|
Ảnh minh họa: Barron's |
Cory Klippsten là fan bự của tiền mã hóa. Nhưng sự đam mê của ông đối với chúng đã chấm dứt. Klippsten, chủ một công ty có tên Swan Bitcoin, giờ chỉ thấy 'một bãi mìn toàn trò lừa đảo', gian lận cùng với những sản phẩm rủi ro trong ngành này. Khi thị trường thoái trào, ông cảm thấy thật hổ thẹn khi từng dính vào tiền mã hoá.
“Tôi là một gã chơi Bitcoin với niềm tin rằng Bitcoin sẽ làm biến đổi thế giới,” Klippsten, 44 tuổi, nói. “Tôi đã chán ngấy khi gắn tên tuổi và doanh nghiệp của mình với ngành công nghiệp tiền mã hóa. Thật mệt mỏi.”
Bitcoin không phải thứ gì đó quá tốt đẹp như người ta vẫn tưởng, bởi việc 'đào' nó tiêu tốn rất nhiều năng lượng và phải trả giá về mặt môi trường. Và nó đang mất giá thảm hại với tư cách là một tài sản lưu trữ giá trị hay phòng ngừa lạm phát. Mức giảm 70% trong 7 tháng, tương đương 900 tỉ USD vốn hoá thị trường bị bốc hơi, đồng tiền được xem là “vua tiền mã hóa” đang ngày càng trần trụi hơn bao giờ hết.
Nhưng Bitcoin chưa phải là vấn đề lớn nhất của tiền mã hóa, mà chính là “dòng dõi” của nó và những hoạt động tài chính tùy tiện của ngành công nghiệp này. Thay vì cách mạng hóa Phố Wall, ngành công nghiệp tiền mã hóa lại tiếp nhận nhiều sản phẩm của chính nó, tự đổi mới chúng với những quy định mà nó tự tạo ra. Và giờ đây, nhờ sự pha trộn giữa việc sử dụng đòn bẩy không kiểm soát, các giao dịch tự động và sụt giá thảm hại, nó đang tạo ra cả một cuộc khủng hoảng tài chính.
“Ngành công nghiệp này và những công ty này luôn được bao bọc trong vòng bí mật. Lịch sử cho thấy rằng sẽ có đủ kiểu hành vi rủi ro, gian lận và lừa đảo trong đó,” John Reed Stark, cựu quan chức thuộc Văn phòng Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, nói. “Đó là nơi không có luật lệ và trật tự.”
Ngoài Bitcoin, còn cả một 'đạo quân' tiền mã hóa, các nền tảng giao dịch và cả những dạng ngân hàng chuyên đưa ra mức lãi suất đầy sức hấp dẫn đối với tiền gửi. Thế giới song song đen tối này vẫn cố gắng tồn tại giữa hàng loạt cuộc khủng hoảng, bao gồm sự sụp đổ của “Stablecoin” và nạn thiếu hụt thanh khoản ở một số hãng cho vay tiền mã hóa lớn.
Môi trường vĩ mô khắc nghiệt hơn đã khiến cho ngành công nghiệp tiền mã hóa gặp khó. Lãi suất tăng cùng các điều kiện tài chính chặt chẽ hơn đã gây ra tác động tiêu cực tới bất cứ thứ gì liên quan tới tiền mã hóa, bên cạnh tình trạng bán tháo.
Ngành công nghiệp này khó có thể vượt qua được cú 'stress test' của thị trường. Các start-up và sàn giao dịch tiền mã hóa trước đây đã mở rộng nhờ vào khoảng trống quy định, tự đưa ra các quy tắc quản lý của họ hay tự phân tán thông qua các “giao thức” phần mềm mã nguồn mở. Những người ủng hộ tiền mã hóa từ lâu đã rêu rao rằng các hoạt động này là sự cải thiện nếu đem so với Phố Wall – giúp ngành tài chính phá vỡ được xiềng xích của các ngân hàng. Nhưng trong nhiều trường hợp, ngành công nghiệp này lại áp dụng chiêu trò của Phố Wall.
Hai trong số những mối lo lớn nhất của ngành công nghiệp tiền mã hoá lúc này thuộc về một ngân hàng tiền mã hóa và một quỹ đầu tư. Celsius Network, một hãng cho vay tiền mã hóa lớn với lượng tiền gửi lên tới 11 tỉ USD, đã ngừng cho khách hàng rút tiền để ngăn tình trạng đột biến rút tiền gửi có thể khiến nó sụp đổ. Quỹ đầu tư Three Arrows Capital, hay 3AC, trong khi đó lại bị một tòa án trên quần đảo Virgin của Anh yêu cầu thanh khoản sau khi bị nhiều chủ nợ kiện. Quỹ này đã đi vay mượn rất nhiều để xây dựng một danh mục đầu tư mà họ cho là trị giá 18 tỉ USD. Và nó cũng xây dựng được một vị trí lớn trong quỹ Bitcoin lớn nhất thế giới – Grayscale Bitcoin Trust (GBTC), hiện đang gặp nhiều rắc rối.
Các chủ nợ và bên môi giới bị ảnh hưởng trong vụ 3AC bao gồm Voyager Digital. Công ty này nói trong một thông cáo mới đây rằng 3AC đã bị vỡ nợ đối với khoản vay trị giá 675 triệu USD dưới dạng Bitcoin và USD. Voyager sau đó cũng tạm ngừng cho khách hàng rút tiền trên nền tảng của mình.
Do không có sự cứu viện của chính phủ nên ngành công nghiệp này chỉ có thể trông chờ sự giải cứu từ chính những người trong ngành. Tỉ phú và là nhà sáng lập sàn giao dịch FTX US, Sam Bankman-Fried, đồng ý chi 400 triệu USD để cứu BlockFi, đi kèm lựa chọn mua lại công ty này. BlockFi đã tổn thất khoảng 800 triệu USD do vụ 3AC. Bankman-Fried, thông qua công ty giao dịch của mình là Alameda Research, cũng ra tay cứu Voyager bằng khoản tiền 500 triệu USD.
“Chúng tôi đã bỏ ra nhiều thập kỷ để phát triển các quy định được thiết kế để ngăn chặn sự lạm dụng đối với Phố Wall,” Eric Kaplan, cố vấn cấp cao của trung tâm thị trường tài chính tại Viện Milken, nói. “Thị trường tiền mã hóa lại đang quay lưng với điều đó.”
Tình trạng vô luật pháp này vẫn còn đang là đề tài tranh cãi ở Washington. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, Quốc hội và nhiều cơ quan khác đang làm việc để đề ra những quy định. Nhưng các nhà điều hành và lập pháp lại bất đồng trong việc nên áp đặt các quy định sẵn có với tiền mã hóa hay xây dựng hẳn một bộ quy tắc mới.
Phố Wall và tiền mã hóa
Trong phần lớn của thập kỷ qua, tiền mã hóa phát triển bên trong một vùng xám. Các sản phẩm vốn chưa từng được cho phép lọt vào thị trường Phố Wall ngày nay – nhờ các quy định tài chính chặt chẽ – thì lại tìm thấy chỗ đứng ở tiền mã hóa. Ngành công nghiệp này giờ quy tụ đủ người, từ những người từng làm việc tại Phố Wall, thương nhân cho tới những người trong ngành tài chính.
Chủ của nhiều công ty tiền mã hóa cỡ bự như Galaxy Digital Holdings, Grayscale Investments và Genesis Trading đều từng làm việc tại Phố Wall trước khi chuyển sang tiền mã hóa. Tại Coinbase Global, người đứng đầu các hoạt động tài chính của họ từng làm tại Goldman Sachs.
Do không chịu sự quản lý của bất cứ bên nào, như Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái, các công ty tiền mã hóa tự đặt ra luật chơi của họ. Các quy định cần có để cho ra mắt token không hề tồn tại. Hãng Binance.US liệt kê hơn 100 token, từ ApeCoin cho tới Zilliqa. Riêng công ty Coinbase đưa ra tới 170 token.
Các nhà tạo lập thị trường, sàn giao dịch chứng khoán và môi giới từ lâu đã được chia tách tại Phố Wall do lo ngại về xung đột lợi ích. Trong ngành tiền mã hóa, không có sự chia tách rõ ràng như vậy, khiến các nhà đầu tư dễ trở thành nạn nhân, theo các nhà quản lý như Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Gary Gensler.
Các sàn giao dịch tập trung chỉ chiếm phần nhỏ trong hoạt động giao dịch tiền mã hoá. Trong khi đó, hàng tỉ USD tiền mã hóa còn nằm ở các nền tảng tài chính phi tập trung, như DeFi. Người đi vay lẫn người cho vay đều tự đặt ra điều khoản của họ ở DeFi, phù hợp với các thuật toán hay giao thức phần mềm tự động hóa tất cả mọi khía cạnh của một giao dịch.
Các nhà đầu tư thường đổ tiền vào DeFi khi nhận thấy mức lãi suất hai con số, thậm chí 3 con số. Không bao giờ ngành tài chính truyền thống lại có thể đưa ra mức lãi suất cao như vậy. Nhưng do không có các công ty đứng đằng sau phương thức giao dịch và vay mượn, nên một khi xảy ra một vụ tấn công mạng hay lỗi phần mềm, một người có thể mất trắng khoản tiền gửi.
Ở DeFi cũng vậy. 97% trong tổng số 1,7 tỉ USD bị lấy trộm khỏi công ty này là do giao thức, theo công ty phân tích blockchain Chainalysis.
Nhiều công ty tiền mã hóa còn đang cạnh tranh với Phố Wall trên một lĩnh vực khác: cho vay hộ gia đình. Một số công ty start-up như Milo đang đưa ra dịch vụ thế chấp bất động sản dựa trên tiền mã hóa. Nhiều loại tài sản truyền thống hiện đã được giao dịch trên blockchain.
Khoản vay tiền mã hóa
Sự sụt giá ghê gớm của tiền mã hóa là hồi chuông cảnh tỉnh, ngay cả với những người trong ngành từng nghĩ rằng họ không phải chịu rủi ro lớn khi ôm một vài khoản vay.
Shahar Abrams là một trong số những nhà đầu tư như vậy. Là một chuyên gia cố vấn 30 tuổi, ông mượn khoản tiền 140.000 USD từ Celsius vào tháng 12 năm ngoái. Về tài sản thế chấp, ông đưa ra lượng token CEL có giá 560.000 USD, token ban đầu do công ty này phát hành. Ông dùng tiền lời để mua một căn hộ và một chiếc piano.
Điều mà ông không ngờ tới là tài sản thế chấp của ông sụp đổ. Khi Terra sụt giảm, giá của các token khác cũng giảm theo. Giá của CEL giảm một nửa chỉ trong vòng một ngày và tiếp tục giảm thêm 50%. Điều này khiến cho Celsius kêu gọi ông đăng tải thêm tài sản thế chấp trong vòng 24 giờ. Abrams quyết định không đổ thêm tiền vào đó. Celsius thanh khoản khoản tiền thế chấp của ông. Cuối cùng, Abrams tổn thất khoảng 420.000 USD trong phi vụ này.
“Rõ ràng là nền tảng này có nhiều rủi ro hơn nhiều so với mọi người nghĩ,” Abrams nói. “Tôi từng nghĩ rằng Celsius hoàn toàn an toàn, và đó là lý do tôi giới thiệu nó cho nhiều người.”
Celsius và nhiều hãng cho vay khác giờ đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý. Ngay từ trước khi công ty này bị tịch biên, nó đã bị các nhà điều hành cáo buộc vi phạm các quy định về chứng khoán. Chính quyền ở ít nhất 5 bang đang điều tra về việc công ty này ngừng cho người gửi rút tiền.
Các hãng cho vay tiền mã hóa khác vẫn không nao núng, họ tuyên bố sẽ bảo vệ khách hàng gửi tiền và đáp ứng được nhu cầu vay vốn mà nhiều ngân hàng không thể làm được.
Ledn, một hãng cho vay có trụ sở tại Toronto, nói rằng khách hàng tìm đến họ thường không muốn bán Bitcoin, và không thể tìm thấy một hãng cho vay truyền thống. “Với Bitcoin, chúng tôi cho thể cấp cho một người ở Mexico khoản vay với lãi suất tương đương với ở Canada và Mỹ,” đồng sáng lập của Ledn, Mauricio Di Bartolomeo, nói.
Ledn còn quảng cáo về mức lãi suất cao đối với các khoản tiền tiết kiệm, trong đó có mức lãi 7,5% đối với USD Coin và 5,25% đối với Bitcoin. Di Bartolomeo nói rằng thanh khoản và rút tiền ồ ạt đúng là có xảy ra với tần suất cao hơn trong khoảng thời gian này, nhưng ông tự tin rằng nền tảng của ông có thể vượt qua khủng hoảng.
'Đổi mới tài chính' hay 'sòng bạc vô luật'?
Nhiều chủ doanh nghiệp trong ngành công nghiệp tiền mã hóa nói rằng những đổi mới của họ sẽ giúp cho nguồn tiền nhanh hơn, rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn. Khi một nhà đầu tư mua hay bán một cổ phiếu, họ thường mất 2 ngày để giao dịch hoàn tất. Các giao dịch tiền mã hóa thường được hoàn tất trong vài phút, ngay khi chúng được lưu lại trên blockchain.
Các giao dịch xuyên quốc gia truyền thống lại càng phức tạp hơn, cần tới sự phối hợp của nhiều ngân hàng trong nhiều ngày, hoặc cần tới dịch vụ điện chuyển tiền với mức phí cao. Trong khi thanh toán quốc tế bằng tiền mã hóa lại được thực hiện ngay lập tức, từ ví người này qua ví người khác, và chi phí rẻ hơn.
“Sử dụng công nghệ blockchain rõ ràng mang tới hiệu quả đối với nhiều quy trình và sản phẩm tài chính. Điều này không có gì phải bàn,” cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Jay Clayton, hiện là cố vấn của công ty tiền mã hóa Fireblocks, nhận định.
Nhưng vấn đề ở đây là, một số công ty trong ngành không mong muốn có các quy định rõ ràng hơn bởi họ không muốn làm theo những gì đã có trong sách: “Lời kêu gọi có thêm sự rõ ràng, được hiểu theo nhiều cách chỉ là thay đổi luật lệ được áp dụng,”
Một số kỹ sư phần mềm cho rằng đã đến lúc chính quyền vào cuộc.
Bitcoin “là một phong trào dân túy tài chính nhằm phản ứng trước sự đầu cơ quá đáng của Phố Wall,” Stephen Diehl, một người công khai chỉ trích tiền mã hóa, hiện đang thúc giục Quốc hội ra tay trấn áp, nói. “Hãy tưởng tượng nó giống như phong trào Chiếm Phố Wall,” ông nói, nhắc tới cuộc biểu tình dân túy phản đối tình trạng bất bình đẳng thu nhập. “Giờ hãy tưởng tượng mỗi người tham gia Chiếm Phố Wall được thay thế bởi một người quản lý quỹ đầu tư. Đó chính là thứ mà chúng ta có với tiền mã hóa.”
[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Một cú ‘hạ cánh mềm’ đã nằm ngoài tầm với...
[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Tiền mã hoá: “Khoảnh khắc Lehman”, “mùa đông crypto” hay “địa ngục crypto”?
[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Đảo Rắn: Kích thước nhỏ, vai trò lớn trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine
Theo Barrons