Doanh thu từ cung cấp dịch vụ viễn thông tăng gần 28% giữa tâm dịch Covid-19

VietTimes -- Đó là số liệu trong vòng 2 tháng theo một thống kê chưa chính thức từ đơn vị quản lý viễn thông, được công bố tại Hội thảo Băng thông rộng di động & cố định (World Mobile Broadband & ISP) năm 2020 diễn ra ngày 27/3/2020. Sự kiện được được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin & Truyền thông.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Hội thảo năm nay được tổ chức bởi Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) phối hợp với Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV) lấy chủ đề là “5G & Công nghệ băng thông rộng thúc đẩy phát triển nền kinh tế số: Tầm nhìn và Giải pháp công nghệ”.

Nội dung hội thảo bao gồm 3 trụ cột chính:

Một là Báo cáo kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ viễn thông tại Việt Nam năm 2020.

Hai là các bài tham luận của Cục Viễn thông và Cục Tần số vô tuyến điện về chủ đề định hướng phát triển thị trường viễn thông và định hướng quy hoạch, phát triển 5G tại Việt Nam.

Ba là các bài tham luận của các nhà mạng liên quan đến chiến lược phát triển dịch vụ viễn thông và các yêu cầu, đề xuất phối hợp giữa nhà mạng và các cơ quan quản lý nhà nước, giữa nhà mạng và các đơn vị cung cấp giải pháp, công nghệ, nội dung số.

Tại Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số mà đặc thù là các giao dịch điện tử trên nền tảng Internet đã phát triển và trở thành mục tiêu chiến lược quốc gia.

Nền kinh tế số ấy đã hiện diện trên tất cả các lĩnh vực, từ công nghiệp, nông nghiệp, sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa và rõ nét nhất là ở các ngành dịch vụ như dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử…

Theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain thực hiện, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỉ USD, cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỉ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt xấp xỉ 33%.

Còn theo một nghiên cứu của Đại học Tufts (Mỹ), Việt Nam đang đứng ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ số hóa nền kinh tế trong năm 2019.

Chính phủ Việt Nam xác định một trong những trụ cột của nền kinh tế số là hạ tầng viễn thông, bao gồm cả hạ tầng băng rộng di động lẫn băng rộng cố định.

Thực tế chứng minh, chỉ trong vòng 2-3 năm trở lại đây, sự phát triển hạ tầng băng thông rộng đã mở đường cho tất cả các ngành kinh tế khác phát triển.

Đặc biệt là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến các hoạt động kinh tế tại gia có bước phát triển nhẩy vọt và kèm theo đó, hạ tầng viễn thông lại càng trở nên quan trọng, được kỳ vọng là phương thức giúp mọi quốc gia trên thế giới sớm thoát khỏi khó khăn do tác động tiêu cực của Covid-19.

Như vậy, ở một góc độ nào đó, sự phát triển hạ tầng viễn thông là hình ảnh phản ánh chân thực nhất sự phát triển của nền kinh tế số.

Theo Cục Viễn thông, tính đến hết tháng 1/2020, hạ tầng công nghệ viễn thông Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, tổng thuê bao băng rộng cố định là 15,1 triệu thuê bao, tổng thuê bao băng rộng di động đạt gần 65 triệu thuê bao

Đặc biệt, theo một thống kê chưa chính thức từ đơn vị quản lý viễn thông thì chỉ trong vòng 2 tháng chịu tác động của dịch Covid-19, doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông tăng gần 28% và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong những tháng kế tiếp.

DN nào cung cấp dịch vụ viễn thông tốt nhất?

Một điểm nhấn trong sự kiện là bản Báo cáo kết quả khảo sát Mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ viễn thông do IDG Vietnam thực hiện.

Năm 2020, hoạt động khảo sát diễn ra từ ngày 15/1 đến 15/3 tại 12 tỉnh thành lớn tại Việt Nam, thu được hơn 5.000 mẫu khảo sát thành công. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên có tới 60% số phiếu khảo sát thành công được thực hiện online và 40% thực hiện trực tiếp. Đối tượng tham gia khảo sát được chia thành 11 lứa tuổi, thuộc 11 lĩnh vực/ngành nghề khác nhau.

Qua 4 năm khảo sát liên tiếp, số liệu IDG Vietnam cho thấy rõ sự thay đổi, dịch chuyển của các dịch vụ viễn thông trong đó đáng chú ý nhất là sự thay đổi về thị phần, về mức độ hài lòng và về thói quen người sử dụng.

Bản báo cáo được kỳ vọng sẽ cung cấp những thông tin quan trọng giúp các nhà mạng có sự nhìn nhận và thay đổi dịch vụ nhằm hướng tới sự phát triển mạnh mẽ hơn.

Cũng căn cứ trên kết quả khảo sát này, IDG Việt Nam phối hợp với Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam tổ chức chương trình Bình chọn giải thưởng Nhà cung cấp dịch vụ Băng thông rộng di động & cố định năm 2020.

Hội đồng Bình chọn giải thưởng năm nay gồm 10 chuyên gia là lãnh đạo các đơn vị quản lý nhà nước về viễn thông như Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông), các đơn vị hội/hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực viễn thông (Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam), các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trong ngành viễn thông (Qualcomm, IDG Việt Nam).

Hội đồng đã họp và đưa ra tiêu chí chấm điểm cụ thể cho từng giải thưởng sau đó có sự phân tích chất lượng cũng như ưu nhược điểm từng dịch vụ rồi tiến hành bình bầu.

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đạt danh hiệu “Chất lượng dịch vụ băng thông rộng di động”; Tổng công ty Viễn thông MobiFone đạt danh hiệu Chăm sóc khách hàng băng thông rộng di động; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đạt danh hiệu Chất lượng dịch vụ băng thông rộng cố định; CTCP Viễn thông FPT đạt danh hiệu “Chăm sóc khách hàng băng thông rộng cố định”./.