Đối thoại Shangri-La 2017 tập trung vào chống khủng bố khu vực

VietTimes -- Các đoàn tham gia Đối thoại Shangri - La đều có chung nhận định rằng, hiện nay, nguy cơ khủng bố đang gia tăng mạnh trong khu vực Đông Nam Á. Phối hợp hành động trong cuộc chiến chống khủng bố trở thành một phương hướng hợp tác an ninh quan trọng trong thời gian tới ở châu Á - Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen tại Đối thoại Shangri-La 2017. Ảnh: Today Online
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen tại Đối thoại Shangri-La 2017. Ảnh: Today Online

Tân Hoa xã (Trung Quốc) ngày 4/6 cho biết Đối thoại Shangri-La 2017 được tổ chức ở Singapore từ ngày 2 - 4/6/2017. Vấn đề làm thế nào để ứng phó với mối đe dọa khủng bố đã trở thành tiêu điểm của hội nghị lần này. Đồng thời, sự phát triển của công nghệ mới đã tạo ra thách thức mới cho lĩnh vực an ninh phi truyền thống, trở thành tâm điểm chú ý của các nhà hoạch định chính sách an ninh khu vực.

Sau vài ngày thảo luận, các bên đã đưa ra “phương thuốc” cho việc ứng phó với các mối đe dọa an ninh của châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm: hoàn thiện cơ chế an ninh, cùng chia sẻ tin tức tình báo liên quan đến khủng bố, ngăn chặn tuyên truyền mạng của tư tưởng cực đoan, nỗ lực ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố “bám rễ” vào châu Á - Thái Bình Dương.

Ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố “bám rễ” ở khu vực

Trước khi khai mạc Đối thoại Shangri-La 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho rằng hiện nay một số nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang bị chủ nghĩa khủng bố đe dọa và phá hoại. Đối với an ninh khu vực, chống khủng bố đã trở thành vấn đề chính hiện nay, là một trong những trọng điểm thảo luận của Đối thoại Shangri-La 2017.

Hiện tượng một số thành viên tổ chức khủng bố vượt qua biên giới, tuyên truyền tư tưởng cực đoan xuyên biên giới, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực đã đặc biệt gây quan ngại cho các đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La 2017.

Trong bài phát biểu chính, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull chỉ ra, mạng truyền bá của các tổ chức cực đoan mang tính quốc tế, tức là các nỗ lực ứng phó phải dựa vào sự phối hợp giữa các nước, bao gồm chia sẻ tin tức tình báo.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tại Đối thoại Shangri-La 2017. Ảnh: ABC
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tại Đối thoại Shangri-La 2017. Ảnh: ABC

Ông cho rằng các cuộc tấn công khủng bố ở thủ đô Jakarta (Indonesia) và đảo Mindanao (Philippines) đã cho thấy tính cấp bách của ứng phó mối đe dọa khủng bố tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các nước cần ngăn chặn các phần tử khủng bố đến từ khu vực xung đột, xâm nhập vào châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời tìm cách tấn công các phần tử khủng bố hiện hữu.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng cho rằng vụ tấn công khủng bố gần đây ở Philippines cho thấy, các phần tử vũ trang của tổ chức cực đoan "Nhà nước Hồi giáo" (IS) đã xâm nhập khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thậm chí tìm cách "bám rễ" ở đây. Ông nhắc nhở các bên phải nhanh chóng triển khai hành động, tránh để tình hình xấu đi.

Theo người đứng đầu Viện nghiên cứu Longus (Singapore), đối với Đông Nam Á, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan đã trở thành vấn đề an ninh lớn nhất, không ít các nước Đông Nam Á như Singapore đều ý thức được mối đe dọa an ninh từ chủ nghĩa khủng bố là vấn đề an ninh hàng đầu ở Đông Nam Á.

Hợp tác xây dựng năng lực chống khủng bố ở khu vực

Hiện nay, chống khủng bố đã trở thành nội dung quan trọng của hợp tác an ninh song phương và đa phương. Trong thời gian diễn ra Đối thoại Shangri-La lần này, các quan chức cấp Bộ trưởng quốc phòng, lãnh đạo quân đội và học giả đã tập trung vào bàn luận về hợp tác tấn công chủ nghĩa khủng bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne nhấn mạnh, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần tăng cường xây dựng năng lực chống khủng bố, lấy các diễn đàn đối thoại của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác làm nền tảng, tăng cường vai trò của cơ chế an ninh khu vực trong chống khủng bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne tại Đối thoại Shangri-La 2017. Ảnh: The Straits Times
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne tại Đối thoại Shangri-La 2017. Ảnh: The Straits Times

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết, ngoài tiến hành tấn công kiên quyết đối với chủ nghĩa khủng bố, các nước cần giành chiến thắng về quan niệm, đánh tan mọi luận điệu do các tổ chức cực đoan cổ súy, tuyên truyền.

Nhà nghiên cứu cao cấp Ei Sun OH từ Viện nghiên cứu quốc tế, Đại học kỹ thuật Nanyang, Singapore cho rằng trong tình hình bảo đảm an ninh quốc gia của các bên, làm thế nào để thực hiện chia sẻ tin tức tình báo về khủng bố là phương hướng nỗ lực của hợp tác an ninh thời gian tới giữa các nước Đông Nam Á.

Ông Ei Sun OH cho rằng hiện nay chủ nghĩa khủng bố có đặc điểm "phân mảnh", làm cho "chi phí" chống khủng bố ngày càng cao. Nếu kết hợp nỗ lực chống khủng bố của các nước với nhau thì sẽ nâng cao hiệu suất chống khủng bố khu vực.

Tấn công mạng trở thành vấn đề mới

Sự phát triển của công nghệ mới làm cho lĩnh vực an ninh phi truyền thống nhất là tấn công mạng trở thành trung tâm thảo luận của các nước châu Á - Thái Bình Dương tại Đối thoại Shangri-La lần này.

Một số tổ chức lợi dụng mạng Internet tuyên truyền tư tưởng cực đoan, tuyển mộ nhân viên vũ trang, phát động tấn công mạng, không ít quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cũng là người bị hại của tấn công mạng quy mô lớn toàn cầu.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho rằng công nghệ thông tin mạng tạo ra thách thức cho chính phủ các nước phải bảo đảm an ninh đối với lợi ích của nước mình, làm bộc lộ khâu yếu của chính phủ các nước trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein tại Đối thoại Shangri-La 2017. Ảnh: The Straits Times
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein tại Đối thoại Shangri-La 2017. Ảnh: The Straits Times

Cố vấn an ninh quốc gia Myanmar cho rằng sự phát triển của công nghệ hiện đại và phổ cập của mạng xã hội cũng làm cho thông tin giả xâm hại lợi ích của người dân, tạo ra tội phạm mạng.

Về cách thức ứng phó với các tác động của phát triển công nghệ mới đối với an ninh phi truyền thống, Chu Khải Siêu - Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chiến lược quân sự và an ninh quốc gia, Đại học khoa học kỹ thuật quốc phòng Trung Quốc cho rằng, các nước lớn quân sự và các cường quốc công nghệ cần có trách nhiệm, tăng cường chia sẻ tin tức, đánh giá những thách thức an ninh từ việc phổ biến lĩnh vực Internet of Things như tin tặc tấn công. Đồng thời, sử dụng ưu thế công nghệ mới cho các lĩnh vực như dự báo thảm họa, tấn công tội phạm xuyên quốc gia và cứu trợ nhân đạo.