Việc Nga đưa quân vào Syria để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad có lẽ là bước đi đầu tiên nhằm tái thiết ảnh hưởng của Mátxcơva đối với toàn bộ Trung Đông. Nga cũng đang tìm kiếm cách can thiệp vào Libya, đất nước bị tàn phá bởi cuộc xung đột và đến nay vẫn thiếu một chính phủ làm việc hiệu quả sau khi nhà lãnh đạo Muammar Qaddafi bị lật đổ vào năm 2011.
Vào thời điểm đó ông Putin- Thủ tướng nước Nga- đã trách Tổng thống Nga lúc bấy giờ là Dmitry Medvedev vì không sử dụng quyền phủ quyết của Mátxcơva để ngăn cản nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc buộc tội Qaddafi sử dụng không lực để đàn áp cuộc nổi dậy chống lại chế độ. Phán quyết này đã cho phép áp đặt vùng cấm bay ở Libya và theo đó là sự can thiệp quân sự của phương Tây lật đổ Qaddafi.
Vào năm 2012, ông Putin đã quay lại làm Tổng thống. Kể từ đó, Nga mạnh mẽ lên án sự can thiệp của phương Tây vào Libya là hành vi gây mất ổn định và kích động chủ nghĩa khủng bố ở đây, trong khi đó Nga cũng cố tìm cách tái thiết lập một chỗ đứng ở quốc gia giàu dầu mỏ này.
Đáng chú ý là Mátxcơva đã và đang phát triển quan hệ với tướng Khalifa Haftar - lãnh tụ quyền lực nhất ở miền đông Libya và được Ai Cập hỗ trợ. Tướng Haftar, chỉ huy Quân đội quốc gia Libya (LNA) và một cựu công dân Mỹ đã sống lưu vong ở Libya gần 20 năm và đã hai lần thăm Mátxcơva. Tháng 1/2016, ông đã được mời lên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga ở ngoài khơi Libya.
Tàu sân bay Kuznetsov lúc đó đang trên đường trở lại căn cứ ở biển Barent để sửa chữa sau chuyến đi sang tham chiến ở Syria. Trên con tàu này, ông Haftar đã có một cuộc hội đàm qua video với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu về vệc “phối hợp chiến đấu chống các nhóm khủng bố quốc tế ở Trung Đông.”
Sau đó, Mátxcơva đã bác bỏ thông tin cho rằng Nga nhất trí cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự trị giá lên đến 2 tỷ USD cho LNA. Nga không chỉ liên hệ với tướng Haftar mà còn liên hệ với chính phủ thống nhất quốc gia được Liên hợp quốc công nhận ở Tripoli và đã kêu gọi thành lập một mặt trận chung chống IS và các lực lượng thánh chiến ở Libya.
Tuy nhiên đối với Nga, kết thúc đẹp nhất vẫn là một nước Libya ổn định, cai trị bởi một nhà lãnh đạothế tục, người sẵn sàng thực hiện các thỏa thuận mua bán vũ khí lớn và hợp tác kỹ thuật, tăng cường lợi ích của Nga và cung cấp các căn cứ quân sự cho Nga ở Libya. Và rõ ràng tướng Haftar mới là lựa chọn của Mátxcơva chứ không phải là chính phủ Tripoli.
Vào tháng 3/2017, có báo cáo cho rằng có 22 lính đặc nhiệm Nga trang bị cả “máy bay không người lái" đã được phát hiện ở biên giới Libya, tại căn cứ không quân Sidi Barrani của Ai Cập, gần thành trì chính của Haftar - thành phố cảng Tobruk. Việc triển khai lực lượng đặc biệt của Nga trên biên giới Libya có thể được là giai đoạn đầu tiên trong cam kết ủng hộ Haftar của Mátxcơva.
Điện Kremlin và Bộ Quốc phòng đã ngay lập tức bác bỏ mọi thông tin về sự hiện diện quân sự của Nga tại Sidi Barrani hoặc bất cứ nơi nào trong khu vực do Haftar kiểm soát. Nhưng ông Oleg Krinitsyn, tổng giám đốc của công ty quân sự Nga RSB-Group, trả lời các nhà báo Nga rằng các nhân viên của ông gần đây đã rà phá bom mìn ở Benghazi, khu vực do tướng Haftar kiểm soát. Hoạt động này diễn ra theo một hợp đồng chính thức nhưng không liên quan đến chiến sự.
Được biết các hoạt động quân sự tư nhân là hoàn toàn bất hợp pháp ở Nga và việc thuê mướn lính đánh thuê còn bị coi là một trọng tội. Dù RSB-Group đăng ký kinh doanh là một công ty an ninh nhưng đối với các nhiệm vụ ở nước ngoài, công ty này cũng đăng ký một công ty ở quần đảo Virgin, Anh. Theo Tổng giám đốc RSB-Group, công ty này có thể dễ dàng huy động 2.000 lính nếu phía khách hàng sẵn sàng chi trả.
Mỹ-NATO luôn cho rằng việc thuê mướn các công ty quân sự tư nhân (ở Nga là Chastnye Voennie Companiy (ChVK) đã trở thành phương thức hoạt động của các hoạt động quân sự Nga ở nước ngoài. Phương Tây cáo buộc các tình nguyện viên quân đội nhanh chóng được tổ chức và đưa đến Crimea vào tháng 3/2014 để hỗ trợ lực lượng đặc biệt của Nga sáp nhập bán đảo. Mỹ và NATO cũng tố cáo các tổ chức tình nguyện được triển khai để chiến đấu ở Donbas- khu vực ly khai của Ukraine – để bác bỏ mọi sự liên quan của chính phủ Nga.
Theo Hiến pháp Nga, mọi hoạt động triển khai chiến đấu ở nước ngoài của binh lính Nga đều phải được Hội đồng liên bang thông qua. Chủ tịch Ủy ban quốc phòng của Hội đồng Liên bang, ông Victor Ozerov tuyên bố báo giới rằng: “Chúng tôi không cử lực lượng đặc biệt ở Libya hay Ai Cập. ChVks đang và sẽ luôn là các công ty bất hợp pháp ở Nga. Nếu các công ty này đăng ký ở nước ngoài, Nga cũng không phải chịu trách nhiệm pháp lý nào cả".
Một công ty ChVks mang tên “Vagner” đã từng tham gia chiến đấu tại Donbas và được cho là cũng liên quan lớn đến cuộc chiến ủng hộ tổng thống Assad ở Syria. Không giống các công ty tư nhân của phương Tây, các công ty được thuê mướn hợp pháp và chủ yếu tham gia vào các nhiệm vụ phụ trợ, đảm bảo an ninh, hậu cần và tiến hành huấn luyện, lính tình nguyện ở Nga là lực lượng chiến đấu chính, được trang bị vũ khí hạng nặng và thậm chí là cả xe bọc thép.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng lực lượng này không chỉ giúp Kremlin thoát được trách nhiệm pháp lý mà còn giúp làm giảm con số thương vong trên giấy tờ của Nga. Tính đến tháng 3, con số lính thương vong của Nga ở Syria kể từ tháng 9/2015 mới là 28 người, nhưng thực tế số lính tình nguyện thiệt mạng có thể cao hơn nhiều.
Theo phương Tây, lính tình nguyện của công ty Vagner được huấn luyện ở các căn cứ cho lực lượng đặc biệt, và ở Syria, họ lại hoạt động theo sự chỉ huy của các sĩ quan lực lượng đặc biệt. Theo báo cáo, có ít nhất 2.500 lính chiến đấu Vagner ở Syria. Họ được trả 80.000 rúp/ tháng trong thời gian huấn luyện ở Nga và được trả cao gấp ba khi tham gia chiến đấu ở Syria.
Theo nguồn tin tình báo, con số thương vong của lính tình nguyện ở Donbass và Syria được giữ bí mật.