Bí quyết đầu tiên để được hợp tác đó là phải quan tâm tới chính sách ngoại giao, các cơ hội đầu tư giữa 2 quốc gia. Đây là yếu tố nền tảng giúp cho nhà đầu tư Việt Nam bước chân vào thị trường Ấn Độ.
Theo ông Sadath, tương lai giữa Ấn Độ và Việt Nam vô cùng hứa hẹn, bởi hai nước đã có một nền tảng vững chắc trong quan hệ ngoại giao, đều có tiềm năng to lớn về quan hệ kinh tế và có sự tương đồng về những thách thức phải đối mặt trong tương lai.
Nhu cầu về đầu tư giữa 2 nước sẽ sẽ tiếp tục tăng cao do tổng giá trị đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam còn thấp, chưa tới 1 tỷ USD và thương mại song phương đang gia tăng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng so với các quốc gia khác mà Ấn Độ và Việt Nam giao dịch.
Vì vậy, ông Sadath đánh giá, nhà đầu tư Việt Nam hoàn toàn có triển vọng hợp tác, kinh doanh với các công ty tại Ấn Độ.
Sau khi đã có thông tin nền, trước khi bắt tay vào hợp tác, nhà đầu tư cần chú ý tới văn hóa của nước bản địa. Ấn Độ là quốc gia đa tôn giáo, đa sắc tộc, đa ngôn ngữ, do đó việc cần hiểu rõ, tôn trọng sự khác biệt giữa các vùng văn hóa, văn hóa trong nước và văn hóa ngoài nước là rất quan trọng. Điều này giúp nhà đầu tư tránh được những hậu quả và rào cản không đáng có.
Một trong những yếu tố rất quan trọng khác giúp các nhà đầu tư có thương vụ thành công đó là ngôn ngữ giao tiếp. Doanh nhân B.M.Anvar Sadath khuyên nhà đầu tư sử dụng tiếng Hindi hoặc tiếng Anh khi làm việc tại Ấn Độ.
Doanh nhân B.M.Anvar Sadath chụp ảnh cùng giảng viên Khoa Kinh Tế và Kinh Doanh Quốc Tế, Trường Đại Học Thương Mại
|
Ông Sadath chia sẻ một cách hóm hỉnh: “Ấn Độ có hơn 23 ngôn ngữ chính thức. Chúng ta không thể học hết tất cả các ngôn ngữ này được. Tiếng Anh và tiếng Hindi được sử dụng nhiều hơn cả”.
Ông Sadath cũng lưu ý, thời gian làm việc bình thường ở Ấn Độ là từ 10h sáng đến 6h chiều, có thể chênh lệch tùy vào điều kiện đặc thù của từng bang. Vì vậy, nhà đầu tư hãy chắc chắn rằng các cuộc họp đều được tổ chức trong khung thời gian này, đồng thời đảm bảo cuộc họp diễn ra đúng thời điểm để tránh rắc rối xảy ra.
Ngoài ra, doanh nhân B.M.Anvar Sadath còn chia sẻ về cái bắt tay trong buổi gặp mặt đầu tiên, cách chào một người có chức vụ, cách trao đổi danh thiếp, cách xây dựng mối quan hệ, những cách thức giao tiếp lịch sự gây ấn tượng tốt trong buổi gặp mặt… Những yếu tố này góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy quá trình hợp tác giữa các nhà đầu tư.
Bài chia sẻ của ông Sadath không chỉ giúp các sinh viên của Trường Đại học Thương Mại có thêm kiến thức thực tế về văn hóa kinh doanh tại Ấn Độ, mà còn giúp giải đáp những thắc mắc về cơ hội du học, cơ hội việc làm tại đất nước đa tôn giáo này.
Doanh nhân B.M.Anvar Sadath được biết đến là một trong những nhà đầu tư người Ấn Độ đầu tiên thành công tại Việt Nam. Hiện, ông đang hợp tác và là cổ đông lớn của một công ty thủy sản của Việt Nam.