|
Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu cho xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng (ảnh minh họa: Business World) |
Bản chất của Chuyển đổi số
Trong một sự kiện về công nghệ gần đây do Innovatube tổ chức, một số diễn giả đã có cuộc thảo luận khá thú vị về bản chất của Chuyển đổi số, những thuận lợi cũng như khó khăn trong việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp.
Theo anh Nghiêm Xuân Bách, Giám đốc khu vực của Cinnamon thì Chuyển đổi số là một xu hướng bắt đầu từ năm 1995 và phát triển đến bây giờ. Thế giới đã chuyển đổi từ doanh nghiệp truyền thống sang eBusiness (doanh nghiệp điện tử) rồi lên Digital Business (doanh nghiệp số) và hiện đang tìm cách tích hợp thêm AI, IoT vào các hoạt động của doanh nghiệp. Nếu như ở eBusiness chúng ta mới chỉ đưa thông tin nhân sự và doanh nghiệp lên online để nhiều người trên thế giới có thể tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp, thì đến Digital Business các doanh nghiệp đã bắt đầu thực hiện việc bán hàng, giao dịch online, kết nối các thiết bị của doanh nghiệp và khách hàng.
Một bước chuyển đổi nữa của các doanh nghiệp là tự động hóa tập trung vào AI (Trí tuệ nhân tạo) và Machine Learning (Máy học). Đây là bước tiến tiếp theo của Digital Business. Lúc này công việc hành chính nhân sự hay kinh doanh của doanh nghiệp đều có bóng dáng của trí tuệ nhân tạo (thực tế thì hầu như chưa có doanh nghiệp nào của Việt Nam đạt được đến bước này).
|
Anh Nghiêm Xuân Bách (bên phải) - Giám đốc khu vực Cinnamon
|
Có thể hiểu nôm na bản chất của Chuyển đổi số là sự chuyển đổi từ offline sang online trong các doanh nghiệp, từ giấy tờ sang các dữ liệu số và tiến tới áp dụng các công nghệ tiên phong như AI, Machine Learning, IoT để xử lý các dữ liệu ấy.
“Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu, nếu chúng ta có chuyển đổi số trong lĩnh vực văn bằng, thì đã không có nạn làm bằng giả như bây giờ. Tại sao Việt Nam chưa thể số hóa bằng cấp để doanh nghiệp khi muốn tuyển người có thể truy cập vào dữ liệu của các sinh viên vừa tốt nghiệp?”, anh Lê Việt Thắng, Giám đốc điều hành 1Office đặt câu hỏi.
Những khó khăn trong Chuyển đổi số
Theo anh Lê Việt Thắng, những khó khăn của việc Chuyển đổi số trong doanh nghiệp không phải nằm ở công nghệ, mà nó nằm ở tư duy nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp cũng như các nhân viên. Trước tiên người lãnh đạo cần nhận thức được chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp của họ tăng tính cạnh tranh, nhưng chuyển đổi số cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của họ phải chi ra một số tiền không nhỏ vào phần cứng và phần mềm. Về phía nhân viên, qua nhiều nghiên cứu người ta đã thống kê được rằng nhân viên có xu hướng ghét phần mềm. Càng phải dùng nhiều phần mềm họ càng chán ghét. Chính vì vậy việc thay đổi nhận thức chuyển đổi số trong doanh nghiệp phải được đồng thuận từ trên xuống dưới.
Khó khăn thứ hai là chúng ta chưa có lời giải sâu và tối ưu cho việc Chuyển đổi số. Việt Nam hiện đang đi sau thế giới. Chuyển đổi số của chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc số hóa dữ liệu, chứ chưa áp dụng được trí tuệ nhân tạo để tối ưu các bài toán cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như các doanh nghiệp cần dự báo nhu cầu của khách hàng A và khách hàng B trong 5 tháng tới, nhưng hầu như rất ít doanh nghiệp có thể làm được điều này.
Chị Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc dự án của MOG, nói rằng thực ra ví dụ đơn giản nhất của việc Chuyển đổi số mà chúng ta có thể thấy được trong cuộc sống hàng ngày là việc nộp tiền điện nước. Nếu như trước đây chúng ta phải ra một trung tâm nào đó, hoặc có người đến thu, thì giờ đây chúng ta có thể nộp tiền qua các ví điện tử. Chuyển đổi số đến ngay trong cuộc sống hàng ngày, và nó cũng không có gì là cao siêu. Nhưng thống kê cho thấy 80% các doanh nghiệp khi chuyển đổi số lại gặp thất bại.
Lý giải cho điều này, anh Nghiêm Xuân Bách cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam thiếu một tầm nhìn chiến lược mang tính dài hạn, đồng thời chưa ý thức được rằng mình phải có sự thay đổi trên toàn hệ thống. Nó không chỉ đơn thuần là việc doanh nghiệp mua một phần mềm ứng dụng cho khâu A, hoặc mua máy móc để tăng năng suất cho khâu B. Khi hoạt động doanh nghiệp bao gồm một chuỗi từ A- B- C- D, nếu chỉ số hóa một khâu thì chưa chắc đã đem lại hiệu quả cao.
Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch từng nói rằng trong thời đại ngày nay không phải là cá lớn nuốt cá bé mà là cá nhanh nuốt cá chậm. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp đi nhanh, không bị thụt lùi so với những người khác, thì cái từ khóa ở đây chính là Chuyển đổi số. Ms Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc dự án của MOG |
Đồng tình với ý kiến này, anh Lê Hoàng Nhật, CEO của Ami nói rằng nhiều chủ doanh nghiệp chưa hình dung được chi phí tổng thể mà họ phải bỏ ra để Chuyển đổi số. Vì vậy họ chỉ muốn áp dụng một phần để thử nghiệm. Tâm lý mỗi chủ doanh nghiệp là một đồng họ bỏ ra phải xứng đáng. Có một nghịch lý là việc Chuyển đổi số sẽ giúp tối ưu hóa công việc, đồng nghĩa nhiều nhân sự sẽ thừa ra, nhưng các chủ doanh nghiệp lại không nỡ chấm dứt hợp đồng với họ.
“Chúng ta chưa có nhà cung cấp giải pháp Chuyển đổi số nào đủ sâu cho doanh nghiệp”
Đây là nhận định của anh Lê Việt Thắng, CEO 1Office. Anh Thắng nói rằng quá trình Chuyển đổi số bao gồm 3 thành tố quan trọng: đó là hạ tầng xã hội, doanh nghiệp và nhà cung cấp.
Về hạ tầng xã hội, mặc dù Việt Nam có đi chậm hơn các nước khác, nhưng chúng ta vẫn có những thuận lợi nhất định, chẳng hạn như hạ tầng Internet đã khá tốt. Chính phủ cũng đang thay đổi theo chiều hướng số hóa nhiều hơn các hoạt động hành chính. Chúng ta đã có thể nộp bảo hiểm online, nộp thuế online toàn bộ, có hóa đơn điện tử qua một số nhà cung cấp.
Về phía doanh nghiệp, khi Chuyển đổi số, họ cần biết từng đồng bỏ ra có xứng đáng hay không, vì vậy nhà cung cấp giải pháp phải tính được chỉ số ROI (Return On Investment) – hiệu quả đầu tư với số tiền bỏ ra.
Anh Thắng chưa nhìn thấy ở Việt Nam có nhà cung cấp nào có thể đưa ra một giải pháp đủ rẻ, dễ dàng triển khai, dễ dàng sử dụng, dễ dàng chỉnh sửa và đặc biệt là tất cả- trong- một.
Trên thế giới có 2 công ty cung cấp giải pháp CRM nổi tiếng là Salesforce và Zoho. Khi Zoho vào Việt Nam họ bán 5-6 USD cho một người dùng, còn giá Salesforce giá khoảng 70 USD - đây là một mức giá quá cao. Đối với doanh nghiệp Việt điều quan trọng là giá phải rẻ thì họ mới chấp nhận mua dịch vụ.
Anh Thắng cho rằng sở dĩ nhà cung cấp Việt chưa thể đưa ra một giá thành đủ rẻ là bởi vì họ chưa đủ nhiệt huyết, chưa đủ kiên trì.
Các doanh nghiệp Chuyển đổi số thành công đã làm thế nào để tạo sự nhất quán, đồng lòng từ trên xuống dưới?
|
Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm về Chuyển đổi số tại sự kiện Vietnam Frontier Summit do Innovatube tổ chức
|
Anh Nghiêm Xuân Bách, Giám đốc khu vực của Cinnamon nói rằng qua kinh nghiệm làm việc với nhiều khách hàng, anh thấy những doanh nghiệp thành công đã biết cách áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất công việc, chứ không phải áp dụng công nghệ để thay thế con người. Lãnh đạo các doanh nghiệp đó đã biết cách để một nhân viên có thể làm việc đa lĩnh vực, chẳng hạn như anh ta có thể là một người quản lý dữ liệu đồng thời là một nhân viên chăm sóc khách hàng.
Ngoài ra, người lãnh đạo còn phải biết mềm mỏng, khuyến khích nhân viên bởi nhân viên mới là người thực thi các công nghệ được đưa vào doanh nghiệp. Đôi khi người lãnh đạo phải có các chế tài để trừng phạt các nhân viên gian dối, lười nhác.
“Như vậy câu chuyện thành công ở đây vừa phải là quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp, vừa phải là tư duy của họ, cộng với sự mềm mỏng và chế tài kèm theo thì mới thay đổi được thói quen của nhân viên”, anh Lê Việt Thắng, CEO 1Office nhận định.