|
LS Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO |
Làm gì để DN đỡ thống khổ kiểu “bầu Đệ”?
Ngay từ năm 1998, khi bắt tay vào xây dựng Luật Doanh nghiệp, ông Phan Văn Khải, Thủ tướng Chính phủ thời bấy giờ đã luôn nhấn mạnh rằng, một đất nước không thể nào phát triển được, nếu không tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, vụ lùm xùm ở xứ Thanh khi “Bầu Đệ” đòi thay Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa, cho thấy số phận các doanh nhân Việt chưa có mấy thay đổi so với gần 20 năm trước khi ông Phan Văn Khải yêu cầu phải “tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển”. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?
- Không phải tự nhiên Chính phủ đề cao vai trò của doanh nghiệp, mà vì trên thực tế doanh nghiệp là nơi đóng góp chính cho ngân sách quốc gia, là nơi tạo ra công ăn việc làm chính cho người lao động và là nơi góp phần quan trọng vào việc duy trì và ổn định đời sống kinh tế xã hội. Do vậy, tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển không chỉ là cảm xúc mong muốn mà còn là đòi hỏi, là mệnh lệnh của cuộc sống.
Tuy nhiên do xã hội đang được thiết kế và vận hành chưa hoàn toàn theo nền kinh tế thị trường, chưa thực sự theo hướng ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, nên còn muôn vàn khó khăn, vướng mắc, chông gai, cản trở, thậm chí là rất nguy hiểm đối với doanh nghiệp, doanh nhân. Và hậu quả là doanh nghiệp phát triển rất chậm trễ , rất kém cỏi, rất yếu và rất mong manh.
Phát biểu tại kỳ họp thứ 2, QH khóa XIII vừa qua, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc than phiền “một số quy định trong luật pháp của ta chẳng giống ai, môi trường kinh doanh vẫn còn chằng chịt những trói buộc vô lý, chi phí kinh doanh cao cả chính thức và phi chính thức buộc nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp phải sang tận Singapore để khai sinh”. Vì vậy việc bức xúc của các doanh nhân Việt điển hình như “bầu Đệ” ở Thanh Hóa cũng là chuyện đương nhiên. Theo LS, thì cần làm gì để DN Việt Nam đỡ thống khổ hơn như kiểu “bầu Đệ”?
- Trước hết, pháp luật của ta sửa liên tục, nhưng cải tiến, tháo gỡ được cái này, thì lại vô tình hay cố ý tạo ra rào cản khác. Vì chúng ta vẫn xem doanh nghiệp như đối tượng nguy hiểm, phải rào dậu, quản lý, chứ không phải là thành phần nuôi sống xã hội, trong đó có bộ máy quản lý.
Tiến bộ, đổi mới nhất như Luật Doanh nghiệp, nhưng cũng cứ bị trói buộc nửa vời kiểu như, con dấu vẫn phải đóng theo quy định của pháp luật, thế là mọi thứ lại mơ hồ vì chẳng biết khi nào thì phải đóng; ngành nghề tự do kinh doanh không phải đăng ký, nhưng vẫn phải thông báo, thế thì cũng không khác gì đăng ký, mà lại tạo ra sự mập mờ; có nhiều người đại diện theo pháp luật nhưng trách nhiệm của họ lại theo quy định của điều lệ, tức là tạo ra thuận lợi cho doanh nghiệp bao nhiêu, thì tạo rủi ro cho đối tác bấy nhiêu; vì doanh nghiệp có thể không phải chịu trách nhiệm với chữ ký của người đại diện của mình.
Chưa nói những quy định sinh ra rõ ràng nhằm ngăn cản, trói buộc doanh nghiệp, mà điển hình là các quy định vô lý trong lĩnh vực công thương, như điều kiện nhập khẩu ô tô, xuất khẩu gạo, kinh doanh khí gas, buôn bán xăng dầu,… Và đặc biệt khiếp sợ là với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, thì doanh nghiệp rất khó thoát các tội về trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm, kinh doanh trên mạng, sa thải lao động, xuất bản,… nhất là có tới 59 điều vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp khi quy định có thể tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội.
Doanh nghiệp nào cũng luôn nơm nớp như cá nằm trên thớt. Gần như không một doanh nghiệp nào có thể thực hiện được đúng mọi quy định của pháp luật. Trong khi đó, Bộ máy hành pháp và tư pháp và cả đoàn thể đâu đâu cũng có thể hành hạ, bắt bẻ, vòi vĩnh doanh nghiệp bất cứ lúc nào.
Phải ứng dụng quản lý bằng công nghệ thông tin
Nếu xét về quy mô và ý nghĩa thực sự với nền kinh tế quốc dân, có thể thấy rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn ở mức manh mún. Một số doanh nhân được coi là “đại gia” cũng chỉ mới dừng lại ở mức “cấu kết” với chính quyền để mua đất, thậm chí là những khu đất ở những nơi đẹp nhất của các thành phố lớn với giá rẻ để xây dựng hạ tầng kiếm lời, chứ chưa thấy mấy doanh nghiệp “phất lên” bằng CNTT. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Rất ít doanh nghiệp có được sản phẩm, dịch vụ thật sự có giá trị gia tăng, thực sự có ý nghĩa đóng góp cho xã hội nói chung và cho sự phát triển nói riêng. Vì sao ư ? Thể chế, môi trường kinh doanh dường như không khuyến khích điều đó, không bảo vệ những con người dũng cảm, sáng tạo và làm thật, làm nghiêm túc. Cho nên đương nhiên chủ yếu làm giàu dựa vào đất đai, tài nguyên, cơ chế, lợi thế có được do quan hệ, chạy chọt.
Vì một bộ phận các nhà quản lý nhà nước, từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp đều còn muốn định hướng khác với bản chất cuộc sống, khác với quy luật của nền kinh tế thị trường, chưa có tầm nhìn xa, rộng, không có tư duy kinh tế và pháp lý phát triển bền vững, chuẩn mực. Họ càng không thực sự thấy được tầm quan trọng của công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng, nên vẫn mang nặng tư tưởng cấm cản, hạn chế.
Tội kinh doanh trái phép đã bỏ chậm 30 năm, đến nay vẫn chưa dứt điểm. Vì vậy, mới xuất hiện Điều 292 trong Bộ luật Hình sự năm 2015, tương tự với tội kinh doanh trái phép trước đây.
Để khuyến khích các doanh nhân Việt đầu tư lớn vào lĩnh vực CNTT, công nghiệp sạch, theo ông, Nhà nước nên có những chính sách ưu đãi cụ thể gì?
- Nhà nước cần thực sự coi trọng công nghệ thông tin, yêu cầu mọi thứ phải ứng dụng quản lý bằng công nghệ thông tin thay vì phần lớn vẫn bằng giấy bút, chân tay như hiện nay. Chẳng hạn cần bỏ ngay hộ khẩu, kinh doanh phải nối mạng để theo dõi bán hàng, kê khai tài sản, thu nhập của quan chức phải đưa hết lên mạng, quản lý đất đai, tài nguyên bằng dữ liệu điện tử thay vì sổ đỏ,…
Cao hơn nữa là khuyến khích phát triển bằng cách hạn chế tối đa việc bắt tội trong lĩnh vực này, không bắt lỗi khi xảy ra rủi ro. Chứ nhà nước không cần giảm thuế, cho tiền những người làm công nghệ thông tin, vì cho chẳng được bao nhiêu và không tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, sòng phẳng.
Xin cám ơn ông!