm qua đã dần “hạ nhiệt” khiến không ít doanh nghiệp như PNJ, DOJI dịch chuyển tỷ trọng sang vàng nữ trang- mảng kinh doanh được đánh giá hấp dẫn hơn rất nhiều so với kinh doanh vàng miếng.

Theo Trí thức trẻ