Thủ tướng gợi ý đổi tên Bộ TT&TT thành Bộ Truyền thông và Kinh tế số

"Kinh tế số là đôi cánh, đường bay tới đích thịnh vượng, hùng cường"

VietTimes -- Thủ tướng bày tỏ Việt Nam có thể là biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á nếu tầm nhìn 2045 trở thành hiện thực. Chính phủ coi kinh tế số là động lực quan trọng phát triển quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển - đó có lẽ "phải là đường bay chứ không phải lối mòn". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gợi ý Bộ Thông tin và Truyền thông đổi tên gọi thành Bộ Truyền thông và Kinh tế số.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị Tổng kết Bộ TT&TT. Ảnh: Minh Sơn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị Tổng kết Bộ TT&TT. Ảnh: Minh Sơn

Thủ tướng đã chỉ ra “đường bay” này tại Hội nghị tổng kết năm 2019, triển khai nhiệm vụ 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), vừa được tổ chức hôm nay (28/12).

Sẵn sàng cho công dân điện tử

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, tổng doanh thu viễn thông đạt gần 470.000 tỷ đồng. Số thuê bao băng rộng có sự gia tăng đáng kể, trong đó băng rộng di động (3G, 4G) đạt 61,3 triệu thuê bao, chiếm 48,7% tổng số thuê bao di động (tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2018). Tốc độ băng rộng di động tải xuống thống kê đến quý 4/2019 là 29,08 MBps, tiệm cận với tốc độ trung bình của thế giới (30,93 Mbps).

Bộ TT&TT cho biết đã trình Thủ tướng xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022. Hiện nay trên mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất là GSM (2G) triển khai năm 1990, 3G triển khai từ năm 2009 và 4G triển khai từ năm 2016 và dự kiến triển khai thương mại 5G trong năm 2020. Như vậy, Việt Nam hiện là một trong các nước đi đầu khu vực ASEAN về triển khai thương mại 5G.

“Thử nghiệm 5G năm 2019 và thương mại hóa năm 2020 là tuyên bố từ nay Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ, không còn độ trễ 7 năm hay 8 năm như đối với 3G, 4G nữa. Ngành TT&TT chỉ có thể thay đổi thứ hạng Việt Nam nếu đi cùng nhịp với nhóm dẫn đầu thế giới”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị Tổng kết. Ảnh: Minh Sơn
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị Tổng kết. Ảnh: Minh Sơn

Bộ trưởng bày tỏ, "tắt sóng 2G" là thông điệp mạnh mẽ về việc muốn đi nhanh thì phải bỏ đi gánh nặng của quá khứ. Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó, mỗi người dân đã có một chiếc điện thoại để a lô. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước với 100% là máy điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử.

Mặt trận không bao giờ im tiếng súng

Đánh giá hoạt động của Bộ TT&TT trong một năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, Bộ TT&TT đã "có nhiều tiến bộ đã giữ lời nói đi đôi với việc làm. Ngành đã vượt qua nhiều thách thức, nhất là cạnh tranh nhân tài và công nghệ hay các thách thức về bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng".

Thủ tướng cũng chỉ ra các mặt còn tồn tại như mạng viễn thông chậm chuyển đổi sang hạ tầng số, tỷ lệ người dùng dữ liệu di động chưa cao. Vấn đề an ninh, an toàn mạng còn nhiều hạn chế.

"Trong lĩnh vực báo chí, hoạt động của một số tờ báo chưa đúng tôn chỉ, mục đích, báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin; nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, bị đánh hội đồng làm giảm niềm tin trong xã hội nên chúng ta phải khắc phục tốt hơn", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa các thành viên Liên minh phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Ảnh: Minh Sơn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa các thành viên Liên minh phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Ảnh: Minh Sơn

Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ TT&TT có trách nhiệm lớn lao, góp phần mang vinh quang cho Tổ quốc. “Có thể nói thông tin và truyền thông được ví như mặt trận không bao giờ im tiếng súng. Muốn phát triển thì động lực quan trọng nhất là sử dụng công nghệ, nhất là công nghệ số". 

Những dòng chảy liên tục của thông tin đã đem lại những tác động phong phú đến đời sống tinh thần, tình cảm của gần 100 triệu người dân Việt Nam trong và ngoài nước, cùng với đó là sự đấu tranh không khoan nhượng trên mặt trận thông tin, giữa thật và giả, giữa tiêu cực và tích cực. Thủ tướng yêu cầu cán bộ ngành TT&TT phải là những người luôn giữ cái đầu lạnh và một trái tim hồng.

"Năm 2020, chúng ta tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Bộ TT&TT phải chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành đầu tư hạ tầng số đi trước một bước cho chuyển đổi số và đi đầu trong công cụ chuyển đổi số. 100% hệ thống CNTT của chính phủ điện tử phải có trung tâm giám sát an ninh mạng. Bên cạnh đó, thứ hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam còn khiêm tốn, Bộ TT&TT có nhiệm vụ đưa thứ hạng này tăng lên trong thời gian tới", Thủ tướng nói.

Quốc gia số và kinh tế số - Việt Nam đang thiếu gì?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia vào đầu năm 2020. Bộ TT&TT cần phải chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành đầu tư vào hạ tầng số, đi trước một bước về chuyển đổi số và đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số.

Bộ TT&TT cũng cần hình thành các doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp khác.Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp và dự kiến tới đây sẽ có 1 triệu doanh nghiệp. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam mới chỉ là 50.000, vì thế vẫn còn đó rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới.