|
Mới đây NHNN công bố quyết định mua lại Ngân hàng Xây dựng với giá 0 đồng và thông báo sẽ tiếp tục xem xét mua lại các ngân hàng yếu kém khác. Nhiều chuyên gia cho rằng việc mua một ngân hàng với giá 0 đồng thực chất là quốc hữu hóa và gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Bài viết này tác giả đưa ra nhằm điểm lại các biện pháp và cách thức Chính phủ Mỹ đã thực hiện để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, và qua đó chỉ ra những nét tương đồng với Việt nam. Để từ đó, đánh giá biện pháp quốc hữu hóa các ngân hàng yếu kém trong tổng thể các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính Việt nam.
Quốc hữu hóa tổ chức tài chính có nguy cơ phá sản trong tòa cảnh đối phó với khủng hoảng tài chính tại Mỹ
Được châm ngòi bởi khủng hoảng tín dụng bất động sản, từ cuối năm 2007 đến 2009, hệ thống tài chính ngân hàng Mỹ chứng kiến cuộc khủng hoảng với quy mô lớn chưa từng có. Bắt đầu từ việc bong bóng bất động sản lên đỉnh điểm và vỡ năm 2005, thị trường tài chính Mỹ dần rơi vào khủng hoảng thanh khoản. Đến quý 3 năm 2007, một số tổ chức tín dụng phải nộp đơn phá sản. Niềm tin nhà đầu tư vào hệ thống tài chính giảm sút nhanh chóng, giá cổ phiếu ngân hàng và các tổ chức tài chính giảm mạnh, người dân mất niềm tin và phản ứng tự vệ bằng cách nhanh chóng rút tiền tiết kiệm khỏi hệ thống ngân hàng làm cho hệ thống ngân hàng thiếu thanh khoản trầm trọng. Ngay lập tức, Chính phủ Mỹ đã phải can thiệp trực tiếp đến hệ thống tài chính bằng những chính sách quyết liệt vừa mang tính hệ thống, vừa mang tính cá biệt với từng tổ chức tài chính.
Thứ nhất, chính phủ ban hành các chính sách tác động đến toàn bộ hệ thống tài chính nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Biện pháp này được ví như phương pháp cấp cứu khẩn cấp, tiếp máu cho người đang bị mất máu cấp. Theo đó, từ quý 3/2007, FED liên tục bơm tiền vào nền kinh tế thông qua việc hạ lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng và nghiệp vụ thị trường mở nhằm tăng tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Trong chưa đầy 8 tháng từ quý 3/2007 đến đầu quý 2/2008, FED 6 lần hạ lãi vay liên ngân hàng từ 5.25% xuống còn 2% và thậm chí xuống còn 0.25% vào tháng 12/2008. Đồng thời FED mua lại trái phiếu chính phủ, hạ lãi suất chiết khấu và bơm tiền bằng cách cho các tổ chức tín dụng đấu giá các khoản vay ngắn hạn.
Thứ hai, chính phủ ra các chính sách mang tính riêng biệt, tác động trực tiếp lên từng ngân hàng cụ thể. Biện pháp này được xem là phương pháp cầm máu lâu dài và tiến tới khắc phục nguyên nhân gây chảy máu. Theo đó,
• Chính phủ đứng ra bảo đảm và cam kết hỗ trợ thanh khoản cho những ngân hàng lâm vào tình trạng khó khăn, có nguy cơ mất thanh khoản cao. Những động thái này sẽ giúp ổn định niềm tin, ngăn chặn việc khủng hoảng thanh khoản theo dây truyền.
• Sau đó, khi ngân hàng đã ổn định và tạm thời qua giai đoạn có khả năng phá sản do thiếu thanh khoản, vấn đề thanh khoản không còn là lo ngại hàng đầu mà thay vào đó là khủng hoảng nợ. Với các ngân hàng yếu kém, không có khả năng trả nợ đến hạn và có nguy cơ phá sản, Chính phủ thực hiện tái cấu trúc các ngân hàng này bằng cách:
- Giúp các ngân hàng yếu kém tìm kiếm đối tác để thực hiện sáp nhập. Điều kiện để thành công thường là chính phủ phải đứng ra xử lý các khoản nợ xấu và đứng ra bảo lãnh (nếu có thua lỗ trong tương lai) sau khi các ngân hàng mạnh chịu đứng ra sáp nhập ngân hàng yếu kém. Ví dụ như tháng 3/2008, FED đã phải hỗ trợ 30 tỷ USD cho thương vụ JP Morgan Chase mua lại Bear Stearns để giúp Bear Stearns tránh được kết cục phá sản.
- Quốc hữu hóa những ngân hàng không có khả năng sáp nhập. Theo đó, để đổi lại việc được cấp vốn để thoát khỏi phá sản, các ngân hàng yếu kém phải hi sinh quyền sở hữu của mình. Nói một cách khác, các tổ chức tín dụng yếu kém sẽ bị quốc hữu hóa để đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống. Tháng 9/2008, hai tập đoàn chiếm một nửa thị trường tín dụng thế chấp bất động sản Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac được chính phủ Mỹ tiếp quản để tránh sụp đổ. Cũng trong tháng này Fed chi 85 tỷ USD để cứu hãng bảo hiểm khổng lồ AIG khỏi nguy cơ phá sản. Theo cách này, các tổ chức tín dụng được chính phủ bơm vốn để duy trì hoạt động, nắm quyền kiểm soát và thực hiện tái cấu trúc và thanh lý các khoản nợ.
Như vậy, nếu nhìn trên khía cạnh an toàn hệ thống, quốc hữu hóa các tổ chức tín dụng yếu kém được thực hiện như một phần quan trọng trong việc đối phó với khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, phương pháp này được xem là tốn kém nhất đối với chính phủ, yêu cầu nguồn lực rất lớn từ ngân sách. Trước hết chính phủ phải dùng tiền ngân sách để xóa nợ, làm sạch báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng và giúp tổ chức tín dụng thoát khỏi nguy cơ phá sản. Hơn thế nữa, chính phủ cần phải xây dựng một quỹ vốn để thực hiện tái cấu trúc các khoản nợ, tái cấu trúc hoạt động và từng bước đưa tổ chức tín dụng đang có nguy cơ phá sản trở lại hoạt động với mục tiêu sinh lợi. So với các phương pháp khác, việc quốc hữu hóa tổ chức tín dụng có nguy cơ sụp đổ là vô cùng tốn kém và thường chỉ được áp dụng với các tập đoàn được coi là quá lớn để có thể cho phép phá sản (too big to fail).
Mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng và những đặc thù của Việt nam
Nếu khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 được coi là một cơn sóng thần, tàn phá nặng nề cho các nền kinh tế thế giới thì Việt nam được xem như một hòn đảo nhỏ nằm tương đối xa tâm chấn. Tuy nhiên, khi sóng thần lan tới thị trường tài chính Việt nam thì mặc dù đã bị suy yếu nhưng đã gây những tổn thất to lớn và lâu dài cho một hệ thống tài chính nhỏ bé nhưng vốn đã mang nhiều vấn đề nội tại.
Giai đoạn từ năm 2008 – 2011 có thể được xem là giai đoạn khủng hoảng thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt nam. Bước vào năm 2008, cuộc đua lãi suất bắt đầu, lãi suất qua đêm liên ngân hàng liên tục tăng chóng mặt với các kỷ lục 20%, 25% và đỉnh điểm là mức chào 27%/năm. Các ngân hàng đặc biệt là các ngân hàng nhỏ phải gồng mình tham gia cuộc đua để đảm bảo thanh khoản. Ngay lập tức, NHNN ra tay can thiệp. Chính sách tiền tệ thắt chặt được áp dụng kể cả các biện pháp hành chính như áp trần lãi suất vay và cho vay. Những chính sách này đã bộc lộ tác dụng phụ không mong muốn.
Năm 2009 là năm “đường cong lãi suất” trở thành “đường thẳng” ở gần hết các kỳ hạn. Điều này thể hiện nghịch lý, các ngân hàng không khuyến khích người dân gửi tiền tại các kỳ hạn dài. Và vì lãi suất ở các kỳ hạn và tại các ngân hàng khác nhau là gần như bằng nhau, tiền gửi ở các ngân hàng nhỏ chạy về các ngân hàng lớn có uy tín cao hơn đồng nghĩa với rủi ro thấp hơn. Và hệ lụy là thanh khoản của các ngân hàng nhỏ càng căng thẳng.
Bước sang năm 2010, cuộc đua lãi suất tái diễn. Các ngân hàng đua nhau phá rào lãi suất trần 12% do chính NHNN và các ngân hàng đồng thuận với nhau thiết lập nên. Để giảm căng thẳng, NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ, bơm thêm tiền vào hệ thống thông qua nghiệp vụ thị trưởng mở bằng cách chào mua giấy tờ có giá ngắn hạn, tăng cho vay tái cấp vốn, hỗ trợ trực tiếp cho ngân hàng có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, thanh khoản của hệ thống vẫn không được cải thiện nhiều.
Năm 2011, cuộc đua lãi suất tiếp tục gay go. Dấu hiệu trở lại của lạm phát đã khiến NHNN quay lại với chính sách tiền tệ thắt chặt. NHNN ra thông tư áp trần lãi suất 14%/năm, hạ mục tiêu trần tăng trưởng tín dụng, giảm tăng trưởng nguồn cung tiền, yêu cầu các ngân hàng thương mại hạn chế cấp tín dụng cho những ngành không mang tính sản xuất. Đồng thời với đó, NHNN thắt chặt quản lý ngoại tệ, tiến hành độc quyền kinh doanh vàng miếng nhằm mục tiêu ổn định giá trị tiền đồng.
Sau những năm liên tục loay hoay với việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt hay nới lỏng một phần, hi sinh tăng trưởng để đổi lấy ổn định vĩ mô hay cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát, dường như NHNN nhận ra rằng bất ổn của hệ thống ngân hàng nằm trong những ngân hàng nhỏ với hệ thống quản trị rủi ro yếu kém, và tiềm ẩn nguy cơ mất thanh khoản cao. Chính những ngân hàng yếu kém này đã nhanh chóng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính thế giới và châm ngòi cho cuộc đua lãi suất nhằm tăng thanh khoản để tránh nguy cơ đổ vỡ. Chính động thái này đã đẩy hệ thống vào rủi ro mất thanh khoản dây chuyền và để lại những hệ lụy lớn cho nền kinh tế.
Như vậy, khác với Mỹ, rủi ro hệ thống ngân hàng Việt nam không đến từ các ngân hàng có quy mô lớn (too big to fail) mà đến từ những ngân hàng nhỏ, dễ bị rủi ro thanh khoản và gây rủi ro lan truyền cho toàn hệ thống.
Năm 2012 là năm NHNN được đánh giá là đã có những bước đi đúng đắn, định hướng cho công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. NHNN ra Chỉ thị 01 nhằm phân loại các ngân hàng, điểm mặt chỉ tên các ngân hàng yếu kém, ban hành Thông tư 21 siết chặt hoạt động liên ngân hàng và bắt tay vào công cuộc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.
Phương pháp tái cấu trúc ngân hàng lâm vào tình trạng khủng hoảng cũng được NHNN áp dụng giống như cách Cục dự trữ liên bang Mỹ đã làm, bao gồm:
Thứ nhất là Ngân hàng Nhà nước đứng ra tìm kiếm đối tác và bảo lãnh cho hoạt động sáp nhập giữa các ngân hàng. Theo phương án này:
3 ngân hàng: Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Đệ nhất (Ficombank) và Ngân hàng Việt Nam Tín nghĩa đã hợp nhất thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài gòn vào tháng 01/2012. Thương vụ này thành công dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), và Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thông qua khoản vay tái cấp vốn. BIDV hỗ trợ cho ba nhà băng là trên 2.400 tỷ đồng với tải sản đảm bảo là tổng tài sản của cả 3 ngân hàng trên.
Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) sáp nhập vào ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vào tháng 08/2012.
Tháng 10/2013, PVFC và Western Bank sáp nhập thành PVcomBank.
Theo thông tin trên các phương tiện truyền thông, các thương vụ M&A sắp tới có thể là Vietcombank với Saigonbank, SouthernBank với Sacombank, VietinBank với OceanBank hoặc PGBank, GPBank với LienVietPostBank, BIDV với MHB, MDB với MaritimeBank.
Thứ hai là quốc hữu hóa những ngân hàng có nguy cơ phá sản và không tìm được đối tác để sáp nhập
Cụ thể, ngày 05/03/2014, Thống đốc NHNN ra quyết định mua lại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB) với giá 0 đồng và đổi tên thành Ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Xây dựng Việt Nam. Ngân hàng Ngoại thương được chỉ định để tham gia quản trị, điều hành ngân hàng này.
Đầu tháng 03/2015, lãnh đạo NHNN tiếp tục khẳng định sẽ tiến hành biện pháp mua lại như trên đối với những ngân hàng yếu kém.
Quốc hữu hóa những ngân hàng yếu kém, không có khả năng tăng vốn, không có khả năng sáp nhập là một biện pháp đúng đắn nhằm đảm bảo giảm thiểu rủi ro hệ thống tài chính Việt nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, NHNN lấy tiền đâu ra để thực hiện thanh lý các khoản nợ trên báo cáo tài chính và thực hiện tái cấu trúc toàn diện các ngân hàng này?
Ngày 06/03/2015, NHNN chấp thuận cho phép Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành 80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt năm 2015 với thời hạn trái phiếu tối đa là 5 năm. Đây có thể là khoản tiền cần thiết để NHNN thông qua VAMC mua các khoản nợ, làm sạch báo cáo tài chính và duy trì hoạt động của các ngân hàng trong diện mua lại. Đồng thời, đó cùng là nguồn dùng để thực hiện tái cấu trúc các ngân hàng này sau khi NHNN nắm quyền quản lý.
Động thái này đã thể hiện rõ quyết tâm của NHNN trong việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nâng cao thanh khoản cho toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, việc VAMC với vốn điều lệ 500 tỷ đồng thực hiện phát hành 80.000 tỷ đồng trái phiếu có thành công hay không và nếu thành công thì với chi phí vốn cao hay thấp sẽ có thể ảnh hưởng rất lớn đến quá trình mua lại các ngân hàng yếu kém của NHNN. Đồng thời với nó, việc NHNN mua lại, tái cơ cấu và trực tiếp quản lý nhiều ngân hàng thương mại nhỏ sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Trên phương diện rủi ro hệ thống, việc can thiệp quá sâu vào hoạt động của các ngân hàng từ phía NHNN về lâu dài cũng sẽ làm tăng rủi ro hoạt động của cả hệ thống ngân hàng.
Do đó, theo như ý kiến của một số chuyên gia đã nhận định, NHNN nên sớm đưa ra cơ chế và hành lang pháp lý cho phép các ngân hàng yếu kém được phá sản để đảm bảo hiệu quả hoạt động của hệ thống, qua đó cũng nâng cao khả năng chịu rủi ro của toàn hệ thống về lâu dài.
Theo InfoNet